Ukraine "kỳ đà cản mũi" tham vọng hạt nhân của Nga tại Châu Âu?

Bất ổn Ukraine đã khiến tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Âu khi sử dụng nguồn thu từ buôn bán khí đốt tự nhiên để đầu tư cho các dự án điện hạt nhân của Nga "tan tành".

Một số quốc gia phía đông thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định chuyển sang đầu tư vào hệ thống nhà máy điện hạt nhân nhằm đáp ứng mục tiêu giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư lại đang là trở ngại lớn nhất cho những quốc gia này đặc biệt sau sự kiện Đức bài trừ năng lượng hạt nhân do chứng kiến thảm họa Fukushima tại Nhật Bản hồi năm 2011. 

Theo WSJ, nhân cơ hội này, trong những tháng gần đây, Nga đã tìm cơ hội đầu tư tiền vào những quốc gia muốn phát triển lĩnh vực điện hạt nhân song Moscow lại vấp phải không ít cản trở tại nhiều nơi do ảnh hưởng từ việc EU thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga sau những bất đồng về cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. 

Nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto 3 của Phần Lan.

Hồi tuần trước, chính phủ Phần Lan đã ra tuyến bố cấp phép cho tập đoàn lớn của Nga Rosatom tham gia xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới tại khu vực tây bắc nước này với tổng dự án đầu tư là 6 tỷ euro (7,7 tỷ USD). 

Tuy nhiên, Liên minh Xanh đã phản đối quyết định của đảng cầm quyền bởi phe chính trị này là lực lượng bài trừ hạt nhân. Ngoài ra, trước cáo buộc Nga tham gia trực tiếp vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, những kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Phần Lan lại càng bị Liên minh Xanh phản đối mạnh mẽ. 

Trước đó, hồi tháng Ba, công ty kỹ thuật hạt nhân của Nga Rosatom đã đóng góp 34% cổ phần vào dự án xây dựng nhà máy hạt nhân tại Phần Lan đồng thời hứa hẹn tăng khoản nợ tài chính cho Phần Lan lên mức 4,5 tỷ euro sau khi tập đoàn E.On của Đức rút khỏi dự án hồi năm ngoái. 

Ngoài ra, hồi tháng Sáu, công ty nhà nước Sberbank của Nga cũng đã ký kết cho Slovenske Elektrarne vay dễ dàng 1 tỷ USD để giúp Slovakia đầu tư xây dựng các lò phản ứng hạt nhân theo thiết kế của Nga. 

Trái lại, hồi tháng Tư, tập đoàn nhà nước CEZ tại Cộng hòa Séc đã quyết định từ bỏ chương trình đấu thầu xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân với lý do kinh tế suy giảm. Động thái này được đưa ra không lâu sau tuyên bố của giới bộ trưởng Séc cho rằng các nhà thầu Nga không được chào mừng tham gia dự án tại nước này do những hành động can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Trong khi đó, hồi tháng Sáu, quốc hội Hungary đã chấp thuận khoản tiền 10 tỷ euro do công ty Rosatom của Nga hỗ trợ tài chính xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Song, các chính trị gia đối lập và người dân Hungary đã lên tiếng cáo buộc thảo thuận này được thông qua mà không công khai trước dư luận. Thậm chí, họ còn yêu cầu EU điều tra về việc liệu rằng thảo thuận giữa quốc hội Hungary và Rosatom có tuân theo những quy định đã được châu Âu đề ra. 

Năng lượng hạt nhân đã trở thành nguồn năng lượng cốt lõi của các các quốc gia Đông Âu kể từ thập niên 80. Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, năng lượng hạt nhân hiện chiếm 1/3 tổng sản lượng điện tại Cộng hòa Séc, hơn 50% tại Hungary và 55% tại Slovakia. 

Ngoài ra, điện hạt nhân còn là giải pháp giúp các nước EU hiện thực hóa tham vọng giảm khí thải carbon xuống còn mức 20% vào năm 2020 khi sử dụng các nhà máy điện hạt nhân phát thải khí thải thấp thay thế những cơ sở sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 

Mặc dù, EU đã thông qua chương trình trợ cấp giá cho các nguồn năng lượng tái chế như năng lượng gió và mặt trời, thì năng lượng hạt nhân lại không được xếp vào danh mục này. 

Theo nhà nghiên cứu cấp cao George David Banks thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, do được chính phủ Nga hỗ trợ, các công ty nước này dường như không phải lo ngại về chuyện những khoản đầu tư không được hoàn trả như các nước phương Tây khác. 

"Sự khác biệt lớn ở đây là các chính trị gia Nga coi những dự án điện hạt nhân là tài sản chiến lược và sẵn sàng sử dụng số tiền thu thếu để đi đầu tư. Việc giành được phần lớn cổ phần sẽ bó buộc các khách hàng duy trì mối quan hệ lâu dài và khó lòng chuyển sang hợp tác với các nhà cung cấp khác, từ đó Nga giành thêm được sự ủng hộ chính trị và tạo thêm tầm ảnh hưởng", ông Banks nói. 

Tuy nhiên, trước sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế tăng cường của phương Tây, chính sách hạt nhân của Nga đang vấp phải không ít khó khăn. Theo đại sứ đặc biệt lĩnh vực năng lượng của chính phủ Séc Vaclav Bartuska, Nga hiện đang phải gồng mình đảm bảo nguồn đầu tư tài chính lâu dài, vốn là tâm điểm trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại châu Âu. 

Trong khi đó, phát ngôn viên tập đoàn Rosatom, Sergey Novikov cho biết công ty hy vọng các dự án tại Phần Lan và Hungary không bị gặp rắc rối. "Hiện tại, mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp", ông Novikov chia sẻ. 

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về những dự án trên bởi lâu nay Moscow luôn phủ nhận thông tin cho rằng nước này sử dụng hoạt động cung cấp năng lượng và các khoản đầu tư vào nhiều dự án nước ngoài làm công cụ phục vụ mục đích chính trị. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại