Nhạc sĩ Thanh Tùng - Ngôi sao không còn cô đơn

Minh Nhật |

Không ít người khi nghe ca khúc "Một mình" của nhạc sĩ Thanh Tùng đã hình dung rằng, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã phải nếm trải cảm giác cô đơn đến tận cùng khi không còn người vợ xinh đẹp ở bên. Thế nhưng ông lại luôn tâm niệm rằng, nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn.

Đào hoa và hào hoa

Thông tin nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời hôm 15/3 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội không quá bất ngờ nhưng vẫn khiến công chúng và giới nhạc tiếc thương.

Bởi nếu không phải ảnh hưởng từ cơn tai biến hồi năm 2008, sự nghiệp âm nhạc của ông chắc chắn vẫn còn được nối dài với nhiều ca khúc nổi tiếng.

Trước khi mất, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã có 8 năm phải gắn bó cuộc đời bên chiếc xe lăn.

Chứng liệt nửa người do cơn tai biến khiến ông khó khăn trong vận động, sinh hoạt, lại phải chiến đấu thêm với những lần chạy thận đều đặn ở bệnh viện.

Thế nhưng, mỗi khi có dịp xuất hiện trước công chúng, người nhạc sĩ ấy vẫn giữ được sự bảnh bao và sự tinh anh như thể bệnh tật chưa từng làm ông gục ngã.

Lần cuối cùng ông đứng trên sân khấu là ở đêm nhạc “Một mình” tại Hà Nội vào năm 2008, trước khi bị tai biến. 3 năm sau đó, vì tình yêu với khán giả, ông được động viên, khích lệ để tổ chức một đêm nhạc mang tên "Lối cũ ta về" nhưng vì sức khỏe quá yếu, ông đã không thể xuất hiện trên sân khấu như mong mỏi.

Hiểu tâm nguyện của cha, các con ông cũng từng nỗ lực để ông tìm được niềm vui với âm nhạc qua chiếc máy tính ở nhà. Nhưng vì bị liệt cánh tay bên phải nên việc viết ra với ông thật không dễ dàng.

Trước khi đến với sáng tác nhạc nhẹ, theo một số nhạc sĩ trong nghề thì nhạc sĩ Thanh Tùng từng viết nhiều tác phẩm khí nhạc.

Đáng kể nhất và được nhiều người nhớ đến hơn cả là những nốt nhạc trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” từ tập 2 có tên “Quân cờ di động” của đạo diễn Khôi Nguyên.

Hình ảnh Nguyễn Thành Luân với trang phục áo măng tô và mũ bành dạo bước đầy hào hoa và lãng tử trong rừng cao su sở dĩ được in sâu trong trí nhớ của khán giả, có lẽ cũng nhờ một phần vào sự thành công của những nốt nhạc được ví như "sóng lòng" của người chiến sĩ tình báo.

Rất nhiều người khi đó còn nhầm tưởng, đạo diễn đã chọn đoạn nhạc của tác giả nổi tiếng nào đó của phương Tây chứ không phải là của nhạc sĩ Việt Nam và lại càng ngạc nhiên hơn khi biết đó là của nhạc sĩ Thanh Tùng, bởi khi đó ông còn khá trẻ.

Ngoài những sáng tác nổi tiếng được nằm lòng trong giới trẻ lúc bấy giờ, ít người biết rằng, nhạc sĩ Thanh Tùng còn là một doanh nhân từng kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ nước khoáng, nhà hàng, khách sạn đến bất động sản.

Có thông tin còn nói rằng, ông từng sở hữu một vũ trường. Các con ông cũng được thừa hưởng "tài lẻ" từ cha mình nên đều là những người làm kinh doanh khá thành đạt.

Theo giới chuyên môn, nhạc sĩ Thanh Tùng được biết đến là người khá đào hoa và hào hoa.

Yêu đến tận cùng mới viết được “Một mình” như thế

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhắc lại những dấu ấn với nhạc sĩ Thanh Tùng: “Tôi chơi với Thanh Tùng từ khi anh mới được đi đào tạo về nhạc nhẹ ở Triều Tiên về.

Khi đó, Thanh Tùng nhiệt huyết và hồ hởi lắm, vì được lĩnh hội những cái mới mẻ về nhạc lý ở bên ngoài về.

Chỉ sau 5 năm, Thanh Tùng đã trình làng hàng loạt những ca khúc với màu sắc âm nhạc khác hẳn lúc bấy giờ, như: “Lối cũ ta về”, “Giọt nắng bên thềm”, “Hoa tím ngoài sân”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”...

Điều đáng nói là, những ca khúc ấy dù rất mới, khác biệt với dòng nhạc hiện tại nhưng lại có sức lan tỏa nhanh chóng, chiếm lĩnh đời sống rất nhanh.

Nó mới ở cách cấu tứ tác phẩm, xây dựng bố cục, ca từ đẹp, lãng mạn nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi ở giai đoạn ấy, Thanh Tùng được coi là một tài năng hiếm có của nhạc Việt.

Giờ xem lại các ca khúc của Thanh Tùng, tôi hơi tiếc là giai đoạn sáng tác hiệu quả của anh không kéo dài được lâu, chỉ khoảng hơn 10 năm nên các sáng tác cũng chưa được nhiều.

Tôi hiểu, đằng sau tài năng ấy là một đời sống riêng có nhiều biến động. Không biết có phải vì thế mà sau này anh ít sáng tác hơn chăng, hoặc vẫn sáng tác đều mà không công bố?”.

Nói về những thành tựu của vị nhạc sĩ quá cố, nhạc sĩ Phú Quang đánh giá: “Nhìn vào các ca khúc của Thanh Tùng thì ai cũng hiểu đó là một nhạc sĩ tài năng.

Thời đó, nhạc trẻ vẫn chưa được định hình nên những sáng tác của anh được coi như một làn gió mới. Nói về âm nhạc thời kỳ ấy ở miền Bắc thì Thanh Tùng được coi là người tiên phong trong dòng nhạc trẻ.

Điều dễ nhận thấy ở nhạc Thanh Tùng đó là giai điệu, ca từ đều rất chân thật nên dễ tìm được sự rung cảm ở khán giả”.

Trong đời sống riêng, dù được tiếng là người nhạc sĩ đào hoa, phong độ nhưng Thanh Tùng lại là người chung tình đến mức kinh ngạc.

Ai biết về Thanh Tùng, nghe bài "Một mình" thì sẽ hiểu giữa ca từ và tâm tư thật của ông ngoài đời gần như không có sự khác biệt.

Đó là tình cảm mà chỉ khi yêu bằng trái tim nồng ấm, hiểu được nỗi đau của sự cô đơn đến tận cùng mới có thể chắt lọc được những ca từ như thế: "Vắng em đời còn ai với ai/Ngất ngây men rượu say/Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/Cô đơn cùng với tôi về"... (trích bài “Một mình”).

Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Thanh Tùng được tổ chức vào hồi 8h đến 10h30 ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

An táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Nguyễn Cường

“Đại gia” làng nhạc bây giờ có Hà Dũng thì trước đây có Thanh Tùng

Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói rằng, ông không có nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Thanh Tùng mà chỉ đơn thuần là những cuộc gặp gỡ anh em trong nghề.

Ban đầu, Thanh Tùng chỉ là người phối khí, nhưng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn động viên thì Thanh Tùng mới bắt đầu viết bài hát.

Cũng phải nói rằng, nhờ có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà Thanh Tùng viết rất nhiều bài hát.

Nói về sự nghiệp âm nhạc của cố nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận định: “Bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng không kém gì Trịnh Công Sơn.

Ca từ rất hay nhưng lại giản dị, gần gũi và đi vào tâm hồn đời sống con người.

Trong những thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Thanh Tùng có nhiều bài hát nổi tiếng như: “Lối cũ ta về”, “Hoa tím ngoài sân”... mà đặc biệt hơn khi nó được Thanh Lam "chắp cánh" và thể hiện rất thành công.

Khi nhạc sĩ Thanh Tùng mới về nước, ông là một trong những người mang tinh thần phối khí rất mới mẻ cho nền âm nhạc Việt.

Điển hình là bài “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Có thể nói, nhạc sĩ Thanh Tùng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền nhạc Pop Việt Nam”.

Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Cường về giai thoại nói rằng, nhạc sĩ Thanh Tùng từng gắn bó với một người đẹp là hoa khôi, cách sống cũng rất “đại gia”, ông cho biết: “Tôi không thân nên không tỏ hết chuyện trong đời sống riêng của anh, nhưng quả là trong đời thường, Thanh Tùng là người rất quảng giao.

Ông cũng từng được biết đến như một “tay chơi” ở TPHCM. Nói đến sự “chơi” và “đại gia” trong giới nhạc sĩ thì chắc chắn là phải có Thanh Tùng và Hà Dũng.

Còn chuyện về những “bóng hồng” trong đời ư? Với vẻ ngoài đẹp trai, hào hoa, phong nhã, lịch thiệp như của nhạc sĩ Thanh Tùng thì chuyện có những "bóng hồng" xung quanh đâu phải là chuyện lạ”.

Thanh Huyền

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại