Trang Hạ: Không muốn con thành nạn nhân của truyện cổ tích

Lâm Phương |

Trang Hạ đồng ý với một tác giả đang "gây bão" trên mạng xã hội khi đưa ra quan điểm một số truyện cổ đang dạy cái xấu, cái ác và chị cho rằng, chị từng là nạn nhân của cổ tích.

Trong một bài viết gần đây, một tác giả cho rằng, một số truyện cổ tích Việt Nam đang dạy trẻ con ác lên. Rồi anh liên hệ với những vụ án gần đây.

Quan điểm đó được nhiều người đồng tình nhưng không ít người phản đối. Một giáo sư văn học dân gian cho rằng, cách nhìn ấy là đưa tư duy xã hội học thô thiển vào văn học dân gian một cách khiên cưỡng.

Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, những người cha người mẹ đang hoang mang giữa các dòng ý kiến. Họ cho rằng những đứa trẻ quá bé để hiểu được những giá trị thật, nhưng lại dễ dàng nắm bắt những hành động bị cho là "ác", là "xấu"

Chúng tôi bắt đầu bằng suy nghĩ của một "người mẹ đặc biệt"- nhà văn Trang Hạ, với những trải nghiệm của riêng chị.

Từng bị bạn thân, cô giáo dạy mình phê phán vì lên án chuyện cổ tích

Chị từng có một bài viết cho rằng truyện cổ tích đã làm tổn thương chị. Cụ thể như thế nào, thưa chị?

Năm 2008, tôi viết bài “Những câu chuyện cổ tích đã làm tôi tổn thương sâu sắc” được đăng trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Cụ thể trong bài viết tôi cho rằng một vài câu chuyện cổ tích là công cụ gây tổn thương sâu sắc nhất đến sự hình thành nhân cách của đứa trẻ.

Bài viết ấy, tôi nhận được khá nhiều "gạch đá". Cả thầy cô đã dạy hoặc những người bạn đã cùng học với Trang Hạ cũng phê phán tôi rất quyết liệt. Họ cho rằng tôi có cái nhìn méo mó về truyện cổ tích.

Bài viết đó, tôi không viết với tư cách của một nhà văn mà viết với tư cách là một nạn nhân của chuyện cổ.

Để cảm nhận được mình là một nạn nhân thì tôi đã phải đánh đổi nhiều năm của tuổi thiếu nữ cùng với những năm của tuổi trưởng thành để cố gắng khẳng định những giá trị mình có, để chống lại ám ảnh của chuyện cổ tích.

Truyện cổ tích luôn có công thức chung Giàu là xấu, nghèo là tốt, người đẹp thì đẹp từ trong ra người còn phù thủy luôn là người ác.

Giả sử nếu bạn là người xấu thì bạn chỉ phù hợp với vai phù thủy thôi sao? Có thể chúng ta không dám phản biện vì luôn cho rằng chuyện cổ tích là chân lý một chiều nhưng cuộc sống, xã hội hiện nay đã thay đổi.

Chị cho rằng nhiều chuyện cổ tích không còn phù hợp và làm con người mình đôi khi bị tổn thương. Vậy chị có bao giờ kể hoặc dạy con bằng chuyện cổ tích cho con nghe không?

Ít lắm! Mà nếu có thì Trang Hạ cũng sẽ biến tấu câu chuyện đó theo cách của riêng mình cho phù hợp với sư phát triển của trẻ.

Chẳng hạn như truyện đồng thoại “Dê đen và dê trắng”, tại sao lại dạy trẻ húc nhau mà không dạy chúng ôm nhau xoay một vòng thì mọi vướng mắc có thể giải quyết.

Nhà văn Trang Hạ đề nghị cắt đoạn cuối chuyện Tấm Cám (Ảnh internet)
Nhà văn Trang Hạ đề nghị cắt đoạn cuối chuyện Tấm Cám (Ảnh internet)

Trong trường hợp đó ôm nhau thì có thể giải quyết được. Cùng một văn bản thôi nhưng cách dạy khách nhau thì các bé sẽ có được cách tiếp cận, cách hiểu khác nhau. Dạy những câu chuyện xa xưa theo cách nhìn bây giờ.

Có bao giờ chị bị giật mình vì câu nói nào đó của con, mà câu nói này các con học được chính từ những câu chuyện cổ tích không?

Có chứ! Cuộc sống hàng ngày trong gia đình vợ chồng Trang Hạ không bao giờ sử dụng từ “mày, tao”. Nhưng một lần khi quan sát con chơi với gấu bông và đồ chơi thì liên tục dùng từ mày.

Nhắc con mấy lần nhưng nó không nghe. Sau đó Trang Hạ có hỏi con nói rằng đọc trong chuyện. Khi kiểm tra lại thì thấy con đã đọc câu chuyện Sói và Dê  trong tập “365 chuyện mẹ kể con nghe”.

Trong chuyện này có đoạn con Sói hỏi con Dê là: Ai cho mày uống nước ở suối của tao? Ai cho mày ăn cỏ của tao? Nên con mình bắt trước.

Lúc này Trang Hạ phải giải thích cho con rằng con Sói trong đó là kẻ ác nên nó nói điều xấu con không nên bắt trước thì nó mới nghe.

Làm ơn hãy cắt đoạn cuối của chuyện Tấm Cám đi

Trừ những câu chuyện cổ tích, những đoạn chị cho rằng không phù hợp với cuộc sống hiện tại. Là một nhà văn, cũng là một người mẹ, theo chị thế nào thì phù hợp?

Chúng ta dùng tuy duy của ngày hôm nay để dạy, nhìn nhận những câu chuyện cổ tích này. Đó cũng là cách giữ truyện cổ tích vẫn tồn tại trong cuộc sống xung quanh mình.

Từ đó chúng ta có thể thấy hiện nay nên giáo dục nước ta đang rất thiếu chuyên gia tư vấn giáo dục cộng đồng. Cái này ở nước ngoài họ làm rất tốt. Còn nhớ lúc Trang Hạ học ở Đài Loan thì có đọc một cuốn sách trong đó có đoạn nói không đúng với thực tế ở Việt Nam.

Lúc đó Trang Hạ không thể phản đối người dạy mình được cũng không thể phản đối thầy hiệu trưởng mà người họ hướng dẫn mình tìm đến đó là chuyên gia giáo dục cộng đồng để được tư vấn, giải đáp.

Cũng y như vậy, Trang Hạ thấy rằng chuyện cổ tích ở Việt Nam hiện nay ngoài những đoạn không còn phù hợp với cuộc sống thì nó đang tồn tại ở giữa khe hở giữa cá nhân và cộng đồng.


Nhà văn Trang Hạ tại đường sách TP.HCM năm 2016

Nhà văn Trang Hạ tại đường sách TP.HCM năm 2016

Chuyển cổ tích khó áp dụng một cách dập khuôn vào cuộc sống được nên rất cần có chuyên gia tư vấn giáo dục để giải đáp, hướng dẫn trẻ theo xu hướng hiện nay.

Chị có cho rằng hành vi của lớp trẻ hiện nay có ảnh hưởng từ những câu chuyện cổ tích không?

Có. Khi bạn lớn lên, chuyện cổ tích là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Như câu chuyện câu tre trăm đốt, Tấm Cám, Sọ Dừa…đều có những chi tiết mà nhân vật trong đó hành động một cách bất tuân luật pháp, bất phân già trẻ…miễn là để thỏa mãn cá nhân.

Điều này dần dần ăn sâu vào tâm trí đứa trẻ và sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành nhân cách, hành vi của con người.

Thời gian gần đây Trang Hạ đọc nhiều tin, bài báo nói về việc người dân của cả làng đánh chết kẻ trộm chó, đốt.

Đây có phải là chuyện ác giả ác báo chăng? Ai là người dạy bạn ác giả ác báo nếu không phải chuyển cổ tích?

Tấm Cám là ví dụ, cái kết của chuyện này rất bi kịch, tôi có cảm giác rằng Tấm đã bất chấp luật pháp để thỏa mãn cá nhân. Ác mà họ không hề nhận ra.

Vậy nên hãy cắt đoạn cuối đi, chỉ nên giữ đến đoạn mẹ con Cám bị người khác chê cười là được.

Hãy hiểu thời đại thì sẽ hiểu văn học. Lấy thời đại ngày nay để phán xét câu chuyện thời đại trước đây, có phải là công bằng không? Và có thực sự hiểu biết thực sự về giá trị ông bà để lại không, thưa chị?

Cách đây 300 năm Kiều là nạn nhân của một vụ bán người nhưng trong xã hội ngày nay cô ấy đã có pháp luật bảo vệ.T

Rõ ràng chúng ta giữ lại những chuyện kể, văn bản chuyện cổ tích ngày xưa nhưng hay lấy minh triết ngày hôm nay để nhìn nhận nó. Chứ không phải cứ giữ cách nhìn nhận của thế kỷ XVI, XVII.

Chị vẫn giữ quan điểm "kết tội" cổ tích ư?

Tất nhiên. Tôi không muốn con tôi thành nạn nhân của cổ tích, giống như mẹ nó.

Hiện nay nhiều gia đình kể cả gia đình mình đã cố gắng chăm sóc con một cách tốt nhất, nhưng không biết như vậy đã cho con được cái tốt nhất chưa.

Không chỉ là chuyện cổ tích mà còn cả truyện tranh, trò chơi văn hóa phẩm cần một cơ quan kiểm duyệt để những cái gì tốt nhất đến với trẻ.

Chẳng hạn như chuyện Tấm Cám, thì nên làm ơn cắt đoạn cuối đi không nên trung thành tuyệt đối với nó.

Cảm ơn chị!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại