Nguyên Tư lệnh Quân khu I nêu điều "cốt yếu" với Bí thư Thăng

Hoàng Đan |

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, điều cốt yếu nhất đối với Bí thư Thăng để thực hiện tốt trọng trách đứng đầu thành phố lớn nhất nước chính là lòng dân.

"Tư lệnh" của dân

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu I cho hay, những ngày qua, ông thường xuyên theo dõi thông tin các hoạt động, phát biểu của Bí thư Thăng và ông rất ủng hộ sự hành động, mạnh mẽ, quyết đoán đó.

Theo tướng Thệ, giữa ông và Bí thư Thăng có điểm giống nhau đó là cùng là Tư lệnh và phục vụ cho lợi ích của đất nước, của dân tộc nhưng cũng lại có điểm khác rất lớn. Ông là Tư lệnh về lĩnh vực quân sự còn ông Thăng là Tư lệnh một thành phố.

"Giữa Tư lệnh của người lính và của người dân đều cùng chung mục đích. Ở quân đội thì cho đơn vị vững mạnh, huấn luyện tốt, giữa người lãnh đạo với lính chung một ý chí là hoàn thành mọi nhiệm vụ do Đảng, cấp trên giao, khi có địch phải đánh thắng...

Với bên ngoài thì phải làm sao cho dân giàu, nước mạnh, tất cả các chính sách, chủ trương của Đảng, thành phố đi vào đời sống của người dân.

Tư lệnh trong quân đội thì luôn có câu "quân lệnh như sơn", cấp dưới phải hoàn toàn phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, trừ trường hợp ra mệnh lệnh sai, không phù hợp, không mang lại lợi ích dân tộc, đơn vị thì mới không chấp hành.

Còn của người dân thì khác rất nhiều. Ông Đinh La Thăng theo tôi được biết là cán bộ trẻ, năng động, nhiệt thành, quyết đoán và trước đó, cũng đã làm "Tư lệnh" của ngành dầu khí, giao thông vận tải.

Tuy nhiên, đó là của người công nhân, viên chức, của người cấp dưới còn bây giờ ông Thăng là của dân đồng thời là người đầy tớ của dân", tướng Thệ nói.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ

"Tư lệnh trong quân đội khi ra lệnh trong lúc chiến đấu nếu cấp dưới không tuân có thể cắt chức, xử lý, thậm chí tử hình người cấp dưới ngay nhưng với "Tư lệnh" Thăng hiện tại thì không thể làm như vậy được.

Công việc của ông Thăng hiện nay sẽ khó khăn, bởi trong một thành phố thì có nhiều thành phần khác nhau, mỗi người dân có một cuộc sống, công việc riêng...

Trong khi đó, anh lại muốn được lòng từ người nông dân đến người trí thức, doanh nghiệp rồi chính cấp dưới của anh, cho nên làm sao phải hài hòa, chủ trương đúng đắn, chính xác", nguyên Tư lệnh Quân khu I nêu.

Bài học lòng dân

Nguyên Tư lệnh quân khu I cũng dẫn lại một câu của người xưa để mong muốn nhắn gửi đến ông Thăng điều "cốt yếu" để làm tốt vai trò của mình.

"Người xưa vẫn nói là chiếm được thành mới chiếm được một phần, chiếm được đất mới chiếm được một nửa nhưng chiếm được lòng dân mới chiếm được tất cả.

Tức là, khi có được lòng dân rồi thì anh sẽ làm được tất cả nhưng hiện nay, việc chiếm được lòng dân là rất khó, không phải một sớm, một chiều có thể làm được.

Chính vì thế, tất cả các chính sách phải phù hợp, đi vào lòng dân, đem lại quyền lợi, giúp nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc", tướng Thệ nhấn mạnh.

Việc ông Thăng đưa ra số điện thoại đường dây nóng, ông cho rằng, chính là một điều tốt nhằm lắng nghe ý kiến của người dân.

"Trước đây vào thời kỳ phong kiến, các vua, quan có câu chuyện đi vi hành, xuống tận các châu, phủ để lắng nghe dân, rồi từ đó, nếu phát hiện các quan tham, hại nước, hại dân sẽ cắt chức...

Rồi Bác Hồ khi đi xuống các địa phương cũng không hề báo trước và bác luôn xuống tận nơi, thăm hỏi người dân rồi sau đó mới làm việc với cán bộ.

Nhưng giờ đây, nhiều quan chức đi đâu thì đều xe nọ, xe kia, chuẩn bị trước, xuống nghe báo cáo là chính, rồi lại về nên không nắm được những cái xấu, cái bức xúc.

Do đó, việc đặt ra đường dây nóng này chính là để người dân phản ánh những bức xúc, tồn tại. Đây là điều nên làm.

Tuy nhiên, với công việc của Bí thư hiện nay thì không thể nào có thể nghe, trả lời được hết từng cuộc điện thoại nên cần có một đội ngũ giúp việc, theo dõi, phân loại và báo cáo lại ông Thăng để có xử lý kịp thời, hiệu quả", vị Trung tướng nói.

Một vấn cũng được ông nêu ra, đó là, để trở thành một "Tư lệnh" của dân tốt thì Bí thư Thăng cần quan tâm đến việc sử dụng những người giúp việc cho mình:

"Người Tư lệnh giỏi là người biết dùng người, biết sử dụng người tài hơn mình chứ còn mình mang cái tài của mình ra thì chỉ ở một góc độ nào đó, chưa kể, nếu mang cái tài của mình mà khinh cái tài của người sẽ hỏng ngay.

Vì thế, phải phát huy cả hệ thống chính trị, bộ máy lãnh đạo từ thành phố xuống đến phường, xã thì mới giải quyết được các công việc hiệu quả.

Thêm vào đó, để giám sát cán bộ của mình thì cần phải có kỷ luật nghiêm minh dựa trên các quy định của pháp luật để thực hiện và thực thi, không loại trừ một ai. Chính người lãnh đạo sẽ phải làm gương để các cán bộ dưới noi theo, thực hiện.

Cũng giống như trong quân đội, người chỉ huy như người chiến sỹ đều phải thực hiện nghiêm các quy định, nội quy và người chỉ huy phải làm gương, khi làm được như vậy thì, người chỉ huy nói người chiến sỹ mới nghe.

Tuy sẽ có khó khăn nhưng tôi tin rằng, "Tư lệnh" Đinh La Thăng với sự mạnh mẽ, cương quyết, dám nói, dàm làm, dám chịu trách nhiệm sẽ làm được và sẽ thành công trong việc đưa TP Hồ Chí Minh đi lên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại