Hoa Tết ế ẩm, trút bỏ hoa lấy chậu mang về

Vân Trường |

Sản lượng hoa Tết tăng cao, trong khi các chủng loại hoa mới, lạ không nhiều nên tình trạng dội chợ tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi khiến nông dân trồng hoa Tết và thương lái thua lỗ nặng.

Nhiều nông dân không tiêu thụ được đành để hoa chết đứng trên ruộng, một số phải trút bỏ hoa tại chợ để lấy chậu về cho vụ hoa Tết năm sau.

Tết buồn làng hoa

Chiều tối 23-2 (mùng 5 Tết), trên một số ruộng hoa tại làng hoa Mỹ Tho (Tiền Giang) vẫn còn vương vãi nhiều giỏ hoa đã héo khô; một số nơi cây hoa nằm ngổn ngang trên đất do nông dân bán không được chở về trút bỏ lấy chậu vào chiều 30 tháng Chạp.

Ông Trương Vĩnh Phát (xã Mỹ Phong) buồn bã nói: “Bán ế nên tui phải chở về trút bỏ 300 giỏ hoa cúc.

Tính sơ sơ vụ hoa này tui lỗ hơn 30 triệu đồng”. Trước Tết, ông Phát trồng 6.000 giỏ hoa cúc Hà Lan, cúc vàng hòe.

Do không có chỗ bán nên ông đem hoa lên bán ở dọc đường tránh quốc lộ 50, tuy nhiên do ít người mua nên phải bán đổ bán tháo.

Đến chiều 30 tháng Chạp vẫn không bán hết phải chở về nhà bỏ cây, lấy lại chậu nhựa năm sau sử dụng lại.

Tương tự, ông Nguyễn Thời Nhiệm đăng ký bán hoa tại chợ hoa Lạc Hồng, TP Mỹ Tho nhưng bắt thăm nhầm chỗ trong kẹt nên không bán được, đành phải chở hoa ngược ra quốc lộ 50 bán nhưng cũng chịu chung cảnh ế ẩm, thua lỗ như những người khác.

Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo đang cố gắng lựa những giỏ hoa cúc còn đẹp để cắt bán nhánh. Ruộng hoa của chị còn 800 giỏ bị ế không bán được.

Ngay bên cạnh là ruộng hoa cúc của chị Võ Kim Anh đang héo khô có tới 1.500 giỏ, một số đã được gom lại thành đống, số chết khô ngay tại chỗ được trồng hồi trước Tết.

“Kỳ này lỗ trắng tay. Trung bình chi phí đầu tư mỗi giỏ hoa khoảng 20.000 đồng. Ế giỏ nào xót ruột giỏ nấy” - chị Kim Anh thở dài.

Theo ông Trương Văn Nhung - tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong, có 175 xã viên tổ hợp tác trồng khoảng 600.000 giỏ hoa phục vụ thị trường Tết Ất Mùi 2015, tăng khoảng 20.000 giỏ so với năm trước.

Đa số nông dân trồng cúc mâm xôi, cúc vàng hòe, cúc Hà Lan, vạn thọ, cát tường... Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% hộ có lãi chút đỉnh, còn lại chỉ huề vốn hoặc thua lỗ.

Nguyên nhân chính là do không có chỗ bán ổn định, chất lượng hoa những ngày cuối không cao nên khó bán hoặc phải bán giá rẻ.

Hơn nữa, chỉ 81 hộ của tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong đăng ký bốc thăm thuê lô bán tại chợ hoa xuân Mỹ Tho, trong đó khoảng 50% có được vị trí tương đối tốt để bán hoa.

Hơn 70 hộ còn lại phải chở hoa đi bán khắp nơi, thậm chí về các chợ ở nông thôn.

“Thời tiết ngày 28-30 tháng Chạp đột nhiên gió mạnh, nắng gay gắt khiến nhiều loại hoa bị bạc màu nhanh, chất lượng giảm nên phải đại hạ giá.

Ngày cuối cùng nhiều người bán cúc chỉ có 10.000 đồng/cặp nhưng cũng không tiêu thụ được, đành phải chở về hoặc trút bỏ tại chợ để lấy giỏ năm sau trồng tiếp bởi vì giỏ nhựa tới 3.000 đồng/cái chứ đâu có ít” - ông Nhung nói.

Thay đổi mới tồn tại

Ông Phạm Phước Lợi, giám đốc HTX hoa kiểng Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết vụ hoa Tết năm nay ở làng hoa Sa Đéc cũng kém vui.

HTX của ông có 65 hộ trồng hoa Tết, trong đó có một số người thua lỗ nặng.

“Ngay như tôi nhập về 150 giỏ lan cao cấp nhưng chỉ bán được 120 giỏ. Càng gần sát Tết hầu hết các loại hoa đều giảm giá mà lại tiêu thụ chậm” - ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, cách sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng hiện nay không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường nữa.

Đáng lo là hầu như tỉnh nào cũng trồng hoa với các chủng loại giống nhau nên tình trạng dội chợ không thể tránh khỏi.

Nông dân Sa Đéc trồng hoa và đa số phải chở đi các tỉnh bán, nhưng đến đó hoa cũng tràn ngập nên phải bán giá rẻ và bị lỗ tiền vận chuyển.

Đặc biệt, khoảng cách giữa cung và cầu đã quá xa, trong khi nông dân tự mò mẫm trồng các loại hoa mà theo họ có thể bán được thì nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng lại khác.

“Hoa truyền thống sẽ rất khó tiêu thụ nếu không đẹp, chất lượng không nổi trội. Giờ là thời của hoa đẹp, lạ, thơm, giá rẻ.

Năm sau chắc chắn tôi và xã viên hợp tác xã sẽ thay đổi cách sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng theo nhu cầu của người tiêu dùng” - ông Lợi nói.

Bằng chứng là trong vụ hoa vừa rồi chỉ có những người trồng các giống hoa mới, lạ, đẹp, giá rẻ mới có lãi.

Những hộ trồng cúc, vạn thọ... phải bán rất khó khăn. Những ngày đầu giá hoa còn ở mức cao, nhưng càng về sau thì giá càng giảm và tiêu thụ càng yếu.

Ông Trần Văn Tiếp - ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc là một trong số ít người trồng hoa lạ, đẹp từ nhiều năm nay - cũng cho biết đã trồng hoa cúc zinnia theo đơn đặt hàng của một số đường hoa ở các tỉnh.

Tuy nhiên vào giờ chót có hai nơi “bẻ kèo”, không mua do kinh phí bị cắt. Thế là ông đã chở hoa đi Cà Mau, Kiên Giang để bán.

Nhờ bán hoa lạ, đẹp nên ông cũng bán được hết nhưng lời ít do chi phí vận chuyển quá lớn.

“Nhu cầu của người dân hiện nay là chơi hoa đẹp, lạ, giá rẻ. Nếu tôi chở cúc hay vạn thọ đi các tỉnh bán có lẽ phải đổ bỏ rồi” - ông Tiếp nói.

Nhu cầu thị trường thay đổi nhanh

Theo ông Trương Văn Nhung, tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa Mỹ Phong (Tiền Giang), một nguyên nhân khiến hoa bị dội chợ là nhu cầu của người tiêu dùng tại thị trường TP.HCM thay đổi quá nhanh.

Nếu như Tết năm trước người dân ở Q.8, TP.HCM thích hoa mồng gà và vạn thọ Sa Đéc thì năm nay lại thích hoa cúc.

Những hộ bán hoa mồng gà, vạn thọ rất khó khăn và đều thua lỗ. Cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ Pháp... bông đẹp, nở đúng Tết vẫn bán được giá cao.

Tuy nhiên, nếu hoa nở sớm hoặc chậm một chút thì không ai mua, phải bán giá rẻ, thậm chí đổ bỏ.

“Năm rồi tui trồng hoa cát tường đủ màu nhưng thương lái ở TP.HCM chê hoa màu tím không mua. Năm nay tui trồng theo nhu cầu của thương lái thì họ chỉ mua hoa màu tím, còn các màu khác họ bỏ lại.

Người trồng hoa chúng tôi không hiểu nổi nhu cầu của thị trường nên mỗi vụ hoa Tết bị căng thẳng từ lúc trồng cho đến khi bán xong” - ông Nhung nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại