3 chị em thu âm bài hát vào điện thoại gửi bố ở Hoàng Sa

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Ngày nào 3 chị em bé Thảo cũng hát: “Không xa đâu Hoàng Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi”, thậm chí còn thu âm cả vào điện thoại.

Mỗi buổi tối, nhìn 3 đứa con nhỏ tranh nhau điện thoại rồi tíu tít bấm số của bố với mong muốn nghe bố nói câu “chúc các con yêu ngủ ngon” nhưng nhận về chỉ là những tiếng tút dài, chị Vũ Thị Tho (SN 1977, Lương Phúc, Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) lại phải đóng vai anh chồng trả lời “A lô, bố nghe đây!” để các con yên lòng vào giấc ngủ.

“Vai diễn” ấy của chị Tho đã kéo dài gần 2 tháng nay. Bởi lẽ, hiện tại, chồng chị, kiểm ngư viên của tàu kiểm ngư 22 Hà Văn Minh (SN 1976) vẫn đang thực thi nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Sau lưng anh Minh là bố mẹ già, là vợ và ba đứa con thơ. Con đầu của anh, bé Hà Vũ Minh Thảo, đang học lớp 6. Hai bé sau sinh đôi là Hà Vũ Anh Tuấn và Hà Vũ Minh Tuấn đang học lớp 1. Chị Tho đang là kế toán tại trường mầm non Tây Lương. Bố đẻ và bố vợ anh Minh đều là bộ đội lục quân.

Chị Tho cùng mẹ chồng và ba con nhỏ thăm lăng Bác
Chị Tho cùng mẹ chồng và ba con nhỏ thăm lăng Bác

Khi về bờ, gọi điện thoại cho gia đình sau 36 ngày mất liên lạc, người kiểm ngư viên ấy cười nói vui vẻ, bảo mình khỏe lắm. Tuyệt nhiên, anh không nói chuyện mình bị thương vì sợ vợ và cả nhà lo lắng. Tuy nhiên, thông tin tàu kiểm ngư 22 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng gia đình anh đã biết qua báo chí, truyền hình. Có chăng, họ chỉ chưa biết anh bị mảnh kính vỡ chém vào mặt, tay và lưng, vết thương bên tay trái sâu 4cm. Còn một mảnh kính văng vào thành ghế sượt qua lưng anh Minh làm chảy máu nhẹ.

Tàu kiểm ngư 22 vào đất liền 4 ngày (từ mùng 7 – 11/6) để sửa chữa và trị thương cho một số kiểm ngư rồi mới tiếp tục ra khơi. Nhưng điện thoại về cho vợ, anh Minh chỉ nói tàu vào đất liền buổi sáng, chiều lại đi luôn. Vô tình trong những ngày “đi luôn” ấy, chị Tho gọi điện hỏi thăm, điện thoại anh vẫn có sóng. Có lúc, anh không kìm nổi nỗi nhớ gia đình, anh lại gọi về để nghe tiếng trách yêu của vợ và để mình được giải thích: “Chiều nay tàu mới đi”. Anh không muốn vợ con tới thăm mình trong lúc đang bị thương và trong khi vấn đề biển Đông còn căng thẳng.

Chính vì thế, mỗi lần nhắc tới chồng, chị Tho thấy… sợ nhiều hơn là những tủi hờn của tháng ngày phải sống xa chồng, một mình nuôi ba con nhỏ. Chị… sợ cái tính lì của anh.

Những ngày này, chị Tho diễn cả vai người bố để gọi điện ru các con ngủ vào mỗi tối
Những ngày này, chị Tho "diễn" cả vai người bố để gọi điện ru các con ngủ vào mỗi tối

Trở lại ký ức ngọt ngào thuở thanh xuân, chị Tho cho biết anh chị yêu nhau từ năm 1993. Năm 1995, sau khi học xong cấp 3, anh Minh đi bộ đội và làm nhiệm vụ tại vùng biển Cam Ranh. Cuộc tình gần 10 năm của anh chị đã kết thúc bằng một đám cưới ngập tràn tiếng cười vào năm 2002. Đôi mắt chị Tho bỗng ánh lên niềm vui khi chúng tôi hỏi về cuộc tình “thanh mai trúc mã” của hai người. Ngày còn yêu nhau, khi anh đi làm nhiệm vụ tại vùng biển Cam Ranh, chị nổi tiếng ở công ty may Việt Thái (Thái Bình) bởi “thành tích” là người nhận được nhiều thư tình nhất. Tuần nào cũng 1 – 2 lá thư từ Cam Ranh gửi về.

Trong suốt thời gian yêu và lấy nhau, mặc dù chồng là kiểm ngư viên nhưng khái niệm “kiểm ngư” trong chị Tho chỉ đơn thuần là người phải lênh đênh trên biển. “Vì chồng mình rất kín tiếng, không bao giờ chia sẻ chuyện công việc. Chỉ tới khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, báo chí nhắc nhiều tới hai từ “kiểm ngư” tôi mới bắt đầu hiểu về công việc mà bao năm qua chồng mình đang làm”, chị Tho nhắc tới chồng trong niềm rưng rưng vừa xúc động, vừa tự hào.

Hơn 10 năm nên duyên chồng vợ, có lẽ cũng mới chỉ hơn 10 lần anh Minh về thăm gia đình. Chị Tho không bao giờ quên được kỷ niệm sau khi cưới một tuần, chị phải ngậm ngùi tiễn anh lên đường trở lại đơn vị.

Trên con đường về lẻ bóng, chị Tho đã khóc vì buồn và hụt hẫng. Sợ cảm giác hụt hẫng ấy nên những lần sau, chị chỉ lặng lẽ tiễn chồng tới cổng rồi quay vào luôn. Còn anh biết những cảm giác mà vợ phải trải qua nên cũng chỉ đi một mình ra bến phà. Chia tay nhau, anh cũng chỉ biết vụng về nói câu: “Cố gắng lên vợ, anh đi chỉ một tháng lại về”.

“Một tháng của anh thường thành một năm nhưng đó là công việc mà Tổ quốc giao cho. Một mình nuôi con nhỏ, cực cũng nhiều mà niềm vui cũng không ít. Vì mình biết bên cạnh luôn có anh động viên, chia sẻ”, chị Tho nói.

“Anh Minh còn có thói quen ghi chép vào sổ tay. Anh chép vào sổ những bài thơ tình hay anh đọc được, những cảnh vật tự tay anh vẽ hay một bài thơ “tức cảnh sinh tình” do anh sáng tác… Cuốn sổ đó bao giờ anh cũng gửi về cho vợ trước, sau đó anh mới về sau mà không phải anh tự tay mang về”, chị cười vui khi kể lại chuyện tình đầy chất thơ của mình.

Ngồi bên cạnh, bé Minh Tuấn nãy giờ lắng nghe câu chuyện mẹ kể bỗng hớn hở khi nhắc lại những lần “được gặp bố”: “Hôm trước bố về dẫn em đi chơi. Bố còn mua cho em ba lô màu đỏ rồi cả xe đạp nữa…”.

Chị Tho mỉm cười xoa đầu đứa con trai nhỏ: “Nó mơ thấy bố về. Lúc tỉnh dậy không thấy bố lại chạy sang ông bà hỏi xem bố đi đâu. Giờ 3 chị em ngày nào cũng hát: “Không xa đâu Hoàng Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi”, thậm chí còn thu âm cả vào điện thoại. Có ai hỏi, chúng nó lại bảo, cháu hát cho bố cháu nghe”.

Dù rất nhớ chồng và mong anh sớm trở về với vợ con nhưng trong sâu thẳm người phụ nữ ấy luôn cầu chúc người chồng kiểm ngư viên cũng như đồng đội của anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. “Hậu phương sẽ là niềm tin sắt đá nhất của các anh”, chị Tho tâm sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại