Tổng thanh tra Chính phủ nói gì về việc thu hồi nhà của ông Truyền?

Hoàng Đan |

“Chúng tôi không nói được gì khác hơn vì Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã nói ông Truyền vi phạm về tài sản và một số chế độ, chính sách của Nhà nước”.

Trao đổi bên lề buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng được tổ chức vào sáng  ngày 26/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý.

"Sau khi Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo và Uỷ Ban kiểm tra Trung ương có kết luận thì việc thu hồi tài sản đối với ông Truyền đã được các cơ quan chức năng tiến hành một cách kịp thời. 

Tôi tin tưởng sự việc sẽ được thực hiện tốt, có kết quả tốt trong thời gian sắp tới”, ông Huỳnh Phong Tranh nói.

Về câu hỏi sau khi thu hồi tài sản thì các bước xử lí tiếp theo đối với một cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý như thế nào? Ông Tranh nói: "Việc xử lí sẽ do Tỉnh ủy Bến Tre và Uỷ Ban kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và xử lí theo quy định của Đảng và Nhà nước".

“Với vai trò là cơ quan cũ của  nguyên Tổng thanh  tra  Trần Văn Truyền, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi việc này, sau đó thông tin kịp thời cho báo chí”, lời ông Tranh.

Căn biệt thự ở xã Sơn Đông (TP Bến Tre) do ông Trần Hoàng Anh xin giấy phép xây dựng và đứng tên. Ảnh: T.PHÚC

Căn biệt thự ở xã Sơn Đông (TP Bến Tre) do ông Trần Hoàng Anh xin giấy phép xây dựng và đứng tên. Ảnh: T.PHÚC

Ông Huỳnh Phong Tranh cũng nhắc lại theo kết luận của Uỷ ban kiểm tra Trung ương : “Chúng tôi không nói được gì khác hơn vì Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã nói ông Truyền vi phạm về tài sản và một số chế độ, chính sách của Nhà nước”.

Về chủ đề của đối thoại là thu hồi tài sản tham nhũng, ông Tranh đánh giá  thời gian qua, việc này đã được quan tâm trong quá trình phát hiện và xử lý tham nhũng.

Tuy nhiên tiến triển chưa tốt, năm 2013 chỉ đạt trên 10%,  2014 trên 22%. Đó là một sự tiến bộ rõ nét, nhưng theo yêu cầu thực tế, tỉ lệ này còn thấp.

Nguyên nhân, theo ông Tranh bao gồm: Thứ nhất, một số vụ án kéo dài thời gian nên tài sản bị tẩu tán. Thứ hai, khâu giám định mất thời gian, tài sản bị hư hao, mất mát. Thứ ba, chế tài chưa mạnh nên việc thu hồi tài sản chưa hiệu quả.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng  và thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều khó khăn, thách thức do điều kiện trong nước và tính phức tạp của hai vấn đề này.

Đặc biệt là công tác thu hồi tài sản tham nhũng rất phức tạp từ góc độ pháp luật trong nước và quốc tế. 

Một trong những khó khăn được đánh giá là nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản.

Nguyên nhân do các đối tượng phạm tội đã chuyển hóa tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau như chuyển quyền sở hữu cho người thân, thông qua hoạt động rửa tiền, mua sắm các tài sản, phương tiện có giá trị... thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài.

Theo số liệu của viện KSND tối cao, từ 1-10-2010 đến 30-4-2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định trên 17.000 tỉ đồng. Tổng giá trị thu hồi được gần 5.000 tỉ đồng (đạt khoảng 29,4%).

Năm 2014, cơ quan điều tra các cấp đã thu lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng (đạt 22,3%).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại