Chủ tịch Hiệp hội vận tải HN: "Tôi chẳng dại..."

Hoàng Đan |

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, một trong những lý do khiến các điểm vui chơi đông nghẹt người, quá tải dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua chính là do thói đua đòi, đi du lịch theo phong trào.

>>>Những hình ảnh "khủng khiếp" nhất dịp 30/4

Dại mới đi nghỉ dịp lễ?

Trong kỳ nghỉ lễ dài vừa qua, thay vì được nghỉ ngơi đúng nghĩa thì nhiều khu du lịch lại phải chen lấn trong cảnh đông nghẹt người, các dịch vụ đều quá tải, giá cả bị đẩy lên cao ngất ngưởng nhưng cũng không đủ phục vụ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đã khẳng định ngay, cá nhân ông không bao giờ đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ này mà ông chọn ở nhà để nằm nghỉ hay làm việc khác.

 
Ông Bùi Danh Liên
Tôi có quan điểm khác với mọi người, đó là cứ đến những ngày nghỉ thì tôi ở nhà. Tôi chẳng có dại gì mà đi ra đường, đến các khu nghỉ mát đông đúc trong dịp lễ cả. Bởi một năm có 365 năm, trừ mùa đông thì mùa hè dài như vậy thì không thiếu thời điểm đi biển hay lên núi. Tại sao lại cứ phải rủ nhau đi đến các điểm này vào dịp nghỉ lễ có vài ngày, để mà phải chịu cảnh đông đúc, rồi lại kêu lên là như hành xác.

Ông Liên cũng bày tỏ, nhu cầu đi chơi, nghỉ trong dịp nghỉ lễ của người dân là một truyền thống, mang bản sắc văn hóa và phù hợp với quy luật phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

"Chúng ta không nên hoài nghi vào việc người dân tập trung đông vào các khu du lịch, nghỉ mát vào dịp lễ. Bởi đây là nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của người dân và là thời cơ của người làm du lịch.

Nhưng điều quan trọng chính là sự quá tải nghiêm trọng ở các khu vui chơi, giải trí này. Có thể thấy rõ qua các hình ảnh ở bãi biển Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Vũng Tàu hay các vùng cao như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt...

Sự quá tải này chính là do nhu cầu quá lớn, dồn dập trong một số ngày nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ lại không đủ để đáp ứng. Tuy nhiên, ở đó cũng có vấn đề từ chính người đi du lịch, đó là cái thói đi du lịch theo phong trào của không ít gia đình.

Thực tế có những gia đình, tôi biết, dù chẳng phải giàu có gì nhưng cuộc nghỉ ngơi nào cũng thấy đi du lịch theo kiểu nhà người ta đi mình cũng đi.

Rồi các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan nhà nước cũng vậy, cứ tổ chức đi liên tục, năm nào cũng đi và đều nhằm những ngày nghỉ lễ này để đi.

Việc đi như vậy đã vô hình chung góp phần làm đông đúc, quá tải các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, làm cho kỳ nghỉ vốn có mục đích để nâng cao sức khỏe, tinh thần bị hạn chế, mất đi tác dụng", ông Liên nhấn mạnh.

Bãi tắm Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng chật cứng người vào chiều 30/4. Du khách phải chia nhau từng xăng ti mét để tắm. (Ảnh: Đài PT và TH Quảng Ninh)
Bãi tắm Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng chật cứng người vào chiều 30/4. Du khách phải "chia nhau từng xăng ti mét" để tắm. (Ảnh: Đài PT và TH Quảng Ninh)

Đồng quan điểm đó, "ông già ozon" Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng, chúng ta đang có những chuyến đi du lịch theo phong trào nhiều hơn là theo đúng mục đích để nghỉ dưỡng, thoải mái tinh thần để chuẩn bị cho công việc sau đó.

"Nhu cầu đi du lịch là một nhu cầu đúng đắn, cần thiết của mỗi con người, gia đình. Nó cũng thể hiện sự phát triển của kinh tế, xã hội.

Nhưng nhiều gia đình đang biến nhu cầu đó thành phong trào không phù hợp với thực tế hoàn cảnh. Từ đó, dẫn đến cảnh đông nghẹt, quả tải, chen lấn, xô đẩy, chặt chém giá cả...", ông Khải nói.

Ông Khải cũng đưa ra lời khẳng định, với cá nhân ông, ông cũng không dại gì chọn đi du lịch, nghỉ ngơi trong những ngày nghỉ lễ vì quá đông đúc.

 
TS Nguyễn Văn Khải
Một điều cũng phải nói đến, sự quá tải này còn một phần từ chính do chúng ta còn thiếu sự tổ chức hợp lý của các đơn vị chức năng trong việc quy hoạch, đảm bảo du lịch tốt hơn. Trong khi người dân đi du lịch theo phong trào thì những người dân ở các vùng du lịch này cũng đang hành xử theo kiểu lợi dụng, vin vào thời điểm để tự ý nâng giá, chặt chém.

Người Việt quá giàu hay thiếu kỹ năng chi tiêu?

Một thực tế cũng được ông Bùi Danh Liên đặt ra, đó là, trong các kỳ nghỉ, giá cả, phí dịch vụ ở các khu vui chơi, nghỉ dưỡng đều đắt kinh khủng nhưng luôn không đủ để phục vụ du khách.

"Nhiều người đặt ra là phải chăng người Việt Nam ta đã quá giàu nên mới như vậy. Nhưng theo tôi, điều đó chỉ đúng được phần nổi, bề mặt bên ngoài của vấn đề mà thực tế, ở đây, chính là do chúng ta đang thiếu đi kỹ năng sắp xếp, tính toán để chi tiêu hợp lý.

Chúng ta vẫn nghe thấy gọi Tây ba - lô nhưng hiểu rõ thì chưa chắc nhiều người đã rõ ràng. Họ là những người biết tính toán, để có các chuyến đi du lịch vừa thoải mái, vừa rẻ nhưng với người Việt Nam chúng ta thì chưa có được điều này.

Và nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là thói a dua, đi theo phong trào của nhiều người, gia đình...", ông Liên nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại