Từ tận cùng tăm tối của cuộc đời trở thành chàng thợ xăm có tiếng

Công Tuấn |

Vì hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học từ năm lớp 9, chàng trai 96 này đã phải trải qua rất nhiều nghề, nhiều cay đắng tủi hơn để đến được với nghề xăm nghệ thuật.

Từ bốc vác, chăn ngựa đến thợ xăm

Châu Hải Minh (sinh năm 1996, Sóc Trăng) là một trong những thợ xăm trẻ có tiếng tại Sài Thành.

Dù mới chỉ làm quen và theo đuổi bộ môn nghệ thuật này nhưng Hải Minh lại có trong tay kha khá các giải thưởng, trở thành địa chỉ uy tín cho những ai mong muốn sở hữu những hình xăm độc.


Chàng trai trẻ Châu Hải Minh.

Chàng trai trẻ Châu Hải Minh.

Hải Minh chia sẻ, xuất phát từ niềm đam mê, mong muốn được xăm, được vẽ và sáng tạo trên cơ thể đã đưa anh chàng đến với nghề xăm.

“Thời còn đi học, mình thường đưa mấy đứa bạn ra vẽ vời tay chân. Có lúc mình vẽ đồng hồ, quả bóng... lúc vẽ hình người. Từ trước đến giờ, mình luôn coi xăm như một một loại hình nghệ thuật được ghi nhận nên “cuồng” nghề thợ xăm lắm”.

Gia đình nghèo khó, ba mẹ lại xung khắc nên thường xuyên cãi vã, gây chuyện đã khiến Hải Minh quyết định nghỉ học từ năm lớp 9.

“Lúc đó, ba mẹ mình vì chuyện tiền bạc thường xuyên cãi nhau to. Thực sự cảm thấy không thể yên ổn học tập, nên mình mới nghỉ để đi làm, phụ giúp ba mẹ kiếm tiền. Mình không muốn vì đồng tiền mà ba mẹ cãi nhau, gây chuyện thêm nữa.

“Lúc mình xin nghỉ học, ba giận lắm, nói rằng: Tương lai là của mày, tao cho mày ăn học đàng hoàng nhưng mày nghĩ thế nào là do mày tự chịu trách nhiệm”, Hải Minh trải lòng.


Vì hoàn cảnh gia đình, chàng trai này đã quyết định nghỉ học từ năm lớp 9.

Vì hoàn cảnh gia đình, chàng trai này đã quyết định nghỉ học từ năm lớp 9.

Tuy gia đình không hài lòng nhưng Hải Minh vẫn quyết định khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh mưu sinh. Ban đầu, cậu xin vào làm công nhân bốc vác ở chợ Tân Bình với mức lương ít ỏi, chỉ đủ cầm cự sống qua ngày.

“Mình phải làm việc từ 8h đến 17h, mỗi lần vác từ 40 – 50kg hàng hóa. Công việc rất nặng nhọc”.

Sau đó, Hải Minh bán hàng rong ở gần bệnh viện nhưng công việc vất vả với thu nhập bấp bênh, lúc có lúc không cũng khiến một chàng trai “sung sức” như Minh nản lòng.

Thế rồi, cậu quyết định khăn gói lên Đà Lạt, làm nghề mặc đồ thú bông để khách du lịch chụp hình. Thời điểm ấy, Hải Minh cũng nhận công việc chăn ngựa với mức lương đủ sống.

“Mỗi ngày mình dắt ngựa ra khu vực cố định để cho khách du lịch thuê cưỡi, rồi tắm cho ngựa, hót phân ngựa, dắt ngựa đi dạo….Chăm ngựa còn hơn chăm người nữa”, Hải Minh chia sẻ thêm.

Lay lắt sống qua ngày với những công việc tạm bợ, Hải Minh quay về Sài Gòn tiếp tục nghề bốc vác ở chợ. Tưởng chừng cuộc đời sẽ tăm tối với sự bất lực, buông xuôi tất cả nhưng trong một lần về quê, niềm đam mê bấy lâu nay trỗi dậy trong anh chàng.

“Cậu mình có sở hữu máy xăm, thuê thợ về xăm ở nhà. Mình “thèm” quá nên quyết định trộm cái máy xăm đó, trở lên Sài Gòn.

Mình xăm thử lên người mình, rồi xăm cho vài người bạn. Từ trộm máy xăm, thử xăm lên người hình xăm đầu tiên, đến nay mình đã sở hữu một tiệm xăm và có hơn 200 hình xăm lớn bé trên khắp cơ thể”.

Một năm xăm lên người hơn 200 hình

Đam mê xăm mình, chàng thợ xăm trẻ tuổi Hải Minh vẫn luôn dành thời gian để “điêu khắc” những hình thù độc đáo lên cơ thể mình.

Đến với xăm chỉ mới được 1 năm, cũng là từng ấy thời gian anh chàng theo nghiệp thợ xăm, và cũng là chừng ấy thời gian ngắn ngủi cho hơn 200 hình xăm chằng chịt trên chính cơ thể mình.

Anh chàng này "chất chơi" đến nỗi, mỗi người bạn hay thợ xăm đều có cơ hội “ghi dấu” mình lên cơ thể cậu bằng cách kí tên cũng độ đáo không kém.

Người khác kí tên bằng bút, lên giấy, Hải Minh sẵn sàng cho người khác kí tên bằng máy, lên da của mình.

Qua những hình xăm trên cơ thể mình, Hải Minh muốn gửi gắm thông điệp, đặc biệt những người luôn kì thị anh: “Ta chỉ sống được một lần, vì vậy hãy sống cho cuộc sống của mình và sống thật ý nghĩa.

Cuộc sống hiện đại, vì thế, hình xăm bây giờ cũng là một nghệ thuật. Xăm cũng được chi trả bằng tiền nên không thể bảo những người có tiền đi xăm là xấu cả. Do đó, thay vì việc đánh giá họ qua bề ngoài, hãy tiếp cận để hiểu họ hơn”.

“Cuộc sống này đa sắc. Đâu phải cứ ngồi văn phòng hay ăn mặc lịch sự sẽ là người tốt, đâu phải cứ những người xăm mình chắc chắn là người xấu.

Đơn giản nếu mình xăm nhiều như thế càng khiến mình không dám làm điều xấu vì nó sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng yêu thích xăm và những người có hình xăm trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng.

Xăm không phải là xấu, chỉ có người tâm xấu mới làm xấu hình xăm”, anh chàng bày tỏ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại