Muốn 'trưng dụng', phải có quyết định của Bộ trưởng Công an

Minh Đức |

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 2/2, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an khẳng định, lực lượng CSGT muốn trưng dụng phương tiện giao thông và thông tin liên lạc phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, đối với các tài sản trưng dụng như ô tô, xe máy, điện thoại…, việc trưng dụng cần phải đảm bảo theo quy trình và bảo vệ quyền riêng tư theo quy định của luật pháp.

Việc trưng dụng tài sản được áp dụng trong một số tình huống, như: Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, lực lượng CSGT có thể trưng dụng phương tiện của để đưa nạn nhân đi cấp cứu, giải phóng mặt đường, giải tỏa ách tắc…

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết thêm, việc “trưng dụng” không chỉ quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an mà còn được quy định tại Luật Giao thông Đường bộ, Luật Hình sự và một số văn bản luật khác.

Quyền trưng dụng của CSGT theo Thông tư 01 căn cứ vào Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2014 là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, Luật CAND 2014 có sự phát triển và không mâu thuẫn với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (TMTDTS).

Thông tư 01 chỉ nhắc lại quyền này, còn các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, nguyên tắc thực hiện trưng dụng đã được quy định tại Luật TMTDTS.

Cũng theo ông Quân, người có tài sản bị trưng dụng phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị phạt hành chính hoặc hình sự. Trường hợp sử dụng tài sản gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ bồi thường.

Khi trưng dụng, nếu xảy ra hư hại thì đều phải bồi thường, về vật chất lẫn tinh thần, nếu không đồng ý thì người dân có quyền kiện ra tòa.

Trường hợp hình ảnh, thông tin bị mất thì phải thỏa thuận bồi thường, người dân không đồng ý thì khởi kiện.

“Đối với cán bộ CSGT, người thi công vụ nếu lạm dụng làm trái sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật” – Thiếu tướng Quân nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại