“Em đã khóc ngất. Em không bản lĩnh bằng Trần Lập”

Bùi Hải |

Lần đầu tiên trong đời làm báo, tối qua, 19.11.2015, tôi đã phải rơi nước mắt vì độc giả của mình, một giáo viên mầm non ở Quỳnh Lưu, Nghệ An.

> Bao nhiêu người Việt sẽ không lạnh xương sống khi xem video này?
> “NGU THÌ CHẾT” và người Việt ăn gì để không chết?
> “Tại sao chúng ta run rẩy trước thực phẩm của đồng bào?”
> NGƯỜI VIỆT ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG CHẾT?

Câu chuyện của dưới đây, nếu có lấy nước mắt và làm buồn lòng những người đứng trên bục giảng, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, thì cũng xin được lượng thứ, bởi vì nó cần được đưa lên để lay động, thấu hiểu và chia sẻ.

“Em định không chat với một người lạ, nhưng cuối cùng em vẫn chat. Em sợ các anh sẽ dừng tuyến bài tấn công thực phẩm bẩn vì mệt mỏi, vì sợ bọn bất lương giận dữ”.

{10h đêm, dòng chữ ấy đã hiện lên cửa sổ chat facebook của tôi, đúng lúc tôi chuẩn bị tắt máy.

Chục ngày qua, tôi đã nhận được nhiều inbox kiểu đó khi viết loạt bài này, nên tôi cám ơn xã giao M rồi chúc cô ngủ ngon.

Nhưng dòng chat của cô không có dấu hiệu dừng lại}.

“Em hiểu cảm giác run tay của Trần Lập anh ạ…!”.

{Tôi thấy có một luồng rùng mình nhẹ thoảng qua sống lưng. Cảm giác ấy biến thành chuỗi gai ốc khi những dòng chat kế tiếp hiện lên, nhẹ nhàng, nhưng đau đớn}:

“Vì cảm giác của em, còn khủng khiếp hơn anh ấy nhiều lần. Em là giáo viên mầm non, em không bản lĩnh bằng Trần Lập”.

{Tôi lặng đi chục giây. Vài hôm trước, một nữ nhà báo trẻ mà tôi mới chỉ quen trên facebook, inbox cho tôi nói rằng, cô đã khóc thực sự khi đọc loạt bài này.

Tôi bảo cô, “bài báo chỉ gây phẫn nộ, chứ đâu có gây xúc động mà em khóc?”.

Cô nói, em khóc vì mấy hôm trước chồng em đi khám bệnh, bác sĩ bảo bị ung thư dạ dày. “Nhưng ổng giấu, em chỉ biết được khi dò hỏi qua bạn bè. Người Việt mình đầu độc nhau đau đớn quá”.

Dù tháng nào cũng nghe nói về một ai đó vừa mắc hoặc vừa qua đời vì ung thư, nhưng hôm ấy tôi vẫn lặng đi vài chục giây và không biết an ủi thế nào cho phải với người đồng nghiệp trẻ…

Những dòng chat của cô giáo mầm non, tiếp tục kéo tôi về với câu chuyện đầy nước mắt}.

“Em đang điều trị hóa chất ở bệnh viện K3 Tân Triều anh ạ. Khối u của em phát hiện trong thời gian đang cho con bú, nên bác sĩ nói phải truyền hóa chất trước rồi mổ sau, anh ạ.

Em biết bệnh này không khỏi, có thể sẽ di căn nhanh, nhưng mà em xót quá, con cái còn quá nhỏ… Năm nay em mới 33 tuổi".

Những chia sẻ của cô giáo M
Những chia sẻ của cô giáo M

{Khi M nhắc đến con nhỏ, như một phản xạ vô điều kiện của một người bố, tôi lật đật mở trang chủ facebook của cô.

Trong tấm ảnh avatar là một gương mặt phụ nữ xinh xắn, rất hiền có mái tóc dài. Bên cạnh là tấm ảnh bìa chụp gia đình hạnh phúc 4 người, 2 bố mẹ, 2 đứa con nhỏ. Họ đều cười, mắt chứa chan hy vọng.

Chắc chắn, tấm ảnh ấy chụp trước ngày M biết tin sét đánh}.

“Tháng 6.2015 ông nội chồng em mất. Em lo xong việc ma chay, thì bị ốm, nhưng mãi mà không khỏi.

Sau đó bác họ nhà em mất vì ung thư phổi. Đi đám tang về, ít ngày sau em thấy ngực nổi khối u. Không hề đau. Đi siêu âm thì bác sĩ bảo cần ra Hà Nội kiểm tra gấp.

Em không ra Hà Nội, mà vào Đà Nẵng khám, vì đã hứa cho con trai 8 tuổi đi Bà Nà Hill một lần.

30.8. khám, 1.9 đã có kết quả. Đất sụp dưới chân em.

Em khóc ngất. Em đau đầu. Em nôn mửa. Em không ăn được bất cứ cái gì. Sau 7 ngày, em sụt 8kg. Lúc ấy, em chỉ có nước mắt thôi. Và trách ông trời sao nỡ ác độc với em như thế.

Em vừa khóc vừa nghĩ lại: Kiếp này em chưa làm gì trái với lương tâm. Thậm chí em còn không dám cắt tiết một con gà. Thế thì sao em lại phải chết? Hay tại kiếp trước anh nhỉ?

Biết tin bệnh tình em ở Đà Nẵng, sếp em gọi điện vào, bà bảo rằng “bác sĩ chỉ phán chung chung thôi, em không thể bị bệnh đó được, em hiền lành tử tế như thế…”.

Em trách ông trời lắm, nhưng em vẫn phải ra Hà Nội hóa trị. Nhưng đến K3 Tân Triều vài lần, thì dần dần em không còn oán hận ông trời nữa.

Xung quanh em, bệnh nhân ung thư đông đến nỗi… giống như người ta đi trảy hội, có lúc phải nằm ghép 3-4 người một giường.

Em là giáo viên dạy mầm non, chồng em đi xuất khẩu lao động chưa về, nên cuộc sống cũng vất vả lắm. Nhưng ở bệnh viện, em chứng kiến nhiều người khổ hơn em cả mấy lần.

Ở tầng 2, có nhiều cô gái chưa chồng đã mắc ung thư. Còn lên tầng 3, trời ơi, đầy những đứa trẻ 2-3 tuổi đầu trọc, trên tay lủng lẳng dây truyền nước.

Thỉnh thoảng có cô vẫn khóc, nhưng hầu hết họ tựa vào nhau để lạc quan, thậm chí hát hò.

Rồi mọi người còn rủ nhau ra bãi đá sông Hồng và khu đô thị Times city để ngắm cảnh.

Sự lạc quan ấy khiến em lấy lại được tinh thần. 5 ngày mà em lên tới 5kg anh ạ!

Nhưng khi chuẩn bị truyền hóa chất, thì em lại bấn loạn.

Thứ làm em bấn loạn là mái tóc. Mái tóc của em, khi lấy chồng, vẫn còn đen dài tới gối. Đến khi sinh em bé, thì phải cắt bớt cho đỡ vướng, nhưng vẫn dài hết lưng.

Các chị các cô ở bệnh viện xuýt xoa trước mái tóc của em. Họ khuyên em nên cắt tóc để bán trước khi truyền, chắc cũng phải được vài triệu.

Nhưng em xót, em không bán. Về nhà em chỉ cắt ngắn đi một chút. 18 ngày sau thì không còn gì anh ạ. Xót tóc em lại khóc. Giờ thì anh biết rồi đấy, em giống với các nhà sư hơn là một cô giáo.

Em đã truyền được 4 đợt hóa chất, còn 4 đợt nữa là mổ. Mỗi đợt truyền xong, trở về quê, em phải nằm bẹp một tuần, thân xác như đi mượn.

Ngay khi gượng dậy được, em lại đến lớp với các con. Nếu không nhìn thấy và được vui đùa cùng các con, em sẽ chết vì buồn chán.

Em đã sắm một cái mũ đẹp, đội và đeo tóc giả để các con không hoảng sợ với cái đầu trọc. Chúng còn nhỏ quá, đâu biết cô bị bệnh gì.

Chẳng phải chỉ có các con sợ. Đứa con đầu của em cũng sợ. Là con trai nhưng ướt át và hay suy nghĩ lắm.

Nó hay hỏi mẹ bị bệnh gì. Em bảo mẹ bị nhẹ thôi, sắp khỏi rồi. Nó quay đi, bảo: “Mẹ đội mũ vào đi, con không muốn nhìn thấy mẹ như rứa mô”.

Đội tóc giả thì nóng, nên em cứ đội mũ suốt. Bỏ ra, chính mình nhìn mình trong gương còn sợ nữa là con…".

{Tôi nhớ đến bộ ảnh về chiếc đầu trọc rất đẹp của Thương Sobey – một bệnh nhân ung thư đã trở thành người phụ nữ quả cảm sáng lập nên mạng lưới hỗ trợ những người ung thư vú ở Việt Nam.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, tại sao hình ảnh một phụ nữ đầu trọc với nụ cười truyền nghị lực sống ấy, lại có thể đẹp hơn rất nhiều người đủ tóc.

Nhưng, tôi cũng chắc rằng, phía sau nụ cười ấy, lúc soi gương, Thương Sobey sẽ có đôi khi cũng sợ cái đầu trọc của mình}.

"Ở quê em, người mắc ung thư nhiều lắm. Hôm em chuẩn bị ra Hà Nội truyền hóa chất đợt 3, cũng có hai người chết vì bệnh ung thư. Một người là chồng của chị đồng nghiệp trong trường em, sinh năm 1974. Trẻ quá.

Khi báo anh viết về thực phẩm bẩn, em giật mình, em và gia đình đã ăn quá nhiều thứ độc hại. Nơi em sống, nhiều gia đình cũng có hai luống rau, một để ăn, một để bán.

Em nhìn thấy rõ chiều hôm trước họ phun thuốc sâu, sáng hôm sau đã hái đi bán. Chăn nuôi thì toàn cám công nghiệp trộn tăng trọng bởi chắc chắn nuôi cám thường thì sẽ lỗ.

Bây giờ, nhà em cũng chỉ trồng được rau sạch, còn thịt cá thì vẫn phải mua thôi, làm sao được".

{Đắn đo mãi tôi mới dám hỏi M rằng, bác sĩ đã tiên lượng như thế nào về bệnh của em. Những dòng chat của M dừng lại một lúc lâu, ngập ngừng…}

“Những ngày đầu ở viện, nhiều lúc muốn hỏi rõ bác sĩ về thời gian sống của mình, nhưng viện quá tải, bác sĩ lúc nào cũng vội, em chẳng kịp hỏi nhiều.

Khi em bắt đầu truyền đợt 3, em mới hỏi: Liệu bệnh của em có khỏi được không? Bác sĩ bảo, khối u của em phát hiện không còn sớm nữa, nhưng chưa quá muộn.

Em truy tiếp: Em còn bao nhiêu thời gian? Bác sĩ im lặng một lát rồi nhìn em chậm rãi trả lời: Cũng tùy, có người 5 năm, 7 năm, có người 10 năm mới tái phát.

Anh có biết em đã ớn lạnh như thế nào khi nghe hai chữ “tái phát” không?”.

{6 anh em chúng tôi và bố, nhiều năm trước cũng đã ớn lạnh như thế khi TS trưởng khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai thông báo mẹ tôi bị ung thư phổi năm bà 68 tuổi.

Mỗi người chúng tôi đã tìm một góc trong bệnh viện để khóc.

Biết bao nhiêu người ở Việt Nam đang phải ớn lạnh mỗi ngày, trong các bệnh viện?}.

“Anh ạ, không biết anh sẽ nghĩ em là người như thế nào, nhưng quả thật em bây giờ đã khác nhiều, đỡ ớn lạnh hơn mỗi khi nghĩ về tương lai.

30 phút đầu nói chuyện với anh, em đã khóc suốt. Nước mắt rơi ướt hết cả điện thoại. Giờ thì em bình tâm rồi và cũng lạc quan hơn khi nghe anh kể về một số trường hợp người ung thư chiến thắng số phận.

À, em cũng biết một nghệ sĩ bị ung thư 15 năm, nhưng em không nhớ tên. Ông ấy nói, ai cũng bảo “trời kêu ai người nấy dạ”, nhưng riêng ông không chịu “dạ” để trời biết rằng trời đã kêu sai. Thật đáng ngưỡng mộ.

Như đã nói với anh, lúc đầu, em trách ông trời lắm khi ông ấy kêu tên em, nhưng giờ thì em không trách nữa.

Em thấy bằng lòng với những gì hiện tại em đang có. Vì hơn lúc nào hết, em cảm nhận được tình yêu thương mọi người dành cho em.

Hôm trước em lên chùa nghe giảng kinh và em đã biết mình đang chọn đúng nơi mình cần tìm. Sau này khi mổ xong, em sẽ tập ngồi thiền và sẽ làm nhiều việc thiện nguyện.

Em đọc facebook của anh, thấy báo anh hay đi từ thiện, em cũng muốn tham gia hoặc đóng góp chút tiền nhỏ cho những người bất hạnh hơn mình”.

{Tôi đã dừng lại khá lâu để suy ngẫm về “cái sự bằng lòng với những gì đang có” và ước muốn thiện nguyện của cô.

So với những người khỏe mạnh, M “đang có” những gì? Có một mái đầu không còn tóc. Có những tác dụng phụ ghê gớm của hóa chất. Có quỹ thời gian 5 năm, 10 năm, hay lâu hơn nữa? Có người chồng phải kiếm tiền nuôi gia đình ở xứ người không thể chăm sóc vợ…

Thế mà cô vẫn đang bằng lòng với những thứ mình đang có.

Bên ngoài bệnh viện cô đang điều trị, có nhiều triệu người “giàu” hơn cô cả về sức khỏe, tiền bạc, địa vị.

Có kẻ đã “nuốt” cả một con tàu biển, “ăn” cả đường ray xe lửa, “cầm nhầm” cả chục biệt thự, nhưng chúng chẳng bao giờ thấy đủ, chẳng bao giờ biết chia sẻ}.

"Anh ạ, khuya rồi, em có làm phiền anh không? Trước khi dừng chat, em muốn nói với anh một ước muốn mấy tháng nay cứ trở đi trở lại trong em.

Dì ruột của em cũng bị ung thư vú cách đây 20 năm và bây giờ bà vẫn sống khỏe mạnh. Hôm trước gia đình đi xem, họ bảo chồng dì còn “đi” trước dì nữa cơ. Cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu anh nhỉ?

Ngày trước, khối u của dì được phát hiện rất sớm, mới giai đoạn 1, không phải mổ, chỉ tia thôi. Em muộn hơn, nên không biết thế nào.

Ước muốn này của em, nói ra anh đừng cười nhé. Lúc nào trong em cũng ước ao là sẽ sống đến khi nhìn con cái lấy vợ lấy chồng. Con đầu của em 8 tuổi, bé thứ hai 18 tháng. Em có tham lam quá không anh?

Chính vì em sợ em tham lam, nên điều đó em chỉ nung nấu trong lòng và chỉ dám nói với một người lạ như anh. Thôi, chúc anh ngủ ngon và báo đừng bao giờ dừng viết về những thứ đang giết chết chúng ta hàng ngày nhé!”.

{Trước khi chúc M ngủ ngon, tôi đã nói rằng, nếu em muốn sống đến 100 tuổi thì cũng chẳng có gì tham lam cả, nhất là khát vọng sống đó vì con cái và vì mình.

Một lần nữa, tôi đã rơi nước mắt. Tôi tự trách mình. Hôm trước tôi đã viết một cách cẩu thả trên facebook rằng: Nếu status về thực phẩm bẩn này không được 1.000 like và 200 chia sẻ, tôi sẽ ngừng viết.

Status đó được 260 chia sẻ nhưng không được 1.000 like. Ngay sau khi tôi đăng, một người em đã trách tôi: Đáng lẽ, chỉ có 1 like anh cũng phải viết tiếp, vì đó là góp một tiếng nói nhỏ cho sức khỏe, tính mạng con người.

M bảo “sẽ cố gắng chiến đấu để nếu khi số mệnh đã hết, em sẽ chẳng hối tiếc điều gì nữa. Năm nay, đón 20.11 trong bệnh viện, nhưng em sẽ cố để không buồn anh ạ”.

M ơi, chúng tôi sẽ viết tiếp về thực phẩm bẩn và em cũng hãy chiến đấu và chiến thắng số phận như cách mà dì ruột em, mà người nghệ sĩ em ngưỡng mộ, đã và đang chiến đấu nhé!

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu. Ngay cả nước mắt của một bệnh nhân ung thư như em, cũng đã có thể “giao trách nhiệm” và thúc giục chúng tôi tiếp tục hành trình.

Chúc em có một ngày Nhà giáo Việt Nam mạnh mẽ. Chúc em có một hành trình mạnh mẽ để trên hành trình ấy, em sẽ cầm tay con dâu, con rể đặt vào tay bạn đời chúng và chúc phúc cho chúng}.

 Mời quý độc giả chia sẻ cảm nghĩ, bình luận của mình. Xin bấm vào ô "viết bình luận" ở cuối bài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại