Chìa khóa mở đường cho Mỹ "áp sát" TQ nằm trong tay Philippines

Đức Huy |

Theo NY Times, chính phủ Philippines đang cân nhắc việc "mời" Hải quân Mỹ trở lại căn cứ Vịnh Subic, nhằm mang tới một đối trọng khắc chế sự ngang ngược của Trung Quốc hiện nay.

Thay đổi quan điểm

23 năm trước, với mong muốn loại bỏ hoàn toàn mọi dấu tích của chế độ thực dân, giới chức Philippines đã chính thức đề nghị lính Mỹ rời khỏi Vịnh Subic, khi đó là căn cứ Hải quân bên ngoài lãnh thổ lớn nhất của quân đội Mỹ.

"Quân đội nước ngoài sẽ không còn hiện diện trên lãnh thổ Philippines thêm một lần nữa" - Tổng thống Philippines Corazon Aquino bấy giờ tuyên bố.

Nhưng với tình hình hiện tại, khi Trung Quốc đang ngày một đẩy mạnh các hành vi bành trướng trên Biển Đông, Manila đang xét đến việc đồng ý cho Hải quân Mỹ "tái xuất" tại căn cứ được mệnh danh là "Cam Ranh của Philippines" này.

Việc Philippines phải thay đổi quan điểm của mình một lần nữa cho thấy diễn biến phức tạp của tình hình khu vực hiện nay, khi những hành vi xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo đá trên Biển Đông của Trung Quốc đã và đang là ngọn nguồn của căng thẳng.

Tuần trước, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn tất xây dựng trái phép đường băng trên Đá Xu Bi (chủ quyền Việt Nam), cũng như chuẩn bị xây dựng một đường băng khác trên Đá Vành Khăn (chủ quyền Việt Nam).

Bên cạnh sự ngang ngược của Trung Quốc, tiếng nói của ngư dân Philippines, những người mà miếng cơm manh áo hàng ngày của họ đang bị đe dọa bởi tình hình hiện tại, cũng đang có tác động không nhỏ tới suy nghĩ của chính phủ Manila.

"Tàu Trung Quốc thường xuyên đuổi và tìm cách đâm vào tàu cá của tôi. Tôi không thể đếm được có bao nhiêu tàu Trung Quốc ở đây nữa, có quá nhiều" - ông Renato Etac, một ngư dân Philippines, chia sẻ với New York Times.

Ngư dân Renato Etac. Ảnh: NY Times
Ngư dân Renato Etac. Ảnh: NY Times

Năm ngoái, Philippines và Mỹ đã kí một bản hiệp ước có thời hạn 10 năm, trong đó cho phép Mỹ đóng quân đội, vũ khí, và trang thiết bị quân sự tại các căn cứ trên lãnh thổ Philippines, mở đường cho sự trở lại của quân đội Mỹ trên Vịnh Subic hay Căn cứ Không quân Clark lân cận.

Tuy nhiên, hiệp ước này đang phải đối mặt với một vài vấn đề pháp lý, và dự kiến sẽ chưa thể được Tòa án Tối cao Philippines giải quyết ít nhất là trong vòng vài tháng tới.

Nếu hiệp ước này được thông qua và quân đội Mỹ có mặt tại Vịnh Subic, tàu chiến Mỹ sẽ chỉ cách các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông khoảng 500 hải lý, hơn hẳn so với khoảng cách 1.500 hải lý của các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và đảo Guam.

Quân đội Philippines: vừa yếu vừa cũ

Theo New York Times, ngoài vấn đề pháp lý liên quan đến những năm tháng Philippines còn là thuộc địa của Mỹ, một rào cản khác ngăn cản hợp tác quân sự giữa hai nước là sự yếu kém của lực lượng quân đội Philippines.

Dù đã chủ động hiện đại hóa quân đội, nhưng xét một cách tổng thể, Philippines vẫn tụt hậu khá xa so với khu vực. Quân đội nước này không có tàu ngầm, và có quá ít máy bay chiến đấu. Tàu chiến "có tiếng" nhất trong hạm đội của họ lại chính là chiếc Sierra Madre đã quá lỗi thời.


Tàu đổ bộ LT57 Sierra Madre của Philippines. Ảnh: AP

Tàu đổ bộ LT57 Sierra Madre của Philippines. Ảnh: AP

Nguồn viện trợ quân sự Mỹ dành cho Philippines đang tăng dần trong nhiều năm trở lại đây, hiện ở mức 50 triệu USD, gấp đôi so với năm ngoái.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Philippines, Tổng thống Benigno Aquino đang hối thúc phía Mỹ tăng viện trợ lên mức 300 triệu USD, với lý do họ cần thêm tiền mua sắm thêm máy bay và tàu chiến để đối chọi lại tư tưởng bành trướng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến nay vẫn từ chối nâng cấp gói viện trợ quân sự, với lý do Philippines vẫn chưa giải quyết được vấn nạn tham nhũng trong hàng ngũ quân đội, và Washington nghi ngờ khả năng Manila có thể điều phối một lượng viện trợ lớn như vậy.

Đó là chưa kể, với mức 50 triệu USD hiện tại, Philippines đang là quốc gia Đông Nam Á nhận được nhiều tiền viện trợ quân sự nhất từ Mỹ.

Cần thời gian để xây dựng lòng tin

Một bộ phận quan chức hai bên cũng thừa nhận, lòng tin giữa Mỹ và Philippines vẫn chưa ở mức tốt nhất, và đây cũng là một trong các lý do cản trở hợp tác quân sự.

Thượng nghị sĩ Mỹ
Dan Sullivan
Nhìn lại những gì đã xảy ra tại Vịnh Subic, có thể thấy Philippines đã "thay lòng đổi dạ" quá nhanh. Kí ức này vẫn in sâu trong tâm trí giới chức cả hai nước.

Hiện tại, Philippines đã điều động tàu cảnh sát biển để chế ngự các hoạt động bành trướng của Trung Quốc, cũng như đề ra kế hoạch sẽ đóng máy bay chiến đấu và khinh hạm tại Vịnh Subic vào năm tới. Ngoài ra, Philippines cũng đã khởi kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài The Hague.

Tại Manila tháng trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris đã nói với các quan chức Philippines rằng hiện tại phía Mỹ không muốn đẩy mạnh các hoạt động quân sự do lo ngại gây ảnh hưởng tới vụ kiện tại The Hague.

Tuy nhiên, ông Harris cũng cho biết Mỹ đã lên kế hoạch sẽ gia tăng hàm lượng các cuộc tuần tra trên Biển Đông.

Mặt khác, một bộ phận người dân Philippines bày tỏ lo ngại rằng, việc phải phụ thuộc vào Mỹ sẽ một lần nữa đẩy lùi nỗ lực xây dựng quân đội của riêng Philippines.

Họ cũng cho rằng dù Mỹ đã kí hiệp ước quốc phòng với Philippines, nhưng Washington còn quá nhiều mối bận tâm khác, điển hình là cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, để có thể "toàn tâm toàn ý" hỗ trợ Manila.

Bà Maria Turco, một giáo viên dạy học trên Vịnh Subic, là một trong số đó.

"Chúng ta đơn giản là không thể cứ tin vào việc sẽ được người khác cứu. Chúng ta phải tự quyết định số phận của mình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại