"Mất ăn mất ngủ" vì bỗng dưng đạp phải cả hòm vàng

Phùng Trân |

Tháng 3/1975, khi Tây Nguyên thất thủ, binh lính ngụy cùng nhiều người giàu có đã tháo chạy về đồng bằng. Trên đường rút đi, họ đã chôn lại dọc đường 25 rất nhiều vàng bạc.

Theo nhiều nhân chứng kể lại, trên đường chạy về đồng bằng, nhiều người đã để lại vàng trong những nấm mồ đắp giả. Họ đánh dấu những nấm mồ ấy, hi vọng sau này tìm về đào lại.

Con đường… vàng rơi

Quốc lộ 25 xuất phát từ TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và kết thúc tại quốc lộ 14 thuộc huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Đây được xem là một trong những con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Cuộc tổng tấn công năm 1975, binh lính ngụy cùng những gia đình giàu có đã ồ ạt tháo chạy về Phú Yên trên đường con đường này.

Cụ Nguyễn Thị Chinh (82 tuổi, ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết, hồi ấy, trong lúc bị truy kích, nhiều tên đã vấp ngã bởi chính những thỏi vàng mà chúng đã tham lam vơ vét được.

Có hôm chúng tập hợp lại thành nhiều bao tải để đưa lên xe Jeep, khi bị trúng đạn, bao tải vàng này bay tung tóe khắp nơi không ai buồn nhặt.

Có những tên ngụy do quá tham của nên vứt bỏ cả súng ống, đạn dược, chỉ cõng ba lô vàng mà chạy.


Quốc lộ 25, con đường vàng một thuở

Quốc lộ 25, "con đường vàng" một thuở

Ông Nguyễn Ngọc Trường, nguyên là đại úy pháo binh của Sư đoàn 351, người từng tham gia đoàn quân truy quét đám tàn binh từ Tây Nguyên co cụm về đồng bằng vào tháng 3/1975.

Ông Trường nhớ lại, ngày ấy, của cải của lính ngụy vứt dọc đường nhiều vô số kể. “Mang nặng là một phần nhưng quan trọng là sợ bị giết, cướp nên họ vứt hoặc giấu rất sơ sài. Chúng tôi gặp rất nhiều túi vải, tráp đựng tiền, vàng bên đường”, ông Trường kể.

Theo ông Phạm Hải, nguyên chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) địa bàn huyện Sơn Hòa là nơi vàng bạc vương vãi nhiều nhất, đặc biệt là thị trấn Củng Sơn, xã Sơn Hà.

“Dọc sông Ba, đoạn từ thị trấn Củng Sơn đến Thành Hội (xã Sơn Hà) được cho là giấu nhiều vàng, của cải nhất.

Khi đến đây, đám tàn quân bị bộ đội chặn đánh nên không thể tiếp tục xuôi theo quốc lộ 25, phải nằm lại hơn 1 tuần chờ viện binh bắc cầu phao vượt sông Ba.

Rồi cầu phao cũng kẹt, xe không thể qua sông, kéo dài hơn 1 km. Nhiều người mang vàng bạc đi một đoạn đường dài, đến đây cũng đành giấu lại tìm cách qua sông”, ông Hải giải thích.

Đắp mộ chôn vàng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi quân ngụy rút chạy đến bến sông Thành Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) thì bị chùn lại vì ngăn cách bởi sông Ba. Lúc này, chính quyền ngụy quân ở Sài Gòn tức tốc tìm cách bắc cầu phao qua sông Ba để rước đám tàn quân về.

Quân ngụy cùng những người bị địch lôi kéo co cụm về đây đến mấy ngàn người, hầu hết ai cũng mang trên người rất nhiều vàng. Biết tình thế khó khăn, những người này nghĩ ra sáng kiến là đào những nấm mộ và chôn của cải xuống đó.

Ông Nguyễn Văn Tính (67 tuổi, một du kích ở xã Sơn Hà) nhớ lại: “Hồi đó chúng tôi được phân công nhiệm vụ giám sát quân địch và liên tục báo cáo quân số của chúng với cấp trên để tổ chức đưa ra phương án chiến đấu hiệu quả nhất, ít tổn hao nhất.

Tuy không bị tấn công quyết liệt nhưng cứ cách mỗi ngày lại thấy có rất nhiều nấm mồ được đắp mới”.

Cũng theo ông Tính, hồi đó, chính sách của chúng ta cũng rất nhân đạo, chúng ta ra lời kêu gọi quân ngụy hãy đầu hàng nên thời gian co cụm ở bến sông Thành Hội cũng khá lâu.

Thời chiến, thấy mộ mọc lên cũng cứ nghĩ đó là xác chết thật nên không ai quan tâm cả.


Ông Sáu kể chuyện lính ngụy làm mộ giả để giấu vàng.

Ông Sáu kể chuyện lính ngụy làm mộ giả để giấu vàng.

Theo ông Võ Sáu (63 tuổi, một du kích ở thị trấn Củng Sơn), để ngụy trang, trên mỗi nấm mộ, người ta đều ghi tên của mình bọc trong túi nilon hoặc khắc tên mình trên những phiến đá gần đó.

Bí mật từ các ngôi mộ này chỉ bị người dân phát hiện ra khi vào năm 1994. Khi ấy, bỗng nhiên thấy rất nhiều người bí mật về khu vực Thành Hội, Củng Sơn này lúc nửa đêm lần tìm các gò đất cao có khả nghi là mộ để đào bới.

Ông Sáu cho biết: “Ban đầu người dân cũng nghĩ là những người này đi tìm và bốc mộ người thân ban đêm cho xương khỏi bị ánh nắng mặt trời làm hỏng.

Nhưng, tình cờ vào một đêm sáng trăng, một số người dân Củng Sơn đi bắt ếch, thấy một tốp người đào bới thì lặng lẽ núp vào bụi cây để xem và tá hỏa ra khi thấy người ta móc dưới hố lên là một hũ vàng”.

Khi người dân phát hiện ra những gò đất nhô cao ở Thành Hội là những điểm giấu vàng thì cũng đã quá muộn. Những “kho báu” này đã bị khai quật gần hết.

Những cuộc đổi đời ngoạn mục

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn N. (62 tuổi, thị trấn Củng Sơn, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), người may mắn nhặt được “lộc trời” mấy năm về trước vào buổi xế.

Người đàn ông ngoài 60 tuổi cứ thấp thỏm như lo sợ điều gì đó khi tiếp chuyện với chúng tôi.

Ông N. cho biết, gia đình ông vốn đông con, lại chỉ làm ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Thời điểm giáp hạt, ông phải chạy từng bữa lo cho gia đình 7 miệng ăn.

Vợ ông quanh năm làm thuê làm mướn nhưng cái đói cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám. Trong sự khốn khó ấy, ông chỉ ao ước mình trúng một “quả” nào đó để thay đổi cuộc đời.

Và rồi, mong ước ấy của ông đã thành hiện thực.


Ông N. kể chuyện mình nhặt được vàng.

Ông N. kể chuyện mình nhặt được vàng.

Ông N. kể, tháng 8/2005, ông được người ta thuê đi làm rẫy ở xã Suối Bạc, cách nhà khoảng 5km. Đến gần trưa, trong khi chờ cơm chín, ông vào bìa rừng tranh thủ chợp mắt dưới bóng cây.

“Tỉnh dậy, tôi đi được vài bước thì chân đạp phải một vật cứng. Đó là một thùng đạn nhỏ nằm nép bên phiến đá. Tôi lôi ra và mở nắp xem thì phát hiện trong đó có vàng”, ông N. nhớ lại.

Từ ngày trúng số vàng, ông N. đã có một cuộc sống hoàn toàn khác.

“Ngày nhặt được vàng, vợ chồng tôi đã mất ăn mất ngủ cả tháng trời vì lo sợ. Cả đời tôi chưa cầm số tiền nào lớn quá 10 triệu đồng, nói chi số vàng lớn như thế”, ông N. chia sẻ.

Theo ông N., thời gian đó cũng có nhiều lời ra tiếng vào về chuyện vợ chồng ông nhặt được vàng. Tuy nhiên, vợ chồng ông cứ chối phắt. Ông dặn con cái phải tuyệt đối giữ bí mật, đi đứng cũng phải cẩn thận trông chừng kẻ xấu.

Từ ngày có được “lộc trời”, vợ chồng ông N. chịu khó lên chùa lễ Phật. Ngày rằm hay mồng một hằng tháng, vợ chồng ông đều mang hương, hoa quả đi lên bìa rừng, nơi nhặt được vàng cúng bái.

Không những thế, vợ chồng ông bà còn thường xuyên giúp đỡ hàng xóm láng giềng, những người có cảnh ngộ khó khăn.

Lâu dần, người dân nơi đây cũng lờ mờ đoán ra rằng, ông bà nhặt được vàng ở bìa rừng mới thường lên rừng cảm tạ như vậy.

Ông N. cho biết: “Sống ở đời cái lộc phải biết sẻ chia, nếu không ông trời lấy lại mấy hồi. Mình là người may mắn có được ít của cải đó thì cũng phải biết chia sẻ với người khác, nếu không tai họa đến sẽ khó lường lắm”.

Lập miếu trả ơn

Ở xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) ai cũng biết việc bà Nguyễn Thị Ng. (54 tuổi) lập một miếu nhỏ thờ ở mảnh đất nơi cách đây 8 năm bà đào được vàng.

Để tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi tìm đến nhà bà Ng. đang lúc bà nấu cơm. Dù vậy, bà Ng. cũng hồ hởi tiếp chuyện với khách một cách nhiệt tình.


Bà Ng. bảo, số vàng nhặt được đã giúp gia đình bà đổi đời.

Bà Ng. bảo, số vàng nhặt được đã giúp gia đình bà đổi đời.

Theo lời bà Ng., ngôi nhà khang trang này được xây từ số vàng đào được vào năm 2007.

Đó là một số tiền lớn nhưng dù hỏi thế nào bà Ng. cũng không tiết lộ bao nhiêu, chỉ bảo đủ xây ngôi nhà, sắm sửa vật dụng trong nhà và để dành được vài chục triệu làm ăn.

Bà Ng. kể, vào một ngày cuối tháng 11/2007, bà cùng chồng đi chặt củi ở bìa rừng cách nhà gần 1 cây số. Đến giữa buổi, hai vợ chồng bà ngồi nghỉ mệt ở bụi rậm dưới tán cây dủ dẻ.

Thấy dủ dẻ chín nhiều, bà tranh thủ vào hái. Và, khi vào giữa bụi dủ dẻ thì bà đã giẫm phải… những thỏi vàng sáng bóng.

“Thấy vậy nên tôi bảo ông nhà cầm cái rựa đến phát bụi cây, rồi đào đất xung quanh để nhặt vàng, nhiều vàng lắm”, bà Ng. nhớ lại. Bới tìm hết số vàng ấy, hai vợ chồng bà Ng. vội vã ra về.


Ngôi miếu bà Ng. lập để tạ ơn trời đất đã cho mình may mắn.

Ngôi miếu bà Ng. lập để tạ ơn trời đất đã cho mình may mắn.

Số vàng nhặt được, vợ chồng bà Ng. giấu kín, kể cả các con trong nhà. Nghĩ được bạc thì sang, được vàng thì rủi nên vợ chồng bà đã mua nhiều vàng mã đến cúng kính, hi vọng cái “rủi” sẽ không theo vàng mà tìm đến.

“Đúng là Trời Phật thương chúng tôi nghèo khổ nên mới như vậy. Và dù biết mình chẳng ăn cắp, ăn trộm gì của ai nhưng tôi vẫn thấy áy náy thế nào ấy, vì số vàng đó là mồ hôi nước mắt của người khác”, bà Ng. chia sẻ.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại