"Ảnh hưởng của Bắc Kinh buộc Kim Jong Un thoái lui khỏi Moscow"

Hải Võ |

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ chuyến đi Nga sau khi tính toán kỹ càng "hậu quả" nếu làm mếch lòng Bắc Kinh.

Theo Ria Novosti (Nga), phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov hôm 30/4 thông báo, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không đến Moscow tham dự lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến Thắng 9/5.

"Chủ tịch Kim Jong Un đã quyết định ở lại Bình Nhưỡng. Ông không thể tham dự ngày lễ chiến thắng ở Moscow. Chúng tôi đã nhận được thông báo này từ một kênh ngoại giao." - ông Peskov cho biết.

Cho tới 1 tuần trước khi ông Peskov thông báo lãnh đạo Triều Tiên không tới Nga, nhiều quan chức cấp cao của Nga vẫn khẳng định ông Kim sẽ xuất hiện tại Moscow.

Điều này khiến báo chí không ngừng đồn đoán rằng quyết định của ông Kim Jong Un chỉ mới được đưa ra hồi tuần trước.

Những giả thuyết về lý do Kim Jong Un không tới Nga

Kênh Phượng Hoàng của Hồng Kông đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Hyon Yong-chol trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 4 đã đề nghị mua 4 hệ thống phóng tầm xa S-300 và một số tên lửa.

Tuy nhiên, theo lời một chuyên gia quốc phòng Nga thì Điện Kremlin "không mặn mà với lời đề nghị của Bình Nhưỡng".

Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) thì cho rằng, ông Kim ở lại Bình Nhưỡng vì Nga từ chối đối xử đặc biệt với nhà lãnh đạo Triều Tiên với lý do còn nhiều nguyên thủ nước ngoài khác.

Theo đó, việc "chỉ được đối xử ngang hàng với các nhà lãnh đạo quốc tế khác" chứ không được ngồi ở vị trí trung tâm trong các sự kiện kỷ niệm như khi ở Bình Nhưỡng sẽ làm tổn hại đến "địa vị tuyệt đối" của ông Kim trong mắt người dân Triều Tiên.

Nhà bình luận chính trị
Đinh Đông
Nhà bình luận chính trị độc lập, chuyên gia nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế. Ông Đinh từng là quan sát viên quốc tế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, lọt vào Top 10 blogger nổi tiếng nhất 2010 do Thời báo Hoàn Cầu bình chọn.

Theo nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế người Trung Quốc Đinh Đông, quan hệ chiến lược Nga-Triều có ý nghĩa rất quan trọng đối với Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh nước này bị Mỹ và các đồng minh cô lập, đồng thời vấp phải sự lạnh nhạt từ Trung Quốc.

Theo ông Đinh - "Kim Jong Un đã hết thời kỳ để tang cha là cố lãnh đạo Kim Jong-il và đang rất cần các hoạt động ngoại giao để mở rộng cục diện chính trị, thiết lập hình ảnh quốc tế tốt, đặc biệt là tiến thêm một bước trong quan hệ với Nga.

Vì vậy, ông Kim sẽ không rút lui khỏi sự kiện Moscow - nhiều khả năng đã được song phương xác định từ lâu - chỉ vì chút 'hờn dỗi' về đãi ngộ hay một mối hợp tác bất thành nào đó."

Sức ép nào buộc Kim Jong Un thoái lui?

Theo chuyên gia Đinh Đông, rất nhiều khả năng nguyên nhân thực sự khiến quyết tâm đi Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên bị dao động chính là Bình Nhưỡng chưa đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc tổ chức hội đàm giữa ông Kim và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Đinh bình luận - "Trong nội bộ Triều Tiên, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn được xem là đồng minh thân cận nhất.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn luôn là hậu phương chiến lược và là nước viện trợ nhiều nhất cho Triều Tiên, đồng thời Bắc Kinh có sức ảnh hưởng chính trị rất lớn đối với Bình Nhưỡng.

Nếu Kim Jong Un không thể tiếp xúc với chủ tịch Tập Cận Bình tại Moscow hoặc tiếp xúc nhưng không đi tới kết quả mong muốn thì điều này sẽ ảnh hưởng tới vị thế lãnh đạo và cơ sở cầm quyền của ông Kim."

Nga chưa thể trở thành chỗ dựa cho Triều Tiên như Trung Quốc?

Nga chưa thể trở thành "chỗ dựa" cho Triều Tiên như Trung Quốc?

Theo ông Đinh Đông, các động thái thử nghiệm hạt nhân, phóng thử tên lửa hay thanh trừng ông Jang Song-thaek... của Triều Tiên đã "tổn hại thể diện và lợi ích chiến lược của Trung Quốc".

"Việc Kim Jong Un chọn Moscow làm điểm đến của chuyến công du nước ngoài đầu tiên chỉ càng khiến Bắc Kinh không thoải mái.

Trung Quốc thậm chí có thể nhận định Triều Tiên đã có 'thay đổi căn bản' trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc" - chuyên gia Đinh Đông cho biết.

Trong tình hình như vậy, Kim Jong Un rất khó chấp nhận đánh đổi hậu quả mà chuyến đi Nga đem lại.

Mặt khác, chuyên gia Trung Quốc đánh giá, việc xuất hiện tại một sự kiện "đang rất nhạy cảm" như cuộc duyệt binh tại Moscow ngày 9/5 "không phù hợp với chiến lược cân bằng nước lớn".

"Trong tình trạng vốn đã bị phương Tây cấm vận tập thể, nếu Bình Nhưỡng 'ngoan cố' để lãnh đạo tối cao tới Nga - quốc gia cũng đang bị Mỹ và đồng minh trừng phạt - thì chỉ khiến tình trạng bị cô lập của Triều Tiên trở nên tồi tệ và bế tắc hơn."

Ông Đinh nhận xét, việc ông Kim Jong Un cử "lãnh đạo đại diện" là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam tới Nga là một hành động rất thông minh.

Động thái này của Bình Nhưỡng vừa có thể gìn giữ mối quan hệ tốt với Moscow, vừa bảo lưu được "đường lùi chiến lược" để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sau này. Thậm chí, Triều Tiên còn không đẩy xa khoảng cách với phương Tây, phù hợp với lợi ích chiến lược của họ.

"Suy cho cùng, Nga không phải là quốc gia tốt nhất mà Triều Tiên có thể 'dựa dẫm', càng không thể trở thành 'ngọn núi chống lưng' lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Trong lịch sử, vai trò và ý nghĩa của Trung Quốc đối với Triều Tiên tích cực hơn so với Nga rất nhiều. Còn xét về dài hạn, việc thay đổi cách nhìn của phương Tây đối với Triều Tiên cũng là điều không thể thiếu." - ông Đinh kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại