"Quái nhân" Việt chỉ vận khí cũng làm đối thủ kinh sợ

Lê Sơn |

Mái tóc búi củ hành dài, bộ râu đen óng tựa Quan Vân Trường đã thay đổi, nhưng cốt cách của Nguyễn Khắc Phấn - Chưởng môn Thiên Môn Đạo vẫn khiến giới võ lâm phải ca tụng.

Đại chiến với cao thủ Tây Bắc

Vị “quái nhân” ấy nay bỗng biến thành một “người thường” với mái tóc ngắn gọn gàng, gương mặt hóm hỉnh luôn cười mà nếu lần đầu bắt gặp, sẽ chẳng ai nghĩ đó là một đại võ sư trong làng võ Việt.

Nhâm nhi cốc sinh tố trong tiết trời xuân se lạnh, sư phụ Nguyễn Khắc Phấn (theo cách gọi của môn phái) bắt đầu hồi tưởng lại thuở trai trẻ bôn ba, phiêu bạt ngày nào.

Cách đây hơn 200 năm, ở làng Dư Xá - Ứng Hòa- HN, nơi gắn với những đợt tập trận của Đinh Bộ Lĩnh, có một danh tướng nổi lên với võ công cái thế, từng chém tướng nhà Thanh trong trận đánh Ngọc Hồi thời Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Danh tướng đó chính là Nguyễn Khắc Cống, người sáng lập môn phái Thiên Môn Đạo ở thế kỷ 18.

Sau những biến thiên của lịch sử, môn phái võ lạ ở làng quê hẻo lánh vẫn ngày càng phát triển và chưởng môn hiện tại - Nguyễn Khắc Phấn chính là hậu duệ đời thứ 5.


Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn phái Thiên Môn Đạo dạy võ cho các đệ tử.

Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn phái Thiên Môn Đạo dạy võ cho các đệ tử.

Là con út trong gia đình có đông anh em nhưng Nguyễn Khắc Phấn lại là người có thiên chất võ thuật nổi bật nhất.

Vào cái thuở muốn thỏa chí tang bồng, vốn bản tính phóng khoáng, ngang tàng với ý nghĩ “làm trai là phải bôn ba”, gã từ bỏ cuộc đời sinh viên để dấn thân vào chặng đời đầy phiêu bạt.

Hồi đó thấy Khắc Phấn có võ công hơn người lại tính tình ngay thẳng, trượng nghĩa nên vài chiến hữu lớn tuổi hơn đã lợi dụng, rủ rê gã đi cùng, thực chất để bảo kê, làm lá chắn nếu gặp sự cố.

Hết lời ngăn cản cậu con trai mà chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”, thân phụ (sư tổ Nguyễn Khắc Tri) đành bất lực: "Thôi thì đành để nó ra đi cho biết mùi đời, để mà chín chắn hơn”.

Thế rồi, gã bắt đầu lăn lội khắp các bến xe, bến tàu, làm đủ thứ nghề từ cửu vạn đến bảo kê. Giới giang hồ cũng dần quen với gã thanh niên chuyên mặc quần sort, áo may ô, tóc dài đội chiếc mũ phớt trông cũng nom ra dáng "anh chị".

Thời gian này, những cuộc chiến với đám giang hồ diễn ra như cơm bữa nhưng sẵn có bản lĩnh hơn người làm vốn liếng, Khắc Phấn vẫn bình yên vô sự.

Chán quẩn quanh chốn đồng bằng, gã muốn làm “chúa sơn lâm”. Rồi gã vác ba lô lên rừng đi đào vàng, buôn lậu, săn đá đỏ khắp các vùng Điện Biên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang… chẳng có cánh rừng nào mà gã chưa từng đặt chân.

Suốt những tháng ngày ròng rã, gã đi buôn cả vảy tê tê, buôn gỗ, nấu cao, nấu thuốc, đủ thứ trên đời. Nhiều lúc tiền tiêu xúng xính, xếp đầy ba lô.

Nhưng để có được những thứ đó, gã đã phải trải qua nhiều cuộc sinh tử với giới giang hồ, không ít lần suýt bỏ mạng.

Có lần buôn tê tê ở Yên Bái, nhóm của gã bị cả đám cầm dao xông tới chém khiến gã phải nhặt một cành cây rừng chống trả vã mồ hôi hột.

Lần khác, một đối thủ “có số má” nhất nhì vùng Tây Bắc vì biết không thể hạ gục gã bằng mấy thứ dao, kiếm thông thường nên đã mang cả lựu đạn để quyết khử tên “không biết trời cao đất dày” này.

Sau mấy màn vật lộn, đối thủ bất ngờ vung lưu đạn ra, rút chốt, quyết ném một nhát cho gã tan xác. Trong thế ngàn cân treo sợi tóc, gã lấy hết nội lực bay tới, ôm chặt người đích thủ.

“Một là cả hai cùng sống, hai là tất cả cùng chết” – gã hét lớn. Địch thủ vẫn nắm khư khư trái lựu đạn, không dám ném ra, mặt mũi đỏ bừng.

Kẻ địch cứ đạp ra thì gã lại càng ôm thật chặt, tóm tay, dí sát lựu đạn vào bụng. Cả hai quần nhau một hồi, mồ hôi ướt đẫm. Cuối cùng địch thủ cũng cũng kiệt sức, mất hết nhuệ khí rồi xin được giải hòa.

Chưa động thủ, đối thủ đã “mất vía”

Sau nhiều lần vào sinh ra tử, gã như con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân.

Gã chợt nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ môn phái ghê gớm. Gã chán ngán cuộc sống lang bạt, bốn bể là nhà. Gã muốn làm việc có ích cho đời để gia đình và môn phái phải tự hào.

Và rồi gã trở về quê hương, vùi mình vào võ thuật. Cho đến năm 1992, gã thanh niên bất hảo ngày nào đã chính thức trụ trì chức Chưởng môn phái Thiên Môn Đạo.

Hồi đó trong giới võ lâm, chuyện thách đấu, phá lò giữa các môn phái diễn ra như cơm bữa.

Sau khi nghe cái tên lạ hoắc “Thiên Môn Đạo” nổi lên như cồn, không ít bậc anh hào khắp nơi đã tìm tới với mục đích để xem võ thuật của vị “sư phụ” có thực danh bất hư truyền.

Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn được coi là một quái kiệt trong làng võ Việt Nam.
Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn được coi là một "quái kiệt" trong làng võ Việt Nam.

Một hôm sau buổi sáng tập luyện mệt lừ, thầy trò đang nghỉ ngơi thì có một đám giang hồ bước tới. Thấy có khách lạ, sư phụ đang cởi trần liên mặc áo chỉnh tề, mời khách vào nhà.

Vị sư phụ điềm tĩnh rót nước mời nhưng những vị khách không một ai thèm uống, ai nấy mặt mũi đều dữ tợn, nhìn chằm chằm không chớp mắt.

Sư phụ liên hỏi “Xin lỗi, các anh tới đây có việc gì?”. Một “vị khách” liền đáp: “Nhìn thì biết!”. Một tên khác cất lời: “Bọn tao tới đây là có chuyện!”.

Biết rõ ý đồ của bọn chúng nhưng sư phụ vẫn mặc kệ rồi hỏi tiếp: “Các anh tới thăm, tôi là chủ nhà tất nhiên sẽ đón tiếp chu đáo. Xin các anh cho biết quý danh hoặc có giấy tờ gì thì cho xem để dễ nhận biết”.

Lập tức, tên đại ca liền vứt bịch một nắm giấy tờ lên bàn rồi nói lớn: “Tao là đệ nhất võ lâm đất Bắc, mày còn chưa biết tao à? Mày là ai mà dám dạy võ ở đây?”.

Sư phụ cầm nắm giấy tờ để gọn lên bàn" “Các anh tới thăm, tôi trân trọng. Nhưng nếu các anh giờ trò ở đây thì tôi nghĩ không ổn. Còn các anh cố tình thì tôi đố anh nào dám thò tay lấy đống giấy tờ này.

“Nếu anh thích thử cái gì thì đám học trò của tôi sẽ thử cho anh thấy. Còn nếu thích tỉ thí thì ngày mai ra đường, không cần hẹn trước”.

Cả đám nhìn nhau, không ai dám manh động. Sư phụ tiếp lời: “Một vài ngày nữa tôi sẽ tới thăm các anh và tôi sẽ đấu ngay tại võ đường của anh, cứ chuẩn bị đi”!. Cả đám lặng thinh một hồi, mấy tên nháy mắt nhau rồi rút lui.

Đúng một tuần sau, sư phụ cùng một đệ tử để tìm đến võ đường của những vị khách này. Vừa tới nơi thì bắt gặp hai cha con vị “đại ca” lần trước đang luyện võ cùng một đám đệ tử.

Thấy thế, hai cha con võ sư nọ lập tức lấy mấy cây tre to ngắn ngang cổng ra vào. Đứng bên ngoài, sư phụ nói vọng: “Hôm nay một là anh đấu với tôi, hai là con trai anh đấu với đồ đệ của tôi”.

Lập tức, cậu con trai xông ra nhưng chưa kịp tung cú đá thì đã bị học trò của sư phụ né người, tung cú đấm phản đòn trúng mặt, máu mê be bét.

Cậu công tử kia lấy sức vùng dậy chạy thục mạng, học trò toan đuổi theo nhưng sư phụ ngăn lại.

Sư phụ tiếp lời: “Hôm trước anh có hỏi tôi là ai đúng không? Nếu anh chưa biết thì tôi xin nói. Tên cúng cơm của tôi rất đẹp, nhưng mất dấu thì rất xấu, nhưng xấu thì vẫn có ích cho xã hội. Bây giờ anh vẫn thích đấu thì bước ra đây!”.

Lập tức cả đám thanh niên tại võ đường định xông tới, nhưng vị “đại ca” kia ngăn lại. Sau đó kẻ thách đấu lần trước đã trịnh trọng mời sư phụ vào nhà, xin tạ lỗi vì hôm bữa đã trót mạo phạm.

Sư phụ Nguyễn Khắc Phấn cùng một đệ tử trong một chương trình biểu diễn màn Nội nhục công phu.
Sư phụ Nguyễn Khắc Phấn cùng một đệ tử trong một chương trình biểu diễn màn "Nội nhục công phu".

Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn kể tiếp, hồi đầu mới trụ trì môn phái, sư phụ từng bị rất nhiều anh hào trong làng võ chặn đường, phá đám mỗi lúc dẫn học trò đi biểu diễn.

Trong đó đáng nhớ nhất chính là lần biểu diễn ở hội trường Giảng Võ. Khi đang chuẩn bị leo lên cầu thang để bước vào phía trong hội trường biểu diễn thì thầy trò đã bị một nhóm võ sư (xin được giấu tên) chặn lại để phá đám.

Chỉ còn ít phút nữa là đến “giờ G” lại bị kẻ tiểu nhân làm khó, sư phụ đành nhún nhường bảo: “Xin phép các anh cho tụi em vào biểu diễn”.

Lập tức, vị võ sư mắt trừng lên quát: “Tao mới là tinh hoa võ lâm ở đây, mày là ai, ở đâu đến mà dám diễn võ ngay giữa cái đất Hà Nội này?

Dứt lời, vị võ sư tóm tay sư phụ, thực hiện màn “bắt tay để thử công phu”. Thấy vậy, sư phụ thả lỏng hết cỡ, đối thủ bóp một cái khiến bàn tay bẹp dúm.

Vị võ sư cười khẩy rồi nói: “Vậy là đủ biết công phu thế nào rồi, còn không mau biến đi”. Lúc này, sư phụ mới vận khí, bàn tay bỗng cứng như sắt.

Đối thủ dùng hết sức bóp thật mạnh nhưng càng bóp càng bất lực. Được một hồi, bàn tay sư phụ vẫn cứ như thép còn võ sư kia thì dần mềm đi như bún.

Sư phụ liền bảo: “Nếu còn thích thử trò gì tiếp nữa thì để sau màn biểu diễn chiều nay”. Vị võ sư chẳng còn cách nào khác, bất đắc dĩ đồng ý.

Giờ biểu diễn cuối cùng cũng tới. Trên sân khấu, MC Long Vũ do sơ suất đã đánh rơi chiếc micro.

Bất ngờ thay, khi chiếc micro rơi được nửa chừng, sư phụ đang đứng phía dưới như có phép thần thông bay lên, dùng chân đá tung chiếc micro lên cao rồi tòm lấy, đưa cho vị MC.

Cả hội trường vỗ tay rầm rầm, MC Long Vũ cũng vỗ tay tán thưởng, còn mấy kẻ phá đám nãy giờ vẫn đứng bên ngoài thì được màn “tròn con mắt”.

Thế rồi cuối biểu chiều hôm đó, sau khi những tiết mục kết thúc, thầy trò vị chưởng môn bước ra tìm lũ phá đám thì đã chẳng còn một ai…

Đang hồi tưởng đầy phấn khích thì sư phụ nhận một cuộc điện thoại và phải về nhà. Trước lúc tạm biệt tôi, sư phụ đã nói rằng trước kia, ông sẵn sàng đánh đấm với bất kỳ ai nhưng về sau ông mới ngộ ra đó là điều thật sai lầm.

“Bây giờ, mình sẵn sàng nhường cho họ phần hơn rồi dùng cách khác để thay đổi suy nghĩ của họ. Giải quyết vấn đề bằng nắm đấm chỉ là hạ sách và đó chỉ là thứ võ biền mà thôi” – sư phụ mỉm cười.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại