Đế chế "bị khinh rẻ" của Tần Thủy Hoàng vùng lên như thế nào?

Hải Võ |

Nhà nghiên cứu Dịch Trung Thiên phân tích, sự trỗi dậy của nước Tần xuất phát từ Biến pháp (cải cách), mà Biến pháp là đường lối "bị ép mà ra".

Về điểm này, Tần Hiếu Công đã nói rõ ràng trong "Cầu hiền lệnh" của mình rằng: "Chư hầu khinh Tần, vô cùng nhục nhã". Vì vậy, người nào có khả năng "ra kế giúp Tần cường thịnh", Hiếu Công "bằng lòng phân đất với người đó".

"Đế quốc" Tần từng bị xem thường?

Đúng là như vậy. Ví dụ, trận Thành Bộc nổi tiếng năm 632 TCN, Tần cũng là một bên tham chiến và thuộc phe chiến thắng.

Tuy nhiên, tại đại hội chư hầu diễn ra một tháng rưỡi sau đó, các nước tham gia ngoài "bá chủ" Tấn Văn Công còn có đồng minh Tề, Tống và cả các nước trung lập lẫn chiến bại là Lỗ, Sái, Trịnh, Vệ, Trần. Riêng Tần không được mời dự hội.

Điều này cũng không đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, vua Tần mặc dù được thiên tử nhà Chu sắc phong là chư hầu, nhưng các nước chư hầu khác không hề coi Tần là 1 nước ngang hàng, cũng không nước nào muốn "ngồi ngang vai" với Tần.

Kết quả, người Tần không đủ tư cách tham gia "đồng minh hội" Trung Quốc, bất chấp vua Tần thời điểm đó là Tần Mục Công.

Mục Công sau này mới được thừa nhận là 1 trong 5 Xuân Thu Ngũ Bá, nhưng thời điểm Tấn Văn Công "xưng bá", các nước "lâu đời, Hoa tộc chính tông" chỉ xem Tần như "anh nhà giàu mới nổi".

Đây rõ ràng là một sự kỳ thị.

Tần Mục Công chỉ được thừa nhận là một trong Xuân Thu ngũ bá sau khi ông qua đời.

Tần Mục Công chỉ được thừa nhận là một trong "Xuân Thu ngũ bá" sau khi ông qua đời.

Tần "phất lên" như thế nào?

May mắn là, đối diện với kỳ thị, Tần không cúi đầu nhận thua mà đã nỗ lực tìm cách trở nên cường thịnh.

Bước đầu tiên để trở nên mạnh mẽ, chính là tìm ra nguồn gốc của sự kỳ thị. Có 2 nguyên nhân cho vấn đề này.

Thứ nhất, văn hóa lạc hậu. Ví dụ, trước khi Thương Ưởng Biến pháp, người Tần vẫn sinh hoạt theo kiểu "tứ đại đồng đường", ông bà, cha mẹ, dâu rể... sống chung dưới một mái nhà.

Đây là tập tục bắt nguồn từ thời kỳ Tần còn là dân tộc du mục, sống trong lều trại, nhưng trong quan niệm "nam nữ thọ thọ bất thân" của Hoa tộc là biểu hiện của sự kém văn minh.

Thứ hai, chính trị hỗn loạn. Kể từ 425 TCN (năm mất của nhà sử học Cổ Hy Lạp Herodotos), nội bộ Tần bất ổn trong hơn 40 năm liền.

Một nhà vua (Hoài Công) bị bức tự sát, một thái tử (Hiến Công) không được kế vị, còn một ông vua khác là Xuất Công và mẹ ruột bị giết chết.

Kết quả, Ngụy Vũ Hầu thừa cơ Tần nội loạn, đoạt lại địa bàn lớn từng bị Tần Mục Công đánh chiếm.

Văn hóa lạc hậu là nguyên nhân khách quan bởi nguồn gốc của chính dân tộc Tần, nhưng chính trị hỗn loạn xuất phát từ sự lạm quyền của hiện tượng quý tộc chuyên chính.

Do đó, tư tưởng cốt lõi của Biến pháp Thương Ưởng chính là "chuyên chế quân chủ" và "trung ương tập quyền".

 

Thương Ưởng (395-338 TCN) là chính khách, nhà cải cách, tư tưởng gia và nhân vật đại biểu của Pháp gia Trung Quốc.

Ông là hậu duệ của vua nước Vệ nên có tên là Vệ Ưởng. Sau nhờ lập công cho nhà Tần nên được phong 15 ấp ở đất Thương, do đó gọi là Thương Ưởng.

Thương Ưởng thông qua hàng loạt cải cách và đưa Tần trở thành quốc gia giàu có, sử gọi là "Thương Ưởng Biến pháp".

Năm 338 TCN, Tần Hiếu Công qua đời, thế tử kế vị trở thành Tần Huệ Văn Vương. Thái phó là công tử Kiền vu khống ông tội mưu phản.

Thương Ưởng bỏ trốn, sau bị bắt giết. Huệ Văn Vương đem xác ông về kinh đô Hàm Dương, dùng xe xé xác thị chúng.

Nội dung cụ thể của Biến pháp từng được Dịch Trung Thiên giới thiệu trong cuốn "Từ Xuân Thu đến Chiến Quốc".

"Phế lĩnh chủ chế": Đưa thần dân vốn thuộc sở hữu của quý tộc quy về trung ương, tức "dân là của vua".

"Phế phong kiến chế": Thái ấp của các quan Khanh đại phu bị phân thành quận huyện, tức đất đai quy về sở hữu của vua.

"Phế thế tập chế": Tất cả quan chức thông qua trung ương phân bổ, quyền lực nằm trong tay vua.

Với sự bãi bỏ chế độ lĩnh chủ, phong kiến, thế tập như trên, cuộc cải cách của Thương Ưởng đã đưa đất đai, người dân và quyền lực thâu tóm về tay quân chủ. Nói cách khác, đây là một cuộc cải tổ tập quyền triệt để.

Quân chủ sau khi tập quyền nắm trong tay thực quyền chỉ huy đất nước. Quân bài mà nhà cầm quyền sử dụng được gọi là "quân công" - tức công trạng trên chiến trường.

Có quân công, nông dân có thể được phong hầu. Không có quân công, quý tộc cũng trở nên tầm thường.

Nhờ chế độ này, người Tần trở nên dũng mãnh trên chiến trường hơn, chỉ chiến đấu vì quân chủ; chỉ giết ngoại địch, không giết người Tần; chỉ chiến đấu vì quan cao lộc hậu, không đánh nhau vì cái lợi nhỏ nhặt.

Vì sao Tần thành công?

Quân công của nước Tần được tính theo số lượng đầu người, giết một kẻ địch có thể được phong thưởng một cấp. Chỉ cần mang đầu kẻ thù về là có quyền yêu cầu phong thưởng, "tiền trao cháo múc".

Tần sau khi thi hành Biến pháp đã trở thành một quốc gia "hổ sói", không còn đối thủ. Sáu nước chư hầu bại trong tay Tần cũng là điều dễ hiểu.

Hiển nhiên, không có Biến pháp của Thương Ưởng thì không có sự trỗi dậy của nhà Tần.

Vấn đề là chế độ quận huyện được Sở, Tấn Tề... thi hành sớm hơn Tần rất nhiều, và biến pháp cũng không chỉ mình Tần thực hiện.

Lý Khôi của Ngụy, Ngô Khởi của Sở đều là những nhà cải cách đi trước Thương Ưởng. Nhưng cuối cùng, vì sao Tần là nước thắng thế?

Có thể, văn hóa là nguyên nhân của điều này. Ảnh hưởng của văn hóa đối với một quốc gia, dân tộc khá lạ thường. Quá ít cũng không được, mà quá nhiều cũng phiền hà.

Nước Việt thời Chiến Quốc từng bị chèn ép cũng vì bản sắc văn hóa quá ít, trong khi Sở, Tống, Lỗ thì ngược lại.

Nho gia của Khổng Tử bắt nguồn từ Lỗ, Mặc gia từ Tống và Đạo gia từ Sở. Trong khi đó, Tần không có gì.

Có không gian "trống" thì sẽ có người tới lấp đầy. Đối với khoảng trống văn hóa của Tần, điều này chính là Pháp gia.

Các nhà Pháp gia không mang bị bó buộc về địa lý hay khu vực. Đơn giản là ông chủ chịu "trả giá cao", bọn họ sẽ không tiếc tài năng "ra mưu, hiến kế", thậm chí bán mạng cho chủ nhân đó.

Các nhà tư tưởng Pháp gia như Lý Khôi làm tướng quốc nước Ngụy, Thân Bất Hại làm tướng quốc nước Hàn, Ngô Khởi sang Sở, Thương Ưởng sang Tần... là những trường hợp điển hình.

Tuy nhiên, Thương Ưởng thành công nhất trong số các nhà cải cách bởi... nước Tần phù hợp với Pháp gia hơn cả.

Nước Tần như một trang giấy trắng, cho phép Thương Ưởng đầy đủ không gian thực thi các cải cách theo tư tưởng Pháp gia của mình.

Nước Tần "như một trang giấy trắng", cho phép Thương Ưởng đầy đủ không gian thực thi các cải cách theo tư tưởng Pháp gia của mình.

Pháp gia trên thực tế chính là chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa lợi dụng. Các nhà Pháp gia chủ trương đối diện với thực tế để quy hoạch tương lai.

Nói ngắn gọn, Đạo gia trọng "thiên đạo", Mặc gia trọng "Đế đạo", Nho gia trọng "Vương đạo", còn Pháp gia đề cao "bá đạo". Như vậy, đường lối "bá đạo" của Pháp gia phù hợp một cách tự nhiên với mục tiêu vươn lên thành cường quốc của Tần.

Bên cạnh đó, Tấn có nền văn hóa tương đối "thô mộc". Đến thời Chiến Quốc, nền nghệ thuật của họ cũng không "nhã hóa" mà "nhuyễn (mềm) hóa" theo văn minh Hoa Hạ, phù hợp với mục tiêu phát triển con người thành công cụ sản xuất và... vũ khí giết người.

Thậm chí, sự thiếu hụt người giỏi của Tần cũng trở thành một ưu thế khi họ có điều kiện "rộng tay" thu nạp nhân tài tứ xứ.

Kết quả của sự trọng dụng khách khanh là đòn giáng mạnh vào giới quý tộc bản địa, gia tăng quyền lực cho quân chủ, có thể gọi là "nhất tiễn song điêu".

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa hội đủ ở Tần, cho phép các nhà Pháp gia thoải mái thi triển tài năng.

Thực chất quân bài chủ chốt của họ không ngoài tư tưởng "quân chủ tối thượng", thủ đoạn gói gọn trong tiêu chí "lương cao lộc hậu, thưởng phạt nghiêm minh".

Có trọng thưởng, tất có dũng sĩ; có áp lực, tất tạo được dân lành. Thương Ưởng và Tần Hiếu Công có đủ điều kiện "bá vương" cũng như thủ đoạn cứng-mềm, nên họ không khó biến Tần quốc thành một nông trường và một doanh trại quân đội.

Chỉ cần quốc vương hạ lệnh, quân đội Tần sẽ không khác mãnh thú tấn công quân địch. Một đội quân ngang ngược không theo luân thường đạo lý như vậy là một thế lực không thể ngăn cản.

"Con cá nhỏ" là Tần quốc cuối cùng đã chuyển mình, thậm chí còn nuốt gọn tất cả "cá lớn" còn lại.

Những gì nước này thực hiện từ sau khi Biến pháp, không phải là "tiếp máu" cho nền văn minh Hoa Hạ, mà là "thay máu" toàn bộ.

Đỉnh cao nhất, chính là cuộc cách mạng của Tần Thủy Hoàng.

Bài viết được đăng tải trên Blog cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả Dịch Trung Thiên.

 
Dịch Trung Thiên
Dịch Trung Thiên (1947-) là cựu giáo sư khoa Trung văn ĐH Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông tham gia hoạt động nghiên cứu văn học, nghệ thuật, thẩm mỹ học, tâm lý học, nhân học, lịch sử... trong nhiều năm liền và có nhiều tác phẩm nổi tiếng, đáng chú ý nhất là các chuyên mục "Nhân vật phong vân đời Hán" và "Dịch Trung Thiên phẩm Tam Quốc" trên đài CCTV năm 2006. Cuốn "Phẩm Tam Quốc" của ông đoạt giải sách lịch sử xuất sắc năm 2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại