"1 nửa" xấu xí và cuộc sống ít cười, nói của Đại Nghĩa

Cẩm Giang |

Đằng sau một Đại Nghĩa ồn ào và tưng bừng trên sân khấu là một góc hoàn toàn khác, ở đó cuộc sống của anh cũng thấm đẫm nước mắt và nỗi buồn.

Chuỗi ngày cố gắng

Tôi sinh ra trong gia đình trí thức, gia giáo từ trên xuống dưới, không có những câu chuyện thị phi nên may mắn có được nền tảng đạo đức tốt. Là con một, cháu đích tôn, tôi được mọi người rất yêu thương và kỳ vọng.

Thừa hưởng sự tài hoa của ba, từ nhỏ tôi đã biết ca hát, vẽ tranh rồi làm thơ. Lớn hơn một chút, khi biết công việc của những người diễn viên qua các bộ phim Hong Kong, bản thân cảm thấy rất thích thú.

Lúc đó tôi nghĩ, nếu làm công việc này, tôi có thể sống được nhiều cuộc đời và nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Vậy là chọn.

Trước khi thi trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi học hai năm ở câu lạc bộ Điện ảnh Tân Sơn Nhất.  Quãng thời gian đó giúp tôi nhận ra nghề khó khăn và vất vả đến nhường nào. Vì vậy khi thi vào trường, tôi không còn nhìn nghề bằng con mắt màu hồng nữa.

Biết con đường phía trường còn dài, tôi không dám mơ mộng, chủ quan mà lao vào học một cách say sưa để chuẩn bị “vốn liếng” cần thiết cho sau này.

Hết mấy năm đèn sách, tôi vào nghề với tâm thế một diễn viên trẻ rất say sưa. Đêm xuống, có vai thì diễn, không có tôi cũng lên ngồi xem mấy anh chị diễn hoặc trang điểm để học theo. Mấy năm trời như vậy, những bài học từ thực tế trên sàn diễn còn quý giá hơn những gì tôi được ở trường.

Bằng tinh thần cầu tiến tột độ, đêm nào tôi cũng ngồi xem như nuốt từng lời từng chữ. Nhờ có giai đoạn đó, tôi mới được như bây giờ.

15 năm ở sân khấu Idecaf, tôi đã cố gắng rất nhiều. Đó là một chuỗi ngày dài lao động, học tập, có cả nước mắt và mồ hôi trong đó.

Không phải ai cũng biết để có ba tiếng đồng hồ cho khán giả vui cười, anh chị em nghệ sĩ đã phải ròng rã hàng tháng trời trên sân khấu. Mồ hôi có, nước mắt có, thậm chí là cả máu.

Có lần, tôi vào vai chú mèo Đi Hia trong một vở tuồng dành cho thiếu nhi. Kết vở, tôi trèo lên cây cột rồi tuột xuống nhưng không may lại bị trật chân.

Đau quá không đi được, tôi phải ngồi nguyên tại chỗ. Nhưng vì đang đóng vai con mèo nên tôi mạnh dạn chuyển sang bò. May mắn là khán giả không nhận ra sự khác lạ đó.

Đèn sân khấu vừa tắt, tôi được chở đi băng bột ngay vì bong gân. Lần đó, tôi chống nạng mất một tháng trời nhưng với tôi, đó cũng là chuyện bình thường, phải có những ngày tháng như vậy thì mới có ngày hôm nay.

Phía sau ánh đèn sân khấu

Như hai mặt của một tấm huy chương, mặt trước lộng lẫy, lung linh bao nhiêu thì mặt sau lại sần sùi, xấu xí bấy nhiêu, sân khấu cũng vậy.

Khán giả chỉ có thể nhìn thấy những thứ hào quang của người nghệ sĩ còn sau đó, chẳng ai biết sự thật tương phản hoàn toàn.

Có nhiều diễn viên đứng trên sân khấu thì lộng lẫy, hoành tráng nhưng quay về với đời thực phải đối mặt với một cuộc sống khốn khó, vất vả.

Bản thân tôi không đến nỗi vất vả về mặt kinh tế bởi công việc của tôi tương đối tốt đẹp và thuận lợi nhưng về mặt tình cảm, bao giờ cũng có những uẩn khúc.

Người nghệ sĩ có cả trăm ngàn khán giả yêu thương nhưng để có được một người yêu mình và mình yêu là khó khăn vô cùng. Đó là lý do tại sao khi trở về cuộc sống đời thường, đa số đều cô đơn.

Những bầm dập cuộc đời mang lại tạo cho tôi sự điềm tĩnh, chừng mực đến mức lạnh lùng. Đôi khi khán giả không hiểu được điều đó, họ gặp tôi ngoài đời và thắc mắc tại sao tôi ít nói, ít cười.

Nói thật, nếu muốn diễn, tôi vẫn có thể mang một Đại Nghĩa vui tươi từ sân khấu ra đời thực nhưng tôi không muốn vậy.

Thứ nhất là bởi tôi không sống giả được. Thứ hai nữa là tôi mệt. Trên sân khấu, phim trường, mình đã bung ra quá nhiều sức lực cho vai diễn rồi nên bản thân cũng cần thời gian để cân bằng lại.

Nhưng ở ngoài đời mới dám như thế, còn mỗi lần bước ra sân khấu, tôi phải gạt bỏ hết tất cả những gì đeo nặng trong lòng. Mình không thể nào bắt khán giả phải thông cảm được. Họ bỏ tiền đến rạp để xem mình diễn kia mà.

Vậy nên, dù có nhiều ngày đến rạp với tâm trạng u uất, ngồi ở phòng thay đồ không thể nở một nụ cười nhưng chuông reo đến giờ, tôi lập tức đứng dậy, hít thật sâu, sửa lại nếp quần nếp áo để rồi bước ra sân khấu và tưng tưng như không có gì xảy ra.

Để rồi sau đó, khi đèn vừa xuống, trong tích tắc, mình trở lại đúng là mình. Thiên chức của người nghệ sĩ là như vậy.

Có lần tôi diễn vở “Tía ơi má dìa” với anh Thành Lộc và chị Phi Phụng, ở cảnh cuối cùng, vai của anh Lộc khóc nhưng bản thân đang có chuyện buồn nên tự nhiên tôi cũng bật khóc, khóc “ké” mà còn nhiều hơn nhân vật chính nữa.

Đến khi về nhà, tôi mới ngạc nhiên: “Ủa, nhân vật của mình làm gì mà khóc dữ vậy, có khóc thì khóc chút chút thôi, cảm thương với ông bạn thân, làm gì mà khóc quá vậy”.

Đó, đôi khi người nghệ sĩ mượn vai diễn để trút bớt nỗi buồn mà bản thân họ cũng không nhận ra.

Hài lòng với cuộc sống

Quy luật của nghề cũng lắm điều khắc nghiệt. Nếu làm không tốt, bạn sẽ bị đào thải, khán giả sẽ quay lưng ngay lập tức.

Đó là chưa kể nếu bạn không giỏi thì cũng chẳng thể nào tồn tại được. Bạn vẫn có thể làm nghề nhưng theo một cách thường thường, lình xình. Như vậy liệu có đúng với ý nguyện khi mình đặt chân vào với nghề hay không?

Chắc chắn là không.

Bản thân tôi ở thời điểm hiện tại, tôi hài lòng với cuộc sống, công việc và những gì đang có.  Tôi không phải là một người quá tham vọng đến mức điên dại hay bắt mình phải trèo cao, vượt qua người nọ người kia.

Đôi khi tôi nghe người ta nói về sự nổi tiếng của mình mà còn cảm thấy ngạc nhiên. Tôi không say sưa với sự nó, chỉ biết rằng cái gì đến thì tôi làm, đến nhưng không sắp xếp được thì từ chối chứ không tiếc nuôi, không dằn vặt.

Vậy nên, sự thành công đến với tôi một cách tự nhiên và tôi cũng đón nhận với tâm thế nhẹ nhàng chứ không hề bị choáng ngợp.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại