"Giải cứu trẻ con" ở Đền Hùng và ảo tưởng nhất thế giới

​Hà Văn Thịnh |

Giỗ Tổ, hướng về Nguồn Cội là dịp để “nhắc nhau” từ vô thức, tâm linh là nét ĐẸP của văn hóa – đạo đức, là truyền thống thật đáng để tự hào, trân trọng từ bao đời nay…

Thế nhưng, nhìn cảnh chen chúc, giẫm đạp lên nhau đến mức ngạt thở, ngất xỉu, những đứa trẻ khóc không thành tiếng mới thật sự phải bàng hoàng: Sử sách chưa bao giờ thấy ghi rằng các triều đại trước đây, chưa bao giờ diễn ra những cảnh huống đáng buồn tương tự…

Trước hết, xin bàn về lễ vật. Cái bánh chưng hay bánh tét to nhất Việt Nam không phải là chuyện mới bởi nhiều năm nay, báo chí cứ kêu; dư luận cứ phán ngược xuôi; người ta vẫn cứ làm.

Năm sau to hơn năm trước, “kỉ lục” của năm này, năm sau sẽ bị phá y như trò chơi đuổi bắt mãi không có điểm dừng…

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra.


Lượng người dồn về đền Hùng (Phú Thọ) dự giỗ tổ Hùng Vương sáng 16-4 quá lớn nên xảy ra tình trạng chen chúc khiến nhiều người ngất xỉu, trẻ nhỏ khóc thét sợ hãi. Ảnh:Tuổi trẻ

Lượng người dồn về đền Hùng (Phú Thọ) dự giỗ tổ Hùng Vương sáng 16-4 quá lớn nên xảy ra tình trạng chen chúc khiến nhiều người ngất xỉu, trẻ nhỏ khóc thét sợ hãi. Ảnh:Tuổi trẻ

Đến lúc nào thì cái bánh chưng không thể to hơn được nữa? Chất lượng sẽ ra sao, “nó” có còn ngon như “lòng thành” mong muốn hay cúng, dâng lễ xong rồi phải… bỏ?

Những người làm bánh trả lời sao khi dùng chân để “chế biến” thực phẩm thì bị lên án còn đi chân không vào trong khuôn bánh để sắp lá, đổ nếp (như báo chí đã đăng) thì lại coi là chuyện bình thường?...

Có một câu chuyện cần phải nhắc lại: Sau khi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ (11.9.2001), nhiều ý kiến cho rằng cần phải tái xây dựng ngay chỗ đó tòa nhà cao nhất thế giới (!)

Thế nhưng nhiều ý kiến phản bác rằng, nhất thế giới là một ảo tưởng chẳng bao giờ có điểm dừng vì chỉ ít lâu, nó sẽ không còn nhất nữa; vậy thì, tại sao không chọn một chiều cao nào đó có ý nghĩa có phải hợp lý hơn không?

Các nhà kiến trúc đã quyết định chiều cao của tòa nhà mới bằng 1.776 feet – với ý nghĩa “nhắc nhở” kỷ niệm năm ra đời của Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Kinh nghiệm tương tự có ở nhiều nước trên thế giới.

>> Xem thêm những bài viết của tác giả TẠI ĐÂY

Tại sao ta không thể gói cái bánh chưng Giỗ Tổ với 18 cân nếp, 18 loong đỗ, 18 miếng (lạng) thịt, 18 lớp lá, 18 sợi lạt, đun nhỏ lửa trong 18 giờ?

Nếu làm thế, chẳng có Người Việt nào không nhớ 18 Đời Vua Hùng theo truyền thuyết. Vừa phải, ý nghĩa, lòng thành là lễ vật đáng trân quý nhất.

Tác giả Hà Văn Thịnh
Tác giả Hà Văn Thịnh

Chuyện tiếp theo là tụ hội quá tải ở Đền Hùng. Sẽ có giải thích đó là lòng dân, ý dân – không thể cản ngăn…

Xin hỏi những người có lập luận đó rằng trước năm 2007 (năm quy định nghỉ Lễ ngày Giỗ Tổ), tính lui hàng trăm năm nữa, có bao giờ xảy ra chuyện chen chúc, giẫm đạp phản cảm như thế không?

Còn nhớ, năm 1917, Bộ Lễ (dưới thời vua Khải Định) quy định rõ ngày Giỗ Tổ phải tiến hành QUỐC TẾ thật trang nghiêm, thành kính…

Chắc chắn rằng, đây là một trong những lý do để UNESCO ghi nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại”.

Rõ ràng, chẳng có ai lại công nhận một sự kiện văn hóa nhiều ý nghĩa lại được tổ chức bằng… chen chúc, giẫm đạp lên nhau đến mức thừa sống, thiếu chết.

Nguyên tắc của đời giản dị lắm: Một khi muốn thương mại hóa một lễ hội bất kỳ để thu lợi nhuận nhiều nhất thì cũng mặc định rằng, tính trang nghiêm, chuẩn mực của đạo đức, lòng thành sẽ bị phôi pha…

Đừng bao biện rằng người dân kéo đến đông khó kiểm soát. Nói như thế chẳng khác gì tuyên bố để mặc cho 100.000 dân kéo vào cái sân vận động chỉ có sức chứa 30.000 người!

Điều tiết và kiểm soát là chức năng của Ban Tổ chức. Bất kì mọi sự “phá vỡ” nào cũng chứng tỏ sự kém cỏi (nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm; thậm chí là lạm dụng) của các nhà tổ chức…

Cướp ấn, tranh đoạt, giẫm đạp… trong các lễ hội ở nước ta là câu chuyện dài kỳ. Lễ vật khủng (to và dài!) là nỗi buồn của nhiều năm. Hãy bàn một lần, rồi thôi; để, sao cho các lễ hội diễn ra thật văn hóa, chuẩn mực.

Có như thế thì giá trị tâm linh mới được trân quý, truyền thống văn hóa mới được thăng hoa và xã hội mới có thể ngày một tốt, đẹp hơn…

Huế, 17.4.2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại