Soi khối tài sản khổng lồ tại VN của tỷ phú muốn mua cổ phần Sabeco

Ly Ly |

Ở Việt Nam, tỷ phú Thái Lan - người ngỏ ý mua cổ phần Sabeco với giá 2 tỷ USD, hiện đang nắm trong tay một gia sản khổng lồ từ lĩnh vực thực phẩm, đồ uống tới bất động sản với các tên tuổi nổi tiếng như Vinamilk, Metro, Melia,...

Những ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin về việc hãng đồ uống Thai Beverage (ThaiBev), công ty của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đang có ý định mua cổ phần trong Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá 2 tỷ USD.

Mặc dù cái bắt tay giữa Thaibev và Sabeco chưa có kết quả cuối cùng, nhưng với tiềm lực hãng bia số 1 tại Thái Lan của Thaibev và nhu cầu chọn lựa một đối tác vừa có tiềm lực lại có kinh nghiệm của bia Sài Gòn thì rất có thể đề nghị của Thaibev sẽ sớm nhận được cái gật đầu của Sabeco.

Với thương vụ đình đám này, tên tuổi của vị tỷ phú Thái một lần nữa lại được giới kinh doanh và dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo số liệu của tạp chí Forbes, tính đến cuối tháng 6 năm nay, ông Charoen sở hữu giá trị tài sản ròng 11,3 tỷ USD. Vị tỷ phú này sở hữu 3 công ty lớn là ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker (BJC) hoạt động đa ngành và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản.

Gia sản khổng lồ của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam.
Gia sản khổng lồ của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, dấu ấn của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan này khá rõ ràng khi ông nắm trong tay một gia sản khổng lồ.

Trong đó, ThaiBev vào năm 2008 đã mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi với mục đích tấn công vào thị trường đồ uống không cồn và đặc biệt là thị trường sữa tại Việt Nam.

Còn BJC đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Quý I/2013, doanh thu của BJC tại Việt Nam là 33,4 triệu USD (khoảng 735 tỷ đồng).

Đầu năm 2013, BJC đã có nhiều động thái đáng chú ý tại Việt Nam khi tiến hành nhiều thương vụ M&A, trong đó có việc bỏ ra 4,5 triệu USD (hơn 90 tỷ đồng) mua lại 75% cổ phần của hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 32 triệu USD (hơn 670 tỷ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Ngoài ra, tên tuổi của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tại Việt Nam còn được nhắc đến nhiều trong các thương vụ thâu tóm đình đám sau:

B’s mart

Tháng 6/2013, tỷ phú Charoen đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam và đổi tên thành B’s mart (B là ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC). Việc mua lại này được tiến hành thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan).

Tỷ phú Charoen đã mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam và đổi tên thành B’s mart.

Tỷ phú Charoen đã mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam và đổi tên thành B’s mart.

Tờ VOV dẫn lời từ tờ Bangkok Post cho hay, việc thôn tính Family Mart tại Việt Nam thuộc chiến lược mở rộng đầu tư tại khu vực Đông Nam Á của BJC.

Theo báo cáo tài chính quý I của BJC, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 15,2% toàn tập đoàn. BJC đang có kế hoạch nâng phần doanh thu từ các thị trường nước ngoài lên mức hơn 50% trong vòng 5 năm bằng các thương vụ mua bán sáp nhập.

Metro Việt Nam

Tháng 8/2014, tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen này tiếp tục bỏ ra gần 900 triệu USD thâu tóm Metro Việt Nam từ tay người Đức để thâm nhập vào thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam.

Theo công bố của Metro Việt Nam, trong năm tài khóa 2012 - 2013, doanh thu của công ty đạt 516 triệu Euro (652 triệu USD), một con số không nhỏ cho 19 điểm bán. Thế nhưng, như vậy không có nghĩa là hoạt động của Metro Việt Nam có lời. Trong 12 năm qua, Metro liên tục báo lỗ, ngoại trừ năm 2010, doanh nghiệp này công khai khoản lãi 116 tỷ đồng.

Tỷ phú Charoen thâu tóm Metro Việt Nam với giá 900 triệu USD.

Tỷ phú Charoen thâu tóm Metro Việt Nam với giá 900 triệu USD.

Có thể nói, với thương vụ này, thương hiệu Metro coi như đã đặt dấu chấm hết tại Việt Nam. Ngược lại, với BJC, đây là bước ngoặt lớn để tập đoàn này thâm nhập mạnh hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Với việc thâu tóm thành công Metro Việt Nam, BJC đã hoàn thiện hệ thống của mình với "mảnh ghép" bán buôn có tổng diện tích lên tới 110.000 mét vuông. Và với thương vụ này, BJC có mặt tại Việt Nam với đủ 4 mảng chính, bao gồm sản xuất, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

Vinamilk

Ngày 21/8/2014, theo thông tin đăng tải trên PLO, F&N Dairy Investments Pte Ltd (F&N) - công ty con của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua 15 triệu cổ phiếu của Vinamilk (VNM) với giá gần 100 triệu USD.

F&N sở hữu những khoản đầu tư mang về lợi nhuận khổng lồ, trong đó có cả khoản đầu tư vào Vinamilk tại Việt Nam.

F&N sở hữu những khoản đầu tư mang về lợi nhuận khổng lồ, trong đó có cả khoản đầu tư vào Vinamilk tại Việt Nam.

Sau giao dịch trên, F&N đã sở hữu hơn 110 triệu cổ phiếu Vinamilk, tương đương 11,04% cổ phần. Số cổ phiếu này hiện có giá trị thị trường đạt gần 12.500 tỷ đồng, tương đương 591 triệu USD, đưa F&N trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

F&N cũng trở thành cổ đông lớn thứ hai của VNM sau Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 450.88 triệu cổ phiếu tương ứng 45,08% vốn điều lệ.

Khách sạn Melia

Lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, địa ốc cao cấp cũng là thế mạnh của tỷ phú Chareon. Tập đoàn của tỷ phú Charoen thông qua công ty con của mình là TTC Land sở hữu 65% khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế là Melia Hà Nội.

Ba năm gần đây, khách sạn này đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.

Tỷ phú Thái đang sở hữu 65% cổ phần khách sạn Melia.

Thông qua công ty con của mình, tỷ phú Thái đang sở hữu 65% cổ phần khách sạn Melia.

TTC hiện quản lý nhiều khách sạn, văn phòng cũng như các bất động sản khác ở khắp châu Á, Australia, 1 khách sạn ở châu Âu và 1 khách sạn tại Mỹ.

Điều đặc biệt, không chỉ sở hữu hai tòa tháp khách sạn Melia lớn nhất nhì tại Hà Nội, tỷ phú Thái còn sở hữu hai khách sạn khác tại Hà Nội là (Fraser Suites) và cao ốc văn phòng tại TP.HCM (Melinh Point Tower).

Như vậy, việc 4 “chân rết” của tỷ phú Thái cắm sâu vào thị trường Việt Nam cho thấy: Việt Nam đang là sự lựa chọn lý tưởng không chỉ của các ông trùm tư bản Âu - Mỹ hay Đông Bắc Á mà còn ở cả các nước đang phát triển như Thái Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại