Độ tuổi “vàng” trong cơ cấu nhân viên của FPT

Pha Lê |

Độ tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhân lực của FPT năm qua là các nhân sự từ 25 – 30 tuổi.

Tập đoàn FPT là một trong số những doanh nghiệp công nghệ được xếp vào top hàng đầu Việt Nam.

Trong danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố hôm 11/3 vừa qua, FPT đứng ở vị trí thứ 21.

Mới đây, trong bản tài liệu công bố Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, phần thông tin liên quan đến nguồn nhân lực của đơn vị này đã chứng tỏ rõ sức hút mạnh mẽ của công ty công nghệ FPT.

Tính đến hết tháng 12/2015, quy mô nhân sự làm việc tại FPT đạt 26.818 người, tăng 21,8% so với năm 2014.

Trong đó, tổng số kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia công nghệ của tập đoàn đạt 10.617 người, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều này cũng không phải là khó hiểu, bởi lẽ đây là đơn vị công nghệ, viễn thông. Đây là 2 trong số 4 lĩnh vực chủ chốt của doanh nghiệp.

Khối công nghệ gồm lĩnh vực Phát triển phần mềm, lĩnh vực Tích hợp hệ thống và Dịch vụ Công nghệ thông tin trong năm qua đã đóng góp 22% doanh thu và 33% lợi nhuận cho tập đoàn.

Khối viễn thông gồm lĩnh vực Dịch vụ viễn thông và Nội dung số đem lại 14% doanh thu và 37% lợi nhuận trong năm 2015.

Hơn 26 nghìn nhân viên của FPT mang 25 quốc tịch, trong thì có 1.135 cán bộ nhân viên mang quốc tịch nước ngoài.

Độ tuổi chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhân lực của FPT năm qua là các nhân sự từ 25 – 30 tuổi. Số này chiếm 42,4% tương đương 11.375 người.

Tiếp đó là những lao động dưới 25 tuổi, chiến 33,0% tương đương 8.853 người. 5.940 người, tương đương 22,1% là con số phản ánh lao động ở động tuổi từ 31 – 40 đang làm việc tại FPT.

Chiếm 2,0% và 0,5% là số liệu lần lượt thể hiện lao động từ 41 đến 50 tuổi và trên 50 tuổi đang công tác tại đây.

Điều này có nghĩa là hơn 26 nghìn lao động, chỉ có hơn 600 người nằm trong 2 độ tuổi này. Nó cũng đồng nghĩa với việc những người ngoài 40 tuổi thì cơ hội làm việc tại tập đoàn này là rất ít.

Người lao động làm việc tại đây chủ yếu là có bằng đại học, với 16.337 người, tương đương 60,9% tổng số lao động.

Đây cũng là đơn vị dành khá nhiều tài chính trong việc đào tạo nhân lực. Trong năm 2015, FPT đã chi tổng cộng là 71,4 tỷ đồng cho các hoạt động và chương trình đào tạo nội bộ với 195.240 lượt được đào tạo.

Bên cạnh đó, FPT cũng thành lập trường đào tạo cán bộ, ban hành Quy chế Đào tạo nội bộ cho tập đoàn và các công ty thành viên.

Mục đích của việc này là nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn có, sẵn sàng tiếp cận các xu hướng công nghệ mới nhất và đủ năng lực làm việc với các đối tác công nghệ lớn trên thế giới.

Bản báo cáo này cũng cho thấy rõ, trong năm 2015 vừa qua, tổng mức lương thực chi cho 3 thành viên HĐQT FPT là 9,2 tỷ đồng, mức đại hội cổ đông phê duyệt là 10,76 tỷ đồng.

Như vậy, bình quân mức tiền mà 3 thành viên HĐQT bao gồm: ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT; ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên HĐQT nhậntrong năm qua là hơn 250 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại