Tết của tử tù - nơi chẳng ai muốn một lần… sống thử

Đào Thanh Tuy |

Sống những ngày cuối đời ở nơi biệt giam, tử tù thường bấn loạn bởi nỗi sợ hãi bị thần chết bắt đi. Bởi thế, trông coi tử tù là việc vô cùng khổ cực, đặc biệt trong những ngày Tết.

LTS: Trong bốn bức tường của chốn biệt giam lạnh lẽo, nơi không có hoa mai cũng chẳng có hoa đào thì tử tù- những người đang đối diện với sự rình rập của thần chết nghênh xuân, đón Tết thế nào?

Không gì khổ bằng trông tù ngày Tết

Chúng tôi bắt đầu bài viết này bằng chuyến thực tế trong những ngày áp Tết tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa.

Những ngày Tết đã cận kề này, nơi vốn dĩ im ắng ấy bỗng dưng nhộn nhịp hẳn. Thanh ba-ri-e chắn ngang cổng trại nhấc mở liên hồi để đón khách vào thăm. Khách ấy là thân nhân của những người tù đang thi hành án tại trại.

Tết, dù là bất cứ ai thì cũng đều mong sự đầm ấm nên dù xa xôi, dù cuộc sống cũng chẳng dư dả gì nhưng nhiều gia đình không may có thân nhân dính vòng lao lý đều tất tả đến trại thăm nuôi.

Khuôn viên trại, người qua kẻ lại tấp nập. Nếu không có sự xuất hiện của những người khoác lên mình bộ quần áo sọc đen trắng thì chẳng ai nghĩ đây là trại giam, nơi không ai muốn một lần… sống thử.

Góc trong cùng của trại thì không còn sự tất bật, nhộn nhịp nữa. Nơi ấy, dưới cánh cổng lừng lững luôn có mấy chiến sĩ công an nghiêm trang đứng gác. Nơi ấy là tất cả thế giới của những người mang án tử hình.


Nơi giam giữ những phạm nhân có án tử hình Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa.

Nơi giam giữ những phạm nhân có án tử hình Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa.

Theo Thượng tá Bùi Xuân Trường, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa thì hiện tại ở trại đang có 11 người tù đặc biệt này.

Họ bị đưa đến đây, sống những ngày cuối cùng của đời người bởi các tội danh khác nhau nhưng chủ yếu là giết người và buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy.

Thượng tá Trường bảo, trần đời chẳng nghề nào khổ như “nghề” trông tù. Trông tù khổ một, trông tử tù khổ mười. Ngày thường đã nhiều chuyện mệt đầu nhức óc thì ngày Tết còn căng gấp bội.

“Tử tù tính nết thất thường lắm, thay đổi theo từng giờ, từng ngày. Không bút mực nào có thể ghi hết được nỗi vất vả của chúng tôi đâu”, thượng tá Trường mở đầu câu chuyện.

Những người... không còn gì để mất

Theo thượng tá Trường, nghệ thuật của nghề trông tù là dùng “đức trị” và “pháp trị”. Tuy nhiên, với tử tù thì ưu tiên số một là đức trị. Những luật lệ, quy tắc nhiều khi là vô nghĩa với những người đang cận kề cái chết này.

Nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của tử tù, đương nhiên, đó là cái chết. Chốn biệt giam ấy là nơi có thể nung chảy bất cứ kẻ cứng đầu nào khi tội lỗi bắt kẻ đó phải trả giá bằng cái chết.

Ngoài đời, dù là giang hồ máu lạnh, giết người không gớm tay, dù là ông trùm ma túy sừng sỏ nhưng khi đã đặt chân vào cùm, khi đã đối diện với những bức tường lạnh gắt thì tất thảy đều thấy tim đập chân run.

“Con người mà, ai mà chả ham sống. Dù ý thức được tội lỗi mình gây ra nhưng đối diện với cái chết thì ai cũng thấy sợ. Chúng tôi vất vả cũng chính vì nỗi sợ hãi tột cùng này của họ”, thượng tá Trường tâm sự.

Tử tù ở Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa được giam giữ ở 3 khu riêng biệt và để vào được “thế giới riêng” ấy thì phải vượt qua nhiều “cửa ải” được án ngữ bằng những chiếc cổng sắt nặng nề. Mỗi khu giam giữ đều có cán bộ quản giáo trực gác 24/24.

Thiếu tá Hoàng Sỹ Huynh, cán bộ quản giáo của trại bảo, nghề của anh phải coi tử tù là bạn, thậm chí là bạn tri giao. Không hiểu, không cảm thông, không sẻ chia với họ thì không thể nào hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo thiếu tá Huynh, để có được “sợi dây tình cảm” đó thì các cán bộ quản giáo ở trại cũng phải trải qua nhiều ngày khốn đốn.

Dù ý thức được cái giá phải trả cho tội lỗi của mình nhưng tất thảy những người khoác lên mình tội chết đều thấy sốc nặng ngay sau lời tuyên án của tòa.

Bởi thế, ngày đầu về buồng biệt giam, thấy cánh cửa sắt nặng nề đóng lại thì họ cũng như thấy đời mình đã khép.

Không còn gì để mất, đó là suy nghĩ của các tử tù lúc này. Trong cơn suy sụp, họ quậy phá, gào thét, chống đối bằng đủ mọi chiêu trò, thậm chí tấn công cả cán bộ quản giáo.

Theo thiếu tá Huynh, giai đoạn này cán bộ quản giáo càng phải gần gũi với “thành viên mới” ấy hơn. Và, điều tiên quyết là phải khơi gợi cho họ thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

“Tử tù nào mà chẳng sợ chết. Bởi sợ chết nên phải làm cho họ hiểu ý nghĩa của phần đời ngắn ngủi còn lại. Ai hiểu được chuyện đó thì tự nhiên sẽ chấp hành tốt nội quy của trại”, thiếu tá Huynh chia sẻ.


Món quà từ chính tay tử tù làm tặng cán bộ quản giáo.

Món quà từ chính tay tử tù làm tặng cán bộ quản giáo.

Những ngày sống trong sợ hãi của tử tù “giết chồng để cướp vợ”

Minh chứng lời mình, thiếu tá Huynh kể về trường hợp tử tù Bùi Hữu Khuyến, hung thủ chính của vụ án mạng từng gây rúng động dư luận.

Khuyến, sinh năm 1971, quê ở Lương Sơn, Hòa Bình, mưu sinh bằng nghề phân phối thức ăn gia súc và thường qua lại, giao hàng ở xã Hoằng Vinh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Để tiện cho việc làm ăn, Khuyến thuê một ngôi nhà ở xã Hoằng Vinh vừa để làm kho chứa hàng, vừa làm nơi tá túc mỗi khi độ đường lỡ dở.

Khuyến cao to, trắng trẻo, râu quai nón, khéo ăn khéo nói nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người dân nơi hắn thuê trọ, trong số ấy có vợ chồng anh Lê Mạnh Hà.

Anh Hà quê ở Sơn Tây (Hà Nội), bởi cảnh ở rể nên cũng quý mến Khuyến, người nơi xa tới đây làm ăn. Vợ anh Hà là Nguyễn Thị Thơm, người vốn nổi tiếng xinh đẹp ở vùng quê lam lũ này.

Thơm cao dáo, da trắng, mũi dọc dừa, mắt lúc nào cũng lúng liếng. Coi Khuyến như bạn thân, nhiều lần anh Hà mời Khuyến qua nhà mình dùng bữa, uống rượu.

Là người chất phác, thật thà nên anh Hà đâu biết mình đã rước ác quỷ vào nhà. Những lần giáp mặt nhau, Khuyến đã bị ánh mắt lúng liếng của Thơm đánh gục.

Như hai con thú đói khát, Khuyến và Thơm đã nhanh chóng sa chân vào vũng lầy nhục dục.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, mối quan hệ bất chính đó đã bị anh Hà phát hiện. Bởi không muốn gia đình tan nát, các con bơ vơ nên anh Hà đã kìm lòng mà khuyên bảo vợ.

Tuy nhiên, cả Thơm và Khuyến đều bỏ ngoài tai những lời bao dung ấy.

Không những thế, hai con quỷ dâm dục này còn nghĩ chính anh Hà là chướng ngại vật ngăn cản “tình yêu đích thực” của mình. Và, đôi gian phu dâm phụ này đã lên kế hoạch giết người man rợ.


Tử tù Bùi Hữu Khuyến. (Ảnh Internet)

Tử tù Bùi Hữu Khuyến. (Ảnh Internet)

Theo đó, sớm 19/11/2009, Thơm vờ kêu mệt, nói chồng thay mình đi lên thành phố lấy rau về để bán. Tin lời vợ, anh Hà tức tốc lên đường.

Người đàn ông thật thà này đâu biết rằng, ngay sau khi mình vừa đi khỏi thì ở nhà, Thơm đã lấy điện thoại được gắn sim rác để nhắn cho Khuyến, kẻ đã phục tại quãng đường anh Hà sẽ qua theo kịch bản được bày sẵn.

Biết được “con mồi” đã xuất hiện, Khuyến mang theo hung khí bám theo và bất ngờ tấn công anh Hà tới tấp. Bị đánh bất ngờ, anh Hà không kịp chống đỡ nên lìa đời trong tức tưởi.

Gây án xong, Khuyến dựng hiện trường như một vụ tai nạn rồi tẩu tán hung khí, sim điện thoại rồi tót về Hòa Bình.

Ở nhà, hay tin chồng chết, Thơm nước mắt như mưa. Nhưng, những giọt nước mắt giả tạo đó không qua nổi cặp mắt tinh tường của cơ quan công an.

Bị bắt, Khuyến bị tuyên án tử hình, Thơm bị án 20 năm tù.

Khi vào trại tạm giam để chờ ngày ra trường bắn, Khuyến vô cùng sốc. Hắn run lẩy bẩy khi trò chuyện với bất cứ ai thăm gặp.

Đêm Khuyến không dám ngủ bởi sợ khi ngủ “thần chết” đến bắt đi. Không những thế, tâm sự với các cán bộ quản giáo, Khuyến bảo, cứ nhắm mắt là hắn lại mơ thấy anh Hà tìm về đòi mạng.

Bởi nỗi hoảng loạn ấy mà những ngày đầu vào trại, Khuyến như con thú dính thương, bị dồn vào chân tường nên điên cuồng vùng vẫy.

Hễ yêu cầu của mình không được đáp ứng là y rằng hắn gào thét, đập phá. Đập phá chán thì hắn chửi đời, chửi mình và chửi cả người tình mà hắn từng một thời đắm đuối, si mê.

Trước sự bất hợp tác của Khuyến, các cán bộ quản giáo đã phải kiên nhẫn động viên, gợi cho hắn thấy giá trị của những ngày hắn còn được tồn tại trên cõi đời này.

Mưa dầm thấm lâu, những lời chân tình của các cán bộ quản giáo đã khiến Khuyến dần hiểu ra.

Thiếu tá Huynh kể, có bận trò chuyện với anh, Khuyến bảo, nhờ có cán bộ quản giáo nên hắn mới giữ được… bản lĩnh đàn ông ấy là dám làm dám chịu.

Khuyến đón 6 cái Tết trong phòng biệt giam và bị đưa đi thi hành án vào đầu năm 2015. Hôm bị đưa đi thi hành án, Khuyến khá bình tĩnh chứ không hoảng loạn như nhiều tội nhân khác.

Thiếu tá Huynh kể, trên xe áp giải, Khuyến đã nhiều lần gửi lời cảm ơn đến các cán bộ quản giáo.

Khuyến bảo, chết đi, làm ma hắn sẽ phù hộ cho mọi người để tri ân những tình cảm chân thành mà hắn nhận được trong những ngày vùi mình trong chốn biệt giam.

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại