Đầu vào ngành Y 13 điểm: Đừng để "có bằng xong ra giết người"

Hoàng Đan |

Bà Lan cho rằng, những ngành khác, nếu kém chất lượng thì có thể chưa thấy ngay hậu quả, nhưng riêng ngành Y thì sẽ đụng chạm tới tính mạng, sức khỏe con người.

Chạy theo bằng cấp

Cùng với việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (KD&CN) sẽ được phép đào tạo ngành Y, Dược thì dư luận cũng đang bày tỏ sự quan ngại về đầu vào đại học của một thế hệ bác sĩ chỉ từ 13 điểm.

Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải siết từ đầu vào cho tới chất lượng giảng dạy thì mới mong có người giỏi, vì ngành Y đụng chạm tới tính mạng và sức khỏe con người.

"Những ngành khác, nếu kém chất lượng thì có thể chưa thấy ngay hậu quả, nhưng riêng ngành này thì khác. Thực trạng ngành Y tế mà lâu nay người dân không tin tưởng, về sâu xa, tôi nghĩ rằng do chất lượng bác sĩ, dược sĩ chưa đáp ứng được, chưa xứng đáng.

Đã đến lúc phải siết lại chất lượng chứ không phải chạy theo trào lưu. Ngành Y tế rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến sinh mạng và sức khỏe của người dân, cho nên đào tạo ra phải có chất lượng, bác sĩ thì phải xứng đáng là bác sĩ", bà Lan nêu.

Nói về việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ được đào tạo ngành Y, Dược, theo bà Lan, nếu trường thực sự đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo, thực hành cho các bác sĩ đạt yêu cầu, đội ngũ giảng viên đạt yêu cầu thì chúng ta vẫn có thể hy vọng.

"Nhưng các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Cục Khoa học Công nghệ của Bộ Y tế phải có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Hiện nay, các ý kiến chưa thống nhất, nhưng theo tôi phải ủng hộ chất lượng, không chỉ riêng trường này mà trong thời gian tới phải rà soát sắp xếp lại chứ không thể để tỉnh nào cũng có trường đại học để "sản xuất" ra bác sĩ riêng như thế thì không được.

Hiện giờ, những cán bộ y tế đang hoạt động, việc quá tải bệnh nhân rồi bao nhiêu công việc thì cũng khó có thể cùng một lúc chạy sô nhiều trường để giảng dạy mà vẫn đảm bảo được chất lượng.

Thà chúng ta lấy chất lượng còn hơn là chạy theo số lượng", bà nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lan, chúng ta đặt chỉ tiêu phải tăng số lượng bác sĩ/ 1vạn dân dân và hiện giờ chúng ta mới đạt có 7/1 vạn dân.

"Nhưng nhìn ra các nước, chẳng ai đặt ra chỉ tiêu theo dạng số lượng như thế, ví dụ Thái Lan có 4 bác sĩ / 1 vạn dân thôi, nhưng đâu có ai nói y tế Thái Lan yếu kém.

Vấn đề là chúng ta sử dụng nguồn lực đó như thế nào, cho nên không được chạy theo số lượng, vô hình chung là chạy theo bằng cấp, giảm giá trị của người cán bộ y tế", vị ĐBQH này nêu ý kiến.

Bà cũng nêu thực tế, nếu như các trường chỉ chạy theo lợi nhuận thì sẽ nghĩ hiện nhu cầu của xã hội nhiều, nếu sinh viên ra trường không kiếm được việc làm tại các bệnh viện hay cơ sở thì cũng đi trình dược viên được.

"Hiện giờ, rõ ràng chúng ta rất lãng phí nguồn lực y tế đào tạo ra lại đi làm trình dược. Chắc chắn các trường sẽ chạy theo, nhưng chúng ta có bộ máy quản lý định hướng quy hoạch của Nhà nước.

Nếu xã hội hóa mà đảm bảo chất lượng chúng ta vẫn làm, nhưng với điều kiện là toàn bộ quy trình thẩm định, đánh giá phải công tâm khách quan, có tiêu chuẩn rõ ràng và không để qua mặt.

Bản thân người học cũng phải ý thức được, chứ không phải học để có mảnh bằng xong rồi ra giết người là không được", bà Lan nói.


Ảnh minh họa: toquoc.gov.vn

Ảnh minh họa: toquoc.gov.vn

Bà Lan cũng khẳng định, đào tạo Y, Dược không chỉ ở nước ta mà các nước phải ở top điểm cao nhất.

"Thực ra, tôi không biết rằng chỉ qua một kỳ thi đại học hay như hiện nay Bộ GD và ĐT cho chung hai kỳ thi, nó đánh giá được hết năng lực của học sinh.

Vẫn có trường hợp thí sinh điểm thi không thật cao nhưng vẫn học rất giỏi, ngược lại có thí sinh thi đầu vào rất cao nhưng ra không được. Nhưng chúng ta cũng phải đáp ứng một chuẩn nào đó.

Khi tiến hành các biện pháp xin mở ngành phải đáp ứng các tiêu chuẩn và họ phải suy nghĩ, ít ra trong số các thí sinh được tuyển vào trong trường, nếu không cao bằng mặt bằng với các trường khác thì cũng phải cao so với mặt bằng các khoa trong trường đó.

Còn cụ thể như thế nào thì các cơ quan hữu quan sẽ phải có ý kiến, phải đảm bảo chất lượng, còn nếu không đạt chất lượng thì chúng ta mạnh dạn không đồng ý, tránh trường hợp lời nói không đi đôi với việc làm.

Chúng ta chạy theo chất lượng chứ không thể chạy theo số lượng. Ở đây, đáng buồn trong ngành y dược, căn bệnh trầm kha chính là chạy theo bằng cấp.

Cái này là tư duy ăn xổi ở thì và nó làm mất tất cả giá trị, mà trước mắt, bác sĩ hay dược sĩ kém chất lượng ra trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội", bà Lan nhấn mạnh thêm.

Lo lắng về chất lượng đầu vào

Cùng trao đổi với chúng tôi, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho hay, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường tư thục.

"Cách đây 2 năm, họ có đề nghị mở ngành Y, Dược. Các trường đa ngành đa lĩnh vực của Việt Nam được quyền mở tất cả các ngành nếu có điều kiện.

Việc họ mở ngành Y, về mặt luật pháp thì họ được quyền, vấn đề quan trọng là Bộ phải thẩm định được năng lực mở ngành.

Tôi biết họ đầu tư hàng chục tỷ cho việc trang bị máy móc, mà ngành Y thì đặc biệt quan trọng là trang thiết bị máy móc.

Cùng với đó, nghe nói họ có tìm được một số giáo sư, nhà khoa học tốt, nhưng không hiểu cơ chế quản lý cán bộ và sử dụng cán bộ của trường này như thế nào, có về biên chế hay họ lại hợp đồng", ông Thạch nêu.

Ông cũng cho biết thêm, quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ biên chế và cơ hữu cho ngành, thứ nữa là cơ sở vật chất, đặc biệt là trang thiết bị y tế. Nếu Bộ làm rõ được năng lực của trường này ở hai điều kiện nói trên thì về mặt nhà trường là được.

"Nhưng còn đầu vào, nếu lấy tiêu chuẩn đầu vào của các ngành khác mà đưa vào ngành Y thì tôi hơi băn khoăn.

Ở Việt Nam, đào tạo 5 - 6 năm ra gọi là bác sĩ. Nước ngoài không gọi thế. Phải học 5 năm trong trường, sau đó thêm 3 năm nữa đi học chuyên khoa mới gọi là bác sĩ.

Tôi cũng lo ngại về chất lượng ngành này ở trường Công nghệ. Về nguyên tắc mở được, nhưng chỉ băn khoăn hai cái điều ấy. Bộ phải làm rõ được điều này. Nếu không đạt chuẩn chất lượng thì không cho mở.

Thêm nữa, đầu vào thì phải theo mặt bằng của các trường Y chứ không thể theo mặt bằng của các trường khác. Phải kiểm soát chặt chẽ vì nó liên quan đến tính mạng con người.

Theo tôi, nếu chưa xem xét được thì chưa nên cho, phải xem xét kỹ. Riêng ngành này phải hết sức cẩn thận so với các ngành khác", ông nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại