Những cây xanh bị chặt và nỗi lòng của người dân Hà Nội

Quỳnh Trọc |

Câu chuyện liên quan tới việc Thành phố Hà Nội tiến hành loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố đang trở thành đề tài bàn tán chưa hồi kết của dân mạng.

Những ngày qua, người dân Hà Nội đã bàn, đã nói, đã lên tiếng... rất nhiều về quyết định của UBND thành phố Hà Nội trong việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị.

Theo đó, sẽ có khoảng 6700 cây xanh bị chặt hạ, thay thế trên 190 tuyến phố của Hà Nội. Điều này cũng có thể được xem như một "cuộc cách mạng" hình ảnh cho những tuyến đường thủ đô.

Thế nhưng, quyết định này đã gặp phải rất nhiều phản đối từ phía người dân. Cách đây chưa lâu, ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó TGĐ Đài THVN, Phó Chủ tịch AVG) cũng đã đưa ra một bức thư ngỏ để nêu lên ý kiến cần phải tạm dừng và xem xét lại quyết định này.

Không chỉ vậy, trên mạng xã hội, người dùng cũng không khó để có thể bắt gặp những dòng cảm xúc hay một "bức tâm thư" nêu lên nỗi lòng xót xa cho những gốc cây đã - đang và sắp bị đốn hạ.

Trên trang cá nhân của người dùng Đào Thu Hương - học và nghiên cứu trong chuyên ngành tài nguyên môi trường, đã nêu ra những quan điểm, con số và những lập luận khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.

Chúng tôi xin trích nguyên văn lời chia sẻ của người dùng Đào Thu Hương:

Gửi tất cả những người bạn facebook của tôi!

Nói đến Hà nội, người ta không nhắc đến những tòa nhà cao tầng như Hồng Kông, New York; người ta cũng không nhắc đến những công trình vĩ đại như Paris, Bắc Kinh, mà người ta nhắc đến dáng vẻ cổ xưa, yên bình và lãng mạn.

Những giá trị đó từ đâu mà có?

Nó tích lũy từ những hàng quà quê, những tiếng rao đêm, những trưa hè êm ả, … và cả những hàng cây xanh.

Phát triển là sự tất yếu. Hà nội đã trải qua bao thăng trầm, từ âm mưu phá hoại của kẻ thù đến sự chống chọi trong đấu tranh vệ quốc, từ những nhà máy ngày đêm sáng đèn đỏ lửa đến những phiên chợ đã đi vào dĩ vãng, tất cả đều in dấu ấn vào Hà Nội.

Không có sự phát triển nào không phải đánh đổi, làm thế nào để sự đánh đổi đó là xứng đáng, để những gì phải trả giá không phải quá đắt, để công bằng với những thế hệ đi sau?

Năm 2013, Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6816/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà nội giai đoạn 2014 – 2015.

Cuối năm 2014, hàng loạt cây xanh trên đường Kim Mã, Nguyễn Trãi được cắt bỏ và thay thế. Giới trẻ Hà nội lại một lần nữa sục sôi. Những người đã gắn bó với Hà nội nhiều năm, đã lưu lại nhiều ký ức và kỷ niệm với những con đường và hàng cây này cảm thấy xót xa, như bị cắt bỏ đi một phần yêu thương của mình.

Đầu năm 2015, lại một lần nữa, trang mạng facebook, báo chí và truyền thông lại tập trung vào thông tin Hà nội thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố.

Xét dưới quan điểm khoa học môi trường, hàng cây xanh là một thành phần trong hệ sinh thái đô thị, ngoài ra còn có các yếu tố khác là con người, các sinh vật khác, các thành phần vô sinh ( đất, nước, không khí), các thành phần công nghệ (nhà máy, cơ sở dịch vụ, công trình giao thông…).

Tất cả các yếu tố này đều có quan hệ mật thiết, hữu cơ và phụ thuộc vào nhau. Nếu phân chia theo chức năng của hệ sinh thái thì có thể chia hệ sinh thái đô thị thành 2 phần là phần lõi (khu trung tâm) và phần ven đô (khu ngoại thành).

Về lý thuyết, phần lõi chính là phân quyết định của hệ sinh thái do sự biến động mạnh, mật độ tập trung cao. Phần ven đô là phần đệm, chuẩn bị và dự trữ về năng lượng cũng như vật chất phục vụ cho phần lõi. Nếu các phần này được quy hoạch một cách hài hòa thì hệ sinh thái đô thị sẽ bền vững.

Với lý thuyết đó, khi Hà nội phát triển, thành phần công nghệ của vùng lõi muốn được đẩy mạnh thì đáng lý  phải chuẩn bị tốt cho phần ven đô, làm vùng đệm lưu giữ chất thải, trung hòa ô nhiễm.

Hãy xem ta có gì ở các quận ven đô Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm , Hoàng Mai, Long Biên? Thay vì trồng thêm nhiều cây, thay vì nạo vét sạch sẽ kênh sông, ta có thêm nhiều nhà cao tầng, lấp sông làm cống. Vậy ô nhiễm từ vùng lõi sẽ đi đâu ?

Không có nghi ngờ gì, Hà nội là một hệ sinh thái không bền vững. Biểu hiện là việc ô nhiễm ở tất cả các thành phần môi trường, nước, đất, không khí. Vai trò của cây xanh đối với môi trường đô thị vốn đã được khẳng định.

Với tốc độ phát triển như Hà nội hiện nay, sự biến động mạnh mẽ của thành phần công nghệ thì vai trò của cây xanh càng trở nên quan trọng.

Nếu như Xin-ga-po có diện tích cây xanh đến 30,3 m2/người, Xơ-un là 41 m2/người, thì hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ khoảng 2m2/người (PGS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Báo Nhân dân cuối tuần ngày 7/11/2014).

Đến đây thì ta đã có câu trả lời cho việc nên trồng thêm hay nên chặt bớt cây xanh ở Hà nội ? Một số cây sâu mục, cành rơi là nguy cơ tiềm tàng cho người đi đường, nên chặt bỏ. Nhưng cây cong cây xấu liệu có nên chặt bỏ không khi mà số lượng cây còn chưa đủ đáp ứng ?

Tại Mỹ, việc quản lý cây xanh đô thị được hướng dẫn đến từng người dân (Protecting trees from construction damage: a homeowner's guide, EPA, 1993). Theo hướng dẫn này, mỗi cây xanh được theo dõi và ghi chép như một quyển nhật ký đối với cây.

Tài liệu này cũng hướng dẫn việc chặt cành như thế nào, việc di dời cây ra sao khi cần xây dựng một công trình quá gần đó. Dưới đây là hình ảnh hướng dẫn cắt cành sao cho diện tích cành bé hơn hoặc bằng diện tích chu vi bộ rễ.

Không có một hướng dẫn nào về việc cắt bỏ khi cây còn đang sống. Cây được theo dõi nếu có biểu hiện rất ít lá và nhiều cành khô chết, cây không có lá rụng trong 1 năm thì mới được cắt bỏ.

Quay lại việc chặt bỏ đồng loạt cây xanh ở Hà nội, nó không còn là việc của 1 cái cây bị cắt . Trong khoa học sinh thái, sự biến động của số lượng cá thể trong một quần thể sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của cả quần thể đó.

Việc đồng loạt cắt bỏ một số lượng lớn cây sẽ gây ra sự mất cân bằng tức thời trong hệ sinh thái vốn đã đạt đến sự ổn định ở Hà nội, việc trồng lại cây mới cần có thời gian và không gian sinh thái xung quanh nó.

Ngoài ra, cây xanh cũng là nơi trú ẩn của nhiều loại sinh vật khác, những sinh vật này dù có lợi hay có hại đều đóng những vai trò nhất định trong hệ sinh thái đô thị này. Khi bị mất nơi ở, nguy cơ bùng phát côn trùng và sâu bệnh ở những khu dân cư là khó tránh khỏi.

Vậy ta phải làm gì? Tôi không phải là nhà báo, không phải là nhà cầm quyền, tôi chỉ hy vọng chút kiến thức nhỏ nhoi của mình, thông qua mạng xã hội rộng lớn này, sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến những người có thể đưa ra quyết định.

Ta không chỉ nói và viết, mà ta sẽ làm, việc tiếp theo cần làm gì nữa? Tôi sẽ nghĩ, sẽ trăn trở và có thể, một ngày nào đó, tôi sẽ cần đến sự giúp đỡ của bạn. Cám ơn vì đã đọc và xin hãy chia sẻ bài viết này trên bất cứ chỗ nào bạn ghé qua !

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại