Quyết định thăng hàm cho 10 tướng hé lộ quyền lực mới của ông Tập

My Lan |

Tờ The Diplomat đã chỉ ra một chi tiết lạ và có nhiều ý nghĩa trong quyết định thăng hàm cho 10 tướng Trung Quốc hồi cuối tháng 7.

Một ngày sau khi cựu phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng bị khai trừ Đảng và chuyển giao cho cơ quan kiểm sát quân sự xử lý, Ủy ban Quân sự Trung ương đã tổ chức lễ thăng hàm Thượng tướng cho 10 sĩ quan cấp cao.

Tờ The Diplomat (có trụ sở ở Nhật Bản) cho hay, trong số 10 người đó, không phải ai cũng đáp ứng đủ các tiêu chí thông thường để được thăng lên hàm này.

Theo Quy định Về Cấp bậc cho Sĩ quan Quân đội Trung Quốc, các sĩ quan từ cấp Đại tá trở lên được thăng cấp dựa trên "vị trí, phẩm hạnh, tài năng và đóng góp của họ cho việc xây dựng nền quốc phòng quốc gia".

Không có yêu cầu cụ thể nào đối với việc thăng hàm lên Thượng tướng.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, có một quy định “bất thành văn” rằng một sĩ quan được thăng lên hàm này sẽ phải có ít nhất 4 năm đeo lon Trung tướng và là lãnh đạo của một quân khu trong ít nhất 2 năm.

Điều đặc biệt là, chiếu theo các tiêu chí thông thường này thì chỉ có 8 trong số 10 quan chức mới được thăng cấp đáp ứng đủ “điều kiện”, 2 người còn lại là Chính ủy Hải Quân – Đô đốc Miêu Hoa và Tư lệnh Cảnh sát Vũ trang – Tướng Vương Ninh.

Ông Vương Ninh được thăng hàm Trung tướng vào tháng 7/2012 khi đang là Tham mưu trưởng Quân khu Bắc Kinh. Vị này được đưa lên làm Chỉ huy Quân khu một năm sau đó.

Trường hợp của Đô đốc Miêu Hoa thậm chí còn "chóng vánh" hơn. Ông Miêu đeo lon Trung tướng từ tháng 7/2012 khi được bổ nhiệm là Phó Chính ủy quân khu Lan Châu. Ông này cũng mới chỉ được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu một năm trước đây.

Tuy nhiên, The Diplomat chỉ ra điều đáng chú ý hơn cả trong đợt thăng hàm lần này của 10 sĩ quan cấp cao. Đó là thứ tự xuất hiện tên của ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tuyên bố thông qua quyết định thăng hàm cho ông Vương.

Theo đó, tên của ông Tập, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã được nêu trước tên ông Lý.

Tờ này chỉ ra rằng, kể từ khi Trung Quốc ban hành Luật Quốc phòng tháng 3/1997, tên của Thủ tướng luôn được đặt trước tên của Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong các quyết định thăng hàm cho những lãnh đạo cấp cao trong lực lượng cảnh sát vũ trang.

Cụ thể, trong quyết định dành cho Thượng tướng Yang Guoping, sĩ quan đầu tiên thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang được thăng lên hàm này kể từ sau năm 1997, tên của Thủ tướng khi đó là Lý Bằng xuất hiện trước tên Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Điều tương tự cũng xảy ra trong quyết định thăng hàm cho hai người lần lượt kế nhiệm ông Yang.

The Diplomat nhấn mạnh, không thể bỏ qua hay coi nhẹ sự thay đổi về thứ tự xuất hiện của tên của Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc ở lần mới đây nhất, bởi nó phản ánh quan hệ quyền lực mới giữa 2 nhà lãnh đạo “chóp bu”, ám chỉ sự gia tăng quyền lực của ông Tập.

Tờ này thậm chí còn cho rằng, luật pháp có thể sẽ buộc phải sửa đổi để phản ánh đúng thực tế nếu quan hệ quyền lực mới này ở Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại