Bầu Hiển “làm nông” vì bất động sản

Thiên Phong |

Những công ty do ông Ðỗ Quang Hiển làm chủ dự kiến sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần Vegetexco khi doanh nghiệp này IPO vào đầu tháng 9/2015.

Miếng bánh cơ sở hạ tầng có lẽ sẽ không dễ “nuốt” vì quá to. Nhưng với những công ty nhỏ, khả năng xâm nhập của Bầu Hiển lại khá dễ dàng.

Theo bản cáo bạch của Tổng Công ty Rau quả Nông sản (Vegetexco), những công ty do Bầu Hiển làm chủ dự kiến sẽ nắm giữ phần lớn cổ phần Vegetexco khi doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào đầu tháng 9/2015.

Cụ thể, Tập đoàn T&T và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) sẽ trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 50% cổ phần Vegetexco. Một công ty được cho là liên quan đến BSH là Art Export cũng sẽ nắm giữ 10% cổ phần.

Vegetexco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nhân điều và các loại rau quả, nông sản đóng hộp.

Các sản phẩm chủ lực của Công ty là điều nhân, hoa và giống hoa, rau, các loại hoa quả đóng hộp (như dứa, dưa chuột, vải...).

Quy mô của công ty mẹ Vegetexco cũng không quá lớn. Dù không có số liệu cụ thể về thị phần ngành rau quả đóng hộp, nhưng doanh thu xuất khẩu của Vegetexco năm 2014 là 10,68 triệu USD.

Còn giá trị ngành rau quả xuất khẩu (cả tươi lẫn khô) của Việt Nam ước đạt 1,5 tỷ USD (đồ tươi chiếm khoảng 90%).

Sản lượng điều nhân của Vegetexco năm 2014 là khoảng 650 tấn, còn tổng sản lượng điều nhân của Việt Nam năm ngoái là 306.000 tấn.

Bau Hien
Các chỉ số kinh doanh cơ bản của Vegetexco.

Không phải là một doanh nghiệp chủ lực trong ngành nông sản, Vegetexco liệu có gì hấp dẫn đối với Bầu Hiển?

Hơn nữa, trong khi ngành rau quả đóng hộp của Việt Nam được đánh giá là chưa phát triển đúng mức, thì ngành điều cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian gần đây.

Nguồn nguyên liệu chủ yếu của Vegetexco là hạt điều, hạt giống rau, giống nông sản và hoa vẫn phải nhập khẩu.

Theo thông tin từ Vegetexco, phần lớn doanh thu của Công ty đến từ thị trường xuất khẩu và họ cũng chưa có hệ thống phân phối và bán lẻ nội địa.

Kết quả là tình hình kinh doanh của Vegetexco không được mỹ mãn, khi doanh thu và lợi nhuận đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây.

Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn có nhiều điểm hấp dẫn và có lẽ đây mới là đích nhắm của những cổ đông mới.

Lợi thế đầu tiên phải kể đến là việc Vegetexco sở hữu những khu đất vàng trong nội thành.

Ðể tận dụng lợi thế này, theo bản cáo bạch của Vegetexco, doanh nghiệp này sẽ thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh sau khi IPO.

Ðó là việc xây dựng các tòa nhà cao tầng gồm chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn tại địa điểm là những vị trí cũ của Công ty.

Dự án đầu tiên thực hiện sẽ là cải tạo trụ sở Vegetexco thành khách sạn tại số 58 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với quy mô đầu tư 38,8 tỷ đồng, dự kiến sẽ sớm đưa vào khai thác.

Đồng thời, Công ty cũng đang nghiên cứu dự án khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở với quy mô 9 tầng tại số 2 Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) và kho Cầu Tiên 15 tầng tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Hai dự án này sẽ được thực hiện trong vòng 3-5 năm tới với tổng quy mô vốn đầu tư là 278 tỷ đồng, chiếm 65,5% quy mô vốn đầu tư của toàn Công ty.

Phần vốn còn lại thuộc về lĩnh vực kinh doanh truyền thống là chế biến và xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, thông tin còn cho thấy Vegetexco vẫn tiếp tục quản lý và sử dụng 9 mảnh đất (tổng diện tích 160.000m2) thuộc 4 tỉnh thành trên cả nước theo hình thức thuê đất, trả tiền một lần hoặc hằng năm.

Ðây là chuyện khá quen thuộc đối với các công ty nông sản quốc doanh trước đây, do được sở hữu nhiều địa điểm đẹp nằm trong các thành phố lớn.

Một ví dụ khác là Công ty Giống cây trồng Miền Nam hiện có mảnh đất đẹp ở 282 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Dự kiến địa điểm này cũng sẽ trở thành tòa nhà văn phòng trong nay mai.

Ðiểm thu hút khác của Vegetexco là sẽ việc doanh nghiệp này sẽ cổ phần hóa hoàn toàn và cổ đông chiến lược xem như được sở hữu toàn bộ.

Điều đáng chú ý nhất là đợt cổ phần hóa này chỉ có công ty mẹ. Những số liệu trên vẫn chưa hợp nhất với các công ty con.

Hiện nay, công ty mẹ Vegetexco còn liên kết với 21 công ty khác (cũng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) với tỉ lệ sở hữu khác nhau nằm rải rác ở khắp các tỉnh thành.

Trong số đó, những công ty mà Vegetexco nắm giữ tỉ lệ cao là Công ty Cổ phần Nhập khẩu Rau quả (44,88%) và Công ty Cổ phần Cảng Rau quả (38,43%) đều ở nằm ở TP.HCM.

Chưa rõ bức tranh về doanh thu và lợi nhuận khi những công ty liên kết này cộng gộp với Vegetexco sẽ như thế nào.

Nhưng chắc chắn Bầu Hiển sở hữu công ty mẹ cũng đồng nghĩa rằng ông có khả năng tiếp cận được với hàng loạt các công ty liên kết này, vốn cũng nắm trong tay nhiều vị trí bất động sản đẹp.

Tất nhiên, chủ mới của Vegetexco vẫn sẽ xử lý những nợ xấu cũ của công ty.

Hiện doanh nghiệp này đã chuyển gần 24,5 tỉ đồng cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và công nợ đánh giá lại đã cao hơn gần 30% so với trước.

Ngoài ra, Vegetexco cũng có kế hoạch thoái vốn ở 6 công ty liên kết do không đạt hiệu quả kinh doanh.

Về tổng thể, các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn của Vegetexco vẫn hiệu quả (giá vốn đầu tư là 302,5 tỷ đồng, đánh giá lại là 434,7 tỷ đồng).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại