Xe buýt chống “dê xồm”

Thùy Dương - Như Phú - Thu Hồng |

Trong khi đề xuất thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ tại Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi thì tuyến xe buýt mang phong cách Nhật Bản ở Bình Dương lại giải quyết phần nào nỗi lo của chị em.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang phối hợp với Công ty Vận tải Hà Nội tiến hành các công việc cần thiết để triển khai xe buýt dành cho phụ nữ từ ngày 5-1-2015.

Đề xuất lùi thời hạn thí điểm xe buýt cho nữ

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội, cho biết UBND TP Hà Nội đã giao đơn vị này chủ trì thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ.

Tuyến buýt này sẽ được bố trí trên 3 trục chính, gồm: trục số 1 đi về phía Nam của TP (trục đường Giải Phóng), trục số 2 hướng về Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân), trục số 3 hướng Quốc lộ 32 (Cầu Giấy - Xuân Thủy).

Tuy nhiên, ông Hải nhận định theo khảo sát cho thấy việc quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là vấn đề nổi cộm ở TP Hà Nội, nếu không muốn nói là không có!

Do đó, trung tâm đang đề xuất lùi thời hạn triển khai chạy tuyến buýt này để nghiên cứu, đánh giá tiếp.

Có camera thì an tâm hơn

Trong khi Hà Nội đang tìm mô hình xe buýt phù hợp để phòng ngừa việc quấy rối tình dục thì tỉnh Bình Dương đã khai trương hệ thống xe buýt mang phong cách Nhật Bản có gắn camera giám sát hành khách.

Tuyến xe buýt này do một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản đầu tư, vận hành, chuyên chạy tuyến giữa TP Thủ Dầu Một và trung tâm hành chính tỉnh.

Hệ thống xe buýt trên khá tiện nghi, sạch sẽ; camera đặt trong xe có thể giám sát phần lớn hành khách, qua đó hạn chế những ý đồ xấu như trộm cắp, quấy rối tình dục.

Một nữ sinh Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, từng đi lại trên những tuyến xe có gắn camera, tâm sự: “Có camera, mấy ông “dê xồm” chắc không dám làm bậy đâu!

Nói thiệt, chỉ có đi xe buýt này em mới dám mặc váy. Tháng trước, khi đi xe buýt trên Sài Gòn, em bị một ông áp sát. Em sợ chết khiếp đến giờ”.

Một cán bộ thuộc Sở GTVT tỉnh Bình Dương đánh giá việc gắn camera trên xe buýt là giải pháp cần thiết nhưng chưa đủ sức bài trừ nạn quấy rối tình dục.

“Đối tượng quấy rối thường làm rất kín, những người xung quanh còn không phát hiện thì camera khó lòng ghi được. Tuy nhiên có camera thì kẻ quấy rối e sợ hơn” - vị cán bộ này nói.

Phụ nữ cần lên tiếng!

Ông Mai Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT tỉnh Bình Dương, khẳng định bất cứ hành khách nào đi xe buýt ở Bình Dương bị quấy rối tình dục đều có thể phản ánh vào đường dây nóng (0650.224 0577) để trung tâm can thiệp, trợ giúp.

Số điện thoại này được niêm yết trên rất nhiều xe buýt nhưng đến nay, trung tâm vẫn chưa nhận được bất cứ cuộc gọi tố cáo quấy rối tình dục từ nữ hành khách nào.

Tương tự, tại TP HCM, HTX Quyết Thắng - đơn vị có nhiều tuyến xe buýt chạy đến Làng ĐH Thủ Đức và Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn - cũng cho biết chưa nhận được phản ánh của hành khách về tình trạng quấy rối tình dục.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT (Bộ GTVT) - cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là cần có cái nhìn tổng thể về quy hoạch giao thông.

Trong đó, cấp thiết phải xây dựng nhanh chóng hệ thống đường sắt đô thị để phân tán, giảm tải hành khách.

Khi đó, chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn và hành khách cũng bớt bức xúc.

Ngoài ra, cần nghiên cứu cải tiến hệ thống xe buýt rộng hơn, phục vụ đúng giờ, tiện nghi hơn, lắp camera, micro để kịp thời nhắc nhở trên các tuyến.

“Việc dựa trên thông tin từ một số tổ chức hay theo một vài khảo sát quy mô không lớn mà nhanh chóng đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến xe buýt cho nữ là vội vã, thiếu cẩn trọng” - TS Thủy nhận định.

Trong khi đó, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thùy, cho rằng tăng chuyến sẽ dẫn đến mật độ giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao. Do vậy, triển khai ý tưởng này khó khả thi.

Theo bà, nhiều giải pháp đồng bộ giúp phòng ngừa tình trạng này hiệu quả hơn, như tuyên truyền, vận động phụ nữ lên tiếng tố cáo các hành vi sàm sỡ để pháp luật xử lý; siết chặt chế tài của pháp luật về xử phạt các đối tượng có hành vi không đúng mực trên phương tiện giao thông công cộng để tăng khả năng răn đe.

Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - ở các nước, nạn quấy rối tình dục không chỉ diễn ra trên xe buýt mà trên các phương tiện công cộng khác và cả những nơi công cộng.

Kinh nghiệm ứng phó của phụ nữ các nước là phản ứng ngay, không chấp nhận hành vi quấy rối đó.

Tại Việt Nam, do phong tục tập quán và tâm lý e ngại nên hầu như các trường hợp bị quấy rối đều quay mặt bỏ đi hoặc im lặng, không dám phản ứng lại. Điều này vô tình tạo cơ hội cho kẻ quấy rối.

“Chúng ta nên cùng nhau đẩy lùi hành vi quấy rối này.

Cụ thể, các đơn vị kinh doanh xe buýt nên dán panô, khẩu hiệu thể hiện rõ quan điểm “tẩy chay” những hành vi sàm sỡ, quấy rối phụ nữ trên xe buýt. Qua đó, chuyển tải thông điệp mọi người cùng nhau lên án hành vi này.

Riêng những phụ nữ bị quấy rối, cần mạnh dạn phản ứng lại hành vi sai trái.

Trong trường hợp những kẻ cố tình sàm sỡ để móc túi hành khách, đơn vị xe buýt cũng cần kết hợp cơ quan công an theo dõi, bắt giữ để làm gương” - ông Sanh nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại