Sếp Citimart giận dữ tột cùng buộc tội Parkson Landmark

Hồng Anh |

Citimart Keangnam là đơn vị chịu thiệt hại nhiều nhất trong việc TTTM này đột ngột đóng cửa.

Trong chớp mắt bị đẩy ra đường

Trong số các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh bị Parkson Landmark yêu cầu dọn khỏi trung tâm thương mại (TTTM) này “ngay lập tức” trong ngày 1/1 vừa qua, Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng đang là nạn nhân lớn nhất.

Hệ thống siêu thị Citimart của doanh nghiệp này bao gồm 28 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Riêng miền Bắc có 5 điểm siêu thị, trong số đó Citimart Parkson Keangnam là siêu thị lớn nhất, đi vào hoạt động từ tháng 12/2012 và đem lại doanh thu ổn định.

Toàn bộ diện tích mặt bằng của Citimart Keangnam lên tới 1.200m2. Tổng tiền hàng hiện có khoảng 10 tỷ đồng, chi phí đầu tư trang thiết bị 10 tỷ đồng, số nhân viên lên tới 100 người.

Trong hai ngày xảy ra sự việc, Citimart dù đã huy động hơn 100 nhân sự làm việc xuyên đêm, siêu thị này cũng chỉ có thể mang đi được một phần nhỏ của số hàng hóa đang bày bán tại đây.

Citimart Keangnam trước khi bị đóng cửa

Citimart Keangnam trước khi bị đóng cửa

...Và cảnh lộn xộn trong ngày đầu tiên bị buộc dời đi

...Và cảnh lộn xộn trong ngày đầu tiên bị buộc dời đi

Bà Hà Vị Thủy, Phó GĐ Citimart chi nhánh Hà Nội cho hay, đã nhiều ngày nay không ăn trọn một bữa cơm ngon miệng vì nhiều việc phải làm.

“Trưa ngày 1/1, khi nghe phong thanh tin tức về việc đóng cửa, tôi đã gặp trực tiếp một số đại diện Parkson để hỏi tình hình ra sao.

Họ vẫn cho biết, ngày mai các nhân viên cứ đi làm bình thường, đợi xem cấp trên của họ có chỉ thị gì không rồi tính.

Thế nhưng đột ngột 4h chiều, Parkson bỗng dưng yêu cầu chuyển hàng ngay lập tức, không ai trong chúng tôi trở tay kịp.

Tôi hỏi vị phụ trách người Hàn Quốc vẫn làm việc với chúng tôi, ông ta cũng chỉ nói được xin lỗi, xin lỗi, vui lòng dọn hàng đi lập tức. Thế thôi không có một thông tin gì”.

"Parkson yêu cầu chúng tôi dọn từ 16h chiều ngày 2/1 thì 18h Keangnam cho bảo vệ đóng hết cửa chặn lại không cho mang hàng đi.

Họ giải thích rằng hai bên bọn họ đang có tranh chấp dân sự chưa giải quyết được nên không dám cho ai mang tài sản ra ngoài.

Chúng tôi bị nhốt bên trong không ra được, phải mời bên công an phường sở tại đến, khi lực lượng công an yêu cầu họ để cho chúng tôi được mang hàng của mình đi, bảo vệ mới mở cửa cho ra."

Anh Nguyễn Văn Đính

Cửa hàng trưởng phụ trách Siêu thị Citimart Parkson Keangnam

Theo lời bà Thủy, vì số hàng hóa quá lớn nên Citimart đã không thể dọn đi ngay như những đơn vị kinh doanh khác ở đó.

Đến nay, siêu thị này chỉ mới di chuyển được khoảng 40% hàng hóa bao gồm rau xanh, thực phẩm, hàng trưng bày tủ mát, bia rượu nước giải khát ra khỏi TTTM này.

60% số hàng còn lại bao gồm hàng nghìn mặt hàng gia dụng quần áo, mỹ phẩm, bàn ghế... vẫn đang phải để lại Keangnam, đóng gói dần vào thùng chờ tìm được kho chứa mới mang đi được.

“Họ bức hiếp người quá đáng. Thiệt hại đến lúc này chúng tôi vẫn chưa thể thống kê được. Trước đây khi phải dọn khỏi Pico Mall, chúng tôi đã tốn kém hàng tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Mỗi lần dỡ đi dỡ lại là móp méo, đổ vỡ hàng hóa, hư hỏng trang thiết bị không biết bao nhiêu mà kể.

Hàng chục mặt hàng tươi sống được nhập về không kịp tiêu thụ phải đổ bỏ đi.

Những sản phẩm đồ gia dụng chúng tôi còn có thể đàm phán trả lại hàng cho nhà sản xuất, nhưng những sản phẩm thuộc đồ khô, mỹ phẩm thì đã mua đứt bán đoạn ngay từ đầu, bây giờ chỉ có thuê kho cất dành rồi bán từ từ.

Chứ dù có chia sẻ sang những siêu thị khác trong hệ thống cũng không thể giải quyết được vì chúng tôi đã tính toán vừa vặn sức tiêu thụ mỗi nơi. Ế đọng vốn không biết bao nhiêu mà kể.

Ngoài ra, số nhân sự ở đây hơn 100 người cũng chưa biết phải bố trí sắp xếp như thế nào, khi mà 3 siêu thị còn lại thuộc chi nhánh Hà Nội đều cũng đã đủ quân số phù hợp!”

Không chỗ bấu víu

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa ( TGĐ hệ thống siêu thị Citimart) cho hay: Ban lãnh đạo công ty tại trụ sở chính T.p HCM cũng hoàn toàn rơi vào thế bị động chưa biết phải xử lý thế nào.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa được biết đến với vai trò là chủ nhân của hệ thống siêu thị Citimart, em gái ông Jonnathan Hạnh Nguyễn

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa được biết đến với vai trò là chủ nhân của hệ thống siêu thị Citimart, em gái ông Johnathan Hạnh Nguyễn

“Chúng tôi đang như ngồi trên đống lửa vì lo lắng và bức xúc. Cách hành xử của họ không thể chấp nhận được.

Họ đặt luật pháp ra khỏi mắt, đặt chúng tôi ra khỏi mắt. Những người kinh doanh nhỏ lẻ họ cũng phải giữ uy tín, phải có lý có tình chứ đừng nói họ đều là những tên tuổi lớn.

Giả sử là hai bên không tiếp tục làm việc với nhau được nữa, họ cũng phải báo trước ít nhất một vài tháng chứ lí do gì mà hất người ta ra đường trong chốc lát như vậy!"

Bà Hoa cũng cho biết thêm, đích thân bà đã nhiều lần cố gắng liên lạc với những lãnh đạo ở cấp cao nhất của cả Parkson lẫn Keangnam để tìm hiểu vụ việc nhưng đều không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

"TGĐ Keangnam thì bảo ông ấy không có thẩm quyền để giải thích, còn lãnh đạo Parkson thậm chí không thèm bắt máy.

Trong khi hợp đồng thuê mặt bằng vẫn còn hiệu lực đến tháng 6/2016. Chưa kể, riêng tại Citimart Keangnam, nhân viên thu ngân là người của Parkson.

Họ giữ tiền của chúng tôi, mọi chi phí thuê mặt bằng cũng như điện nước... đều được khấu hao theo từng tháng không sót tháng nào. Thế thì vì sao chúng tôi bị đuổi ra đường khi chúng tôi không vi phạm gì, không gây sự gì với họ?

Một cái siêu thị rộng 1.200m2 chứ đâu phải một cái quầy hàng hay một cái ki-ốt vài mét vuông hay vài chục mét vuông, để mà bỏ vô một cái thùng gom lại bưng về nhà. Vậy mà người ta hô một câu: “hai ngày dọn ra hết đi”- đơn giản vậy thôi à?

Tết nhất đến nơi rồi, hàng hóa lỡ nhập giờ bán ra sao? Nhân viên thừa ra chúng tôi sắp xếp việc thế nào?

Đây là một sự hành xử vô đạo đức, bất chấp luật pháp, không có tình người.

Một doanh nghiệp Malaysia, một doanh nghiệp Hàn Quốc, cả hai kinh doanh ở Việt Nam mà không coi doanh nghiệp Việt Nam ra gì!” – bà Hoa không giữ được bình tĩnh khi chia sẻ.

Citimart là hệ thống mua sắm tự chọn đầu tiên tại Việt Nam chuyên phân phối các mặt hàng nhập khẩu độc quyền kết hợp kinh doanh đa ngành.

Trước khi Citimart bước chân vào Parkson, quyền kinh doanh siêu thị trong hệ thống các TTTM này thuộc về chủ chuỗi siêu thị Family Mart của Malaysia.

Công ty Đông Hưng mở siêu thị Citimart kinh doanh tại Parkson từ việc mua quyền kinh doanh địa điểm với Family trong một thời gian dài.

Hiện hệ thống của bà Hoa đã nhân rộng lên 28 siêu thị thành viên với doanh thu 1.200 tỷ đồng/năm.

Từ ngày 8/11/2014, với việc hợp tác với AEON - một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản, với tên tuổi có uy tín trên thế giới, Citimart trở thành AEON Citimart.

Theo kế hoạch, đến năm 2017, hệ thống sẽ có 100 siêu thị Citimart và đạt tới con số 500 siêu thị trên toàn quốc vào năm 2025.

*Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại