Đà Nẵng nói gì về việc 3 lãnh đạo chủ chốt không ứng cử ĐBQH?

HẢI CHÂU (thực hiện) |

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, việc 3 vị lãnh đạo cao nhất của TP không ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là thực hiện theo quy định của Trung ương. Coi đây là việc làm “đột phá” của Đà Nẵng là không đúng!

Như Infonet đã đưa tin, qua hội nghị hiệp thương lần 2 hôm 18/3 vừa qua, TP Đà Nẵng đã thỏa thuận lập danh sách 13 ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và 98 ứng cử viên đại biểu HĐND TP khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, 3 vị lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng là Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chỉ ứng cử đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa IX mà không ứng cử ĐBQH khóa XIV.

Thay vào đó, lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV theo cơ cấu định hướng là ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Sau khi báo Infonet đưa tin, đã có nhiều bạn đọc đề nghị thông tin rõ thêm về việc vì sao 3 vị lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng không ứng cử ĐBQH.

Trong khi đó, có một số ý kiến trong dư luận cho rằng đây là một quyết định “rất tiến bộ” của lãnh đạo Đà Nẵng hay “đây là một tiền lệ chưa từng xảy ra” vì thông thường, các cương vị chủ chốt trong lãnh đạo tỉnh (Bí thư hoặc Chủ tịch) là đại biểu Quốc hội.

Thậm chí có bạn đọc đặt câu hỏi: “Hay là có khúc mắc gì đó?”...

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, sáng 22/3, bên lề kỳ họp thứ 17, kỳ họp cuối cùng của HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử ĐBQH khóa XIV (đơn vị TP Đà Nẵng) và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016– 2021.

PV: Sau khi báo Infonet đưa tin 3 vị lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng chỉ ứng cử đại biểu HĐND TP mà không ứng cử ĐBQH khóa tới, đã có nhiều bạn đọc đề nghị giải thích rõ thêm về việc này. Xin ông cho biết cụ thể?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Có thể nói sau khi báo Infonet đưa tin thì có rất nhiều bạn đọc, rất nhiều phóng viên của các báo gọi điện hỏi tôi về việc này.

Tôi xin được chia sẻ như sau: Việc 3 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của TP Đà Nẵng không tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV sắp tới là có lý do của nó.

Trước hết, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã được quy hoạch ứng cử đại biểu HĐND TP khóa IX để làm Chủ tịch HĐND TP.

Theo quy định của Trung ương, trong nhiệm kỳ này, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các địa phương không kiêm nhiệm cả 3 chức vụ là Bí thư, Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH.

Đối với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí thì trong quy hoạch đã được đề cử và giới thiệu làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị TP Đà Nẵng.

Nhưng do luật quy định các đồng chí ứng cử lần đầu phải đảm bảo cả nhiệm kỳ 5 năm. Đồng chí Võ Công Trí không đủ điều kiện đó nên không ra ứng cử ĐBQH.

Đối với đồng chí Huỳnh Đức Thơ là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP thì theo cơ cấu chung, lần này Trung ương chỉ đạo và phân bổ cho Đà Nẵng cơ cấu lãnh đạo chủ chốt tham gia ĐBQH là về phía Đảng chứ không cơ cấu bên phía hành pháp, tức là không cơ cấu đồng chí Chủ tịch UBND TP ứng cử ĐBQH.

Do đó, để có một đại biểu xứng đáng và đảm bảo theo tiêu chuẩn của Trung ương quy định thì lãnh đạo TP, đặc biệt là tập thể Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cử và giới thiệu đồng chí Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, quy hoạch là Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ra ứng cử ĐBQH khóa XIV và giới thiệu làm Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng.

PV: Thưa ông, có một điều thắc mắc là trước đây ông Nguyễn Bá Thanh vẫn đảm đương cùng lúc 3 chức vụ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng. Tại sao lần này Đà Nẵng lại không thể tiếp tục làm như vậy?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trước đây không có quy định lãnh đạo chủ chốt của các địa phương không kiêm nhiệm cả 3 chức vụ là Bí thư, Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH.

Vì vậy ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp tục làm Bí thư Thành ủy, đồng thời kiêm nhiệm hai chức vụ Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH. Bây giờ Trung ương quy định rất cụ thể đã là Bí thư thì không kiêm nhiệm cùng lúc cả hai chức vụ kia, mà chỉ kiêm nhiệm một trong hai chức vụ đó thì mới đảm bảo được.

PV: Thưa ông, như vậy việc 3 vị lãnh đạo cao nhất của TP không ứng cử ĐBQH khóa tới là một sự đột phá, một việc làm chưa có tiền lệ của Đà Nẵng, hay đây là việc mà Đà Nẵng chấp hành đúng theo quy định của Trung ương?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nói đây là một sự đột phá của Đà Nẵng thì không đúng mà Đà Nẵng thực hiện việc này trên cơ sở cân đối và phân bổ của Trung ương.

Tuy nhiên trong điều kiện cụ thể của TP có đặc thù như tôi vừa nói ở trên nên việc giới thiệu người đảm bảo các tiêu chuẩn để ra ứng cử ĐBQH là một việc làm mang tính trách nhiệm cao của Đà Nẵng.

Việc giới thiệu nhân tố mới, nhân sự mới theo quy hoạch chung là yêu cầu chung trong việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP.

PV: Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về định hướng cơ cấu ĐBQH mà Trung ương phân bổ cho Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong yêu cầu cơ cấu chung, việc Trung ương căn cứ vào tính chất đặc thù của từng địa phương để phân bổ ứng cử viên làm ĐBQH là có tính chất hợp lý.

Cho nên lãnh đạo TP Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện định hướng cơ cấu đó. Vì vậy không có gì là khúc mắc.

Và chúng tôi cũng tin tưởng rằng tất cả những người được lãnh đạo TP Đà Nẵng giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV là có trình độ, năng lực, trách nhiệm như các khóa trước.

PV: Nói tóm lại, 3 vị lãnh đạo cao nhất của TP không ứng cử ĐBQH khóa tới là do Đà Nẵng chấp hành đúng theo quy định chung của Trung ương đối với tất cả các địa phương, chứ không phải là việc gì mang tính chất “hiện tượng” của riêng Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nói như vậy là chính xác!

PV: Xin được hỏi ông câu cuối cùng: Ông có nhận xét gì về quy định lãnh đạo chủ chốt của các địa phương không kiêm nhiệm cả 3 chức vụ là Bí thư, Chủ tịch HĐND và Trưởng đoàn ĐBQH?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đây là quy định của Trung ương nên tôi không thể mạo muội nhận xét.

Tuy nhiên theo tôi, thực hiện đúng quy định này sẽ tạo điều kiện cho lãnh đạo chủ chốt của các địa phương có thêm thời gian tập trung chuyên sâu cho công tác lãnh đạo của Đảng, công tác chính quyền trên địa bàn.

Vì các kỳ họp Quốc hội diễn ra trong thời gian dài nên nếu trở thành ĐBQH thì họ sẽ không có đủ điều kiện để chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của địa phương.

Ngược lại, khi lãnh đạo chủ chốt của các địa phương không tham gia ĐBQH thì sẽ tạo điều kiện tăng thêm các đại biểu có thể dành thời gian chuyên sâu cho Quốc hội nhiều hơn.

Đối với Đà Nẵng, ngoài đồng chí Nguyễn Thanh Quang được giới thiệu ứng cử để làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thì TP cũng giới thiệu thêm đồng chí Nguyễn Bá Sơn, Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP ứng cử ĐBQH, nếu trúng cử thì làm Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng để chuyên trách về công tác Quốc hội trên địa bàn.

PV: Xin cám ơn ông đã dành cho báo Infonet cuộc phỏng vấn này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại