Chủ tịch Geleximco giàu cỡ nào?

Ngọc Anh |

Chủ tịch Geleximco - ông Vũ Văn Tiền có biệt danh là đại gia Tiền "còi" là một doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng và bất động sản.

Sở hữu hàng chục nghìn tỷ đồng

Ông Vũ Văn Tiền có biệt danh là đại gia Tiền "còi" là một doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngân hàng và bất động sản. Hiện, ông Tiền là “sếp” của nhiều công ty “khủng”: Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank), Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), Chủ tịch HĐQT CTCP An Hòa, Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC Group).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả, sau mình là 5 người em, ông Vũ Văn Tiền từng chỉ mong muốn sẽ làm việc để gia đình đủ ăn, đủ tiêu. Thời đó gánh nặng cuộc sống rất khó khăn, bởi vậy những ngày tháng dùi mài tại Học viện kỹ thuật quân sự, rồi tiếp tục ở Đại học Kinh tế quốc dân đòi hỏi nghị lực lớn của ông Vũ Văn Tiền.

Với tư duy kinh tế nhạy bén, một cái nhìn mới về cuộc đời và ước mơ lập nghiệp, sau gần chục năm đầu quân cho Tổng công ty vật tư nông nghiệp, năm 1992, ông Vũ Văn Tiền xin ra ngoài để thành lập công ty tư nhân.

Thành lập năm 1993 với hình thức ban đầu là công ty trách nhiệm hữu hạn, Geleximco là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được phép xuất nhập khẩu trực tiếp. Đến năm 2007, Geleximco chuyển đổi thành công ty cổ phần. Geleximco hiện là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Bốn lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ; Hạ tầng – Bất động sản; Tài chính – Ngân hàng với việc góp vốn đầu tư vào Ngân hàng An Bình (ABBank), Chứng khoán An Bình (ABS), Bảo hiểm Hàng không…

Đại gia Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco.
Đại gia Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco.

Bên cạnh đó còn có lĩnh vực Giáo dục đào tạo và Công nghệ thông tin. Geleximco hiện có vốn điều lệ là 6.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt hàng nghìn tỷ đồng và tăng trưởng đạt hơn 10%/năm. Thông qua những khoản đầu tư của Geleximco, ông Tiền nắm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp khác Ngân hàng An Bình, Chứng khoán An Bình, Xi măng Thăng Long, CMC Group…

Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Tập đoàn Geleximco của ông Tiền trở thành doanh nghiệp lớn mạnh ở Việt Nam với những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng.

Với sự "phủ sóng" rộng khắp này, khối tài sản khổng lồ của đại gia Vũ Văn Tiền ngày càng được nới rộng và củng cố.

Dưới đây là những tài sản khủng của Geleximco của ông Vũ Văn Tiền:

Thương hiệu "An Bình"

Thương hiệu "An Bình" gắn liền với Geleximco trong mảng tài chính ngân hàng và bất động sản. Trong đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là cái tên nổi bật nhất. Trải qua 20 năm hoạt động và sau 17 lần tăng vốn, ABBank đưa vốn điều lệ ngân hàng lên gần 4.800 tỷ đồng từ con số khởi đầu là 1 tỷ đồng, ngân hàng có lợi thế về nhóm khách hàng điện lực bởi một trong các cổ đông lớn của ABBank là EVN.

Cho đến thời điểm này, nhóm cổ đông Geleximco sở hữu hơn 23% vốn và là cổ đông lớn nhất tại ABBank, đồng thời cũng chiếm tỷ lệ vượt trội về số lượng thành viên trong HĐQT. Và vị trí "quyền lực" nhất, Chủ tịch HĐQT ABBank do ông Vũ Văn Tiền nắm giữ, ông chính là Chủ tịch HĐQT của Geleximco.

Đến mũi nhọn giấy và xi măng

Trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Geleximco, sản xuất công nghiệp đang trở thành mũi nhọn với việc đầu tư vào nhiều công trình và dự án công nghiệp lớn như: Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Giấy Cao cấp An Hòa, Nhà máy sản xuất Bột giấy An Hòa, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long...

Hiện nay, Geleximco là cổ đông chính của CTCP Giấy An Hòa (ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT). Thông qua công ty này, Geleximco đầu tư vào Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa tại Tuyên Quang, với các dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy tráng phấn cao cấp. Dây chuyền sản xuất bột giấy Kraft tẩy trắng giai đoạn I có công suất thiết kế đạt 130.000 tấn/năm, giấy tráng phấn cao cấp giai đoạn I đạt 140.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 350 - 400 triệu USD; dây chuyền sản xuất bột giấy Kraft tẩy trắng giai đoạn II đạt 200 tấn/năm; giấy tráng phấn cao cấp giai đoạn II đạt 100.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 330 - 350 triệu USD.

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, Geleximco đang tham gia xây dựng và vận hành 3 nhà máy gồm Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng An Phú, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và tổng công suất thiết kế 6,5 triệu tấn xi măng/năm.

Nhà máy sản xuất Xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng bao gồm một nhà máy xi măng tại Quảng Ninh và một Trạm nghiền đặt tại Hiệp Phước - huyện Nhà Bè - TP.HCM. Nhà máy và Trạm nghiền được đầu tư thiết bị và công nghệ của hãng Polysius thuộc tập đoàn danh tiếng Thyssenkrupp - CHLB Đức với công suất thiết kế khoảng 6,000 tấn clinker/ngày, tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm.

Bất động sản - những dự án nghìn tỷ

Tên tuổi của Geleximco gắn liền với những dự án lớn với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến một số dự án như Dự án Khu đô thị mới dầu khí - Geleximco.

Chủ tịch Geleximco sở hữu nhiều bất động sản khủng.
Chủ tịch Geleximco sở hữu nhiều bất động sản "khủng".

Đây là dự án do Geleximco và Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 10.322 tỷ đồng. Khu đô thị mới Dầu khí - Geleximco có quy mô diện tích 192,37 ha, thuộc hai xã Đông La và La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 và dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 4/2011 đến đầu năm 2020.

Dự án Cống hóa Mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng với vốn đầu tư 1.016 tỷ đồng hay Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại huyện Hoài Đức và hai bên đường Lê Trọng Tấn, thành phố Hà Đông (Hà Nội) với diện tích 135 ha, tổng mức đầu tư 3,000 tỷ đồng…

Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình

Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình (đoạn qua Hòa Bình) được khởi công vào tháng 10/2010. Đoạn đường qua tỉnh Hòa Bình dài hơn 20 km do Geleximco làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu chính, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT). Đây được xem là công trình đổi đất lấy hạ tầng lớn nhất khu vực phía Bắc ở thời điểm hiện nay.

Theo tính toán của Geleximco, tổng mức đầu tư dự án dài khoảng 33 km vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua thành phố Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.

Đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình.
Đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình.

Nắm 13.22% vốn một tập đoàn công nghệ

Bên cạnh 3 lĩnh vực chính trên, Geleximco còn tập trung phát triển lĩnh vực đào tạo và công nghệ thông tin thông qua việc đầu tư vào CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) và Viện quản lý Toàn cầu Việt Nam (VQLTC Việt Nam).

CMG có vốn điều lệ hơn 673 tỷ đồng,tiền thân là Trung tâm ADCOM, thuộc viện công nghệ vi Điện tử, viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991. Các sản phẩm dịch vụ chính của CMG bao gồm tích hợp hệ thống, thương mại và sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm, dịch vụ viễn thông và internet, kinh doanh thương mại điện tử. CMG chính thức niêm yết trên SGDCK TP.HCM vào năm 2010. Vốn điều lệ hiện nay của CMG là hơn 673 tỷ đồng.

Tại CMG, ông Vũ Văn Tiền hiện đang giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT, là người đại diện cho Geleximco nắm 8.9 triệu cổ phần CMG, tương ứng tỷ lệ 13.22%.

Ngoài ra, cùng với Viện Quản lý Toàn cầu Nhật Bản, Geleximco đã thành lập VQLTC Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu cho các doanh nghiệp trong nước. Các dịch vụ đào tạo VQLTC Việt Nam cung cấp bao gồm việc phát triển năng lực cho cấp quản lý trực tiếp, cấp trưởng phòng và hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống nhằm giảm thiểu thời gian dành cho nhiệm vụ hành chính và phát huy tối đa hiệu quả thời gian. Thông tin từ website Geleximco thì tập đoàn này nắm 75% tại VQLTC Việt Nam vào cuối năm 2011.

Đầu tư hàng chục tỷ cho quê hương

Tại xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, Thái Bình là quê hương của đại gia Vũ Văn Tiền, nhiều công trình được đầu tư xây dựng rất hoành tráng. Từ đường xá, trường học cho đến đình chùa... Đặc biệt là Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ có diện tích 20.567 m2 hoàn thành năm 2011. Khu tưởng niệm này được xây dựng hài hòa giữa phong cách hiện đại và văn hóa truyền thống, là lối kiến trúc thờ tự thời Nguyễn. Công trình này hoàn thiện sau gần hai năm thi công và được khánh thành vào ngày 15/10/2011.

Trước đó, dự án Khu đình thờ nằm trong quần thể Khu di tích Nguyễn Công Trứ với diện tích 949m² đã được hoàn thành vào năm 2006. Tượng đồng Nguyễn Công Trứ và đồ thờ cúng trong Khu đình thờ do Tập đoàn Geleximco công đức.

Đại gia bình dân bậc nhất Việt Nam

Dù sở hữu số tài sản “khủng” nhưng ông Vũ Văn Tiền luôn là một con người bình dị, chân tình, cởi mở và đặc biệt nói chuyện rất có duyên. Không ít doanh nhân, trong câu chuyện với cánh nhà báo, ngay cả khi đã coi nhau như những người bạn vẫn có gì đó nghiêm nghị và khuôn phép, song trò chuyện với Vũ Văn Tiền luôn đem lại cảm giác thoải mái, hơn nữa, người đối diện có thể rút ra nhiều bài học cho riêng mình về cách sống, cách làm việc và ứng xử qua lối kể chuyện dí dỏm và thông minh của ông.

Khác với những đại gia thích khoe siêu xe, hàng hiệu, ông Tiền chỉ sở hữu chiếc xe Toyota Yaris giá khoảng 700 triệu đồng. "Nếu đi công tác xa thì anh ấy đi xe gầm cao Lexus 487, còn bình thường anh ấy đến trụ sở bằng chiếc xe Toyota Yaris", một doanh nhân tiết lộ.

“Khi thành đạt không tự mãn, khi gặp sóng gió không mềm lòng. Tiền bạc, vốn liếng có thể hết rồi lại có. Chỉ còn lại tình đời, tình người, ghi những dấu ấn tốt đẹp cho người thân, bạn bè, cộng sự là mãi mãi bền lâu”, ông tâm sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại