Bí thư Thăng: Đưa văn học, nghệ thuật TP.HCM trở lại số 1

Quang Định |

Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu cần phải đánh giá lại thực trạng văn học nghệ thuật của thành phố đang ở đâu để sớm đưa ra giải pháp trở lại vị trí dẫn đầu.

Chiều 13/6, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã làm việc với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM.

Bà Lê Tú Lệ, PCT Thường trực Liên hiệp các hội VHNT TP cho hay, các nghệ sĩ bức xúc về vấn đề kinh phí giải thưởng cho các hội hàng năm. Cào bằng là 50 triệu/năm, nhưng có những hội không có tác phẩm như hội VNNT các dân tộc thiểu số, hội kiến trúc sư... không phù hợp xét trao giải. 

Bí thư Thăng: Đưa văn học, nghệ thuật TP.HCM trở lại số 1 - Ảnh 1.

Bà Lê Tú Lệ - PCT Thường trực Liên hiệp các hội VHNT TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều người tham gia làm một bộ phim công phu mà bộ phim ấy chỉ được thưởng 1 triệu, diễn viên xuất sắc cũng chỉ 1 triệu, bà Lệ nêu và nói thêm, sự tôn vinh là có nhưng chưa xứng đáng.

Còn ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP lo lắng trước thực trạng thiếu nhà hát, rạp chiếu. Trước đây, TP có nhiều công trình văn hoá nhưng càng về sau càng bị thu hẹp. 40 năm qua, chỉ có nhà hát Hoà Bình ở Q.10 và Bến Thành ở Q.1.

Bí thư Thăng: Đưa văn học, nghệ thuật TP.HCM trở lại số 1 - Ảnh 2.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê lo lắng khi các sản phẩm văn hóa bị thương mại hóa, chạy theo thị hiếu nhất thời.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, GĐ Sở Văn Hoá, Thể thao và Du lịch TP.Hồ Chí Minh nhận định, đời sống văn hóa nghệ thuật ở TP đang đặt trong trạng thái hết sức bức bách.

"Hiện cơ sở vật chất của ngành văn hóa gần như là rệu rã. Trụ sở nhà hát xuống nghiêm trọng có thể sập bất cứ lúc nào", ông Khuê nói và cho biết thêm, nhà hát kịch mà kiêm cả biễu diễn xiếc thú, mèo chuột chạy nhảy trên đầu, ông mắc cỡ, không dám hướng dẫn các đoàn quốc tế tới tham quan nhà hát.

Ông Khuê cũng lo lắng trước thực trạng có nhiều nghệ sĩ tên tuổi gắn bó với sự nghiệp VHNT TP nhưng đã dứt áo ra đi làm diễn viên tự do, bởi môi trường hoạt động cho nghệ sĩ "lột tả cảm xúc" có nhiều hạn chế. Các các sản phẩm văn hóa bị thương mại hóa, chạy theo thị hiếu nhất thời.

Nói về nhà hát Trần Hưng Đạo, người đứng đầu ngành văn hóa TP cho biết, từ năm 2000 tới giờ thay đổi nhiều chủ đầu tư, anh chị em văn nghệ sĩ thì không có đầy đủ kiến thức của xây dựng, làm theo cảm hứng, đơn vị tư vấn có năng lực kém. Đây là công trình tiền thuế của dân, đắp chiếu 3 năm chưa đưa vào sử dụng.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng thừa nhận, VHNT, thể dục thể thao của TP có một số mặt đi xuống, thậm chí là tụt hậu so với các tỉnh thành khác.

Ông Thăng yêu cầu các sở, các ngành liên quan phải tập trung xây dựng để đưa VNHT, thể dục thể thao TP lấy lại vị thế dẫn đầu.

"Chúng ta làm không phải vì thành tích, vì số 1 hay số 2. TP có 13 triệu dân, đưa lại vị thế đó để đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Thăng nêu rõ quan điểm.

Bí thư Thăng cũng đề ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về tài chính cho các văn nghệ sĩ.

"Sở Tài chính nghiên cứu cải thiện hình thức quyết toán. Tốt nhất là khoán chi để làm sao nghệ sĩ thoải mái sáng tạo, không bị làm phiền bởi các thủ tục tài chính nhiêu khê", người đứng đầu Thành ủy TP.Hồ Chí Minh kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại