Nhà báo Hà Đăng chúc mừng báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 21/6

Tuệ Minh - Đình Mạnh |

(Soha.vn) - Nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Hà Đăng tâm sự: “Mấy chục năm cuộc đời gắn bó với báo chí, đến giờ, nhiều người nhớ đến tôi với tư cách là nhà báo nhiều hơn”.

Sáng nay, 20/6, nhà báo Hà Đăng – nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Trợ lý Tổng Bí thư đã đến chúc mừng báo điện tử Trí Thức Trẻ nhân kỷ niệm 89 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tiếp nhà báo lão thành Hà Đăng có TS Nguyễn Xuân Thông – Tổng biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ, nhà báo Bùi Ngọc Hải – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Trí Thức Trẻ cùng các TKTS, trưởng ban, biên tập viên và phóng viên của báo.

Nhà báo lão thành Hà Đăng chụp ảnh lưu niệm với báo điện tử Trí thức trẻ (Ảnh: Tuấn Nam)

Nhà báo lão thành Hà Đăng chụp ảnh lưu niệm với báo điện tử Trí Thức Trẻ (Ảnh: Tuấn Nam)

Nhà báo Bùi Ngọc Hải phát biểu mở đầu buổi gặp mặt: “Trong những giai đoạn trước của nền báo chí Việt Nam, có thể phương tiện tác nghiệp chưa có nhiều và chưa hiện đại như bây giờ nhưng đó là thời kỳ huy hoàng của báo chí Cách mạng Việt Nam. Thời đó, những bài xã luận trên báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân đều có thể là những lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những nhà báo lão thành đã trưởng thành trong kháng chiến và trong môi trường báo chí đó. Chính vì thế bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề của họ rất sâu. Đó là điều mà lớp trẻ hiện nay luôn phải học hỏi bởi công nghệ tác nghiệp ngày càng hiện đại, tác nghiệp càng dễ dàng thì điều đáng sợ nhất chính là tính chiến đấu, tính thực tiễn ngày càng giảm đi. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các báo điện tử đã có sự phát triển vượt bậc bên cạnh sự phát triển của báo giấy trong những giai đoạn mới”.

“Tòa soạn báo điện tử Trí Thức Trẻ là tòa soạn mới thành lập với nhiều phóng viên trẻ. Sự nhiệt huyết, hăng hái và hăng say chiến đấu nhưng cái thiếu là bản lĩnh chính trị cùng sự tôi luyện trong nghề nghiệp, gian khó với thực tiễn. Trong thời gian qua, trước những sự kiện lớn của đất nước như Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những thành viên của báo điện tử Trí Thức Trẻ luôn cố gắng hết mình để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho”, nhà báo Bùi Ngọc Hải chia sẻ thêm.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phó Tổng Biên tập báo điện tử Trí thức trẻ phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Tuấn Nam)

Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Phó Tổng Biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Tuấn Nam)

Tuy nhiên, nhà báo Bùi Ngọc Hải cũng khẳng định: “Những thành công đã đạt được của tòa soạn chỉ là bước đầu. Tòa soạn báo điện tử Trí Thức Trẻ rất vinh dự và xúc động khi được nhà báo lão thành Hà Đăng đến thăm và chúc mừng kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”.

Nghe những báo cáo về tình hình hoạt động của báo điện tử Trí Thức Trẻ, nhà báo lão thành Hà Đăng hoan nghênh những thành công ban đầu mà báo đã đạt được. Chia sẻ với các “hậu bối” ở báo điện tử Trí Thức Trẻ, nhà báo Hà Đăng kể về cuộc đời hoạt động báo chí của mình. Ông kể ông rất nhớ thời kỳ là Phó trưởng ban Miền Nam của báo Nhân Dân. Phần lớn những bài viết trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) là do ban Miền Nam phụ trách và ông là người viết nhiều xã luận nhất trong loạt bài đó.

Nhà báo lão thành Hà Đăng trong buổi nói chuyện với báo điện tử Trí thức trẻ (Ảnh: Tuấn Nam)

Nhà báo lão thành Hà Đăng trong buổi nói chuyện với báo điện tử Trí Thức Trẻ (Ảnh: Tuấn Nam)

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương Hà Đăng tâm sự: “Mấy chục năm cuộc đời gắn bó với báo chí, đến bây giờ, nhiều người nhớ đến tôi với tư cách là nhà báo nhiều hơn”.

 

Ông nói đùa: “Người ta nói tôi là nhà báo lão thành. "Lão" thì có nhưng "thành" thì không chắc bởi những kinh nghiệm về báo chí của chúng tôi trong giai đoạn trước gắn bó với chính trị, quan điểm, đường lối của thời đại Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về phương diện sử dụng các phương tiện hiện đại như bây giờ thì rõ ràng tôi “lạc hậu”. Nếu ngày nào mà tôi không đọc báo, không theo dõi tình hình thời sự đất nước, thông tin từ Trung ương thì tôi thấy ngày đó tôi lạc hậu”.

Tại buổi gặp mặt, TS Nguyễn Xuân Thông – Tổng Biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ xúc động nói: “Chúng ta rất phấn khởi và vinh dự khi được đón đồng chí Hà Đăng đến và nói chuyện với chúng ta đúng vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Thay mặt báo điện tử Trí Thức Trẻ, tôi xin gửi lời kính chúc sức khỏe đồng chí Hà Đăng để anh có điều kiện tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo điện tử nói riêng, trong đó có báo điện tử Trí Thức Trẻ”.

TS. Nguyễn Xuân Thông - Tổng Biên tập báo điện tử Trí thức trẻ (Ảnh: Tuấn Nam)
TS. Nguyễn Xuân Thông - Tổng Biên tập báo điện tử Trí thức trẻ (Ảnh: Tuấn Nam)

“Để có được những nhà báo lão thành như anh Hà Đăng thì đúng như anh nói, phải có quá trình rèn luyện qua các giai đoạn, nhiệm vụ khác nhau. Dù ở vị trí nào, nhận nhiệm vụ nào thì anh Hà Đăng cũng rất khiêm tốn, luôn học hỏi. Đó chính là tấm gương cho những anh em hoạt động trong môi trường báo chí hiện nay học hỏi và phấn đấu. Những chia sẻ với các phóng viên trẻ của báo điện tử Trí Thức Trẻ hôm nay của anh Hà Đăng rất đáng quý”, TS Nguyễn Xuân Thông bày tỏ.

Tổng biên tập Nguyễn Xuân Thông cũng nói thêm với nhà báo lão thành Hà Đăng: “Chức năng nhiệm vụ được cấp trên giao, chúng tôi đã cố gắng hoàn thành. Chúng tôi nhận thức rõ có những thuận lợi và không ít khó khăn trong điều kiện hiện nay. Anh em chúng tôi cố gắng đoàn kết, không ngừng học hỏi để góp một phần sức lực của mình cho nền báo chí Việt Nam cũng như cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn đổi mới hiện nay”.

Buổi nói chuyện diễn ra trong không khí ấm cúng và thân thiết. Nghe những câu chuyện về nghề báo, Ban Biên tập cùng các TKTS, trưởng ban, biên tập viên và phóng viên của báo điện tử Trí Thức Trẻ đều cảm thấy xúc động và trân trọng những chia sẻ quý báu từ nhà báo lão thành Hà Đăng.

Nhà báo Hà Đăng (SN 1929, quê ở xã Bình Kiến, huyện Tuy Hoà, nay là thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) kể: Bài báo đầu tiên ông viết năm 1947, đăng ở tờ Phấn đấu, một tờ báo tỉnh. Sau đó, năm 1950, ông ra Liên khu V làm phóng viên Tạp chí Miền Nam - cơ quan của Ban đại diện Văn hoá cứu quốc ở miền Nam Trung Bộ. Năm 1951, ông trở thành phóng viên Báo văn nghệ Liên khu V. Năm 1952, ông làm biên tập viên cho tờ Nhân dân ở Liên khu V (thời điểm đó, Đảng ta có ba tờ Nhân dân: Nhân dân TW, Nhân dân Liên khu V và Nhân dân Nam Bộ).

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Ban Nông thôn Báo Nhân dân. Năm 1960, ông được đề bạt làm Phó Trưởng ban Nông thôn. Năm 1961, ông được cử đi học Trường Đảng cao cấp trực thuộc TW Đảng Cộng sản Liên Xô. Về nước, ông lại làm Phó Trưởng ban Miền Nam Báo Nhân dân. Năm 1968, ông được cử tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam với tư cách cố vấn Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam.

Năm 1986, nhà báo Hà Đăng được bầu vào TW khoá VI, đầu năm 1987 ông trở thành Tổng biên tập Báo Nhân dân. Năm 1992, ông giữ cương vị Trưởng ban Tư tưởng văn hoá TW. Năm 1996, ông là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Đến năm 2007, ông về hưu nhưng vẫn làm tư vấn, chuyên gia thẩm định cho Tạp chí Cộng sản...

Nhà báo Hà Đăng từng làm trợ lý cho Tổng Bí thư: năm 1985, trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và năm 2001, trợ lý cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

 

Câu chuyện về bút danh Hà Đăng ít người biết

Tên thật của nhà báo Hà Đăng là Đặng Ha. Năm 1951, ông công tác ở Báo Văn nghệ Liên khu V, viết một bài phỏng vấn khá dài ký tên Đặng Ha. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thư ký toà soạn tờ báo khuyên ông nên có bút danh. Rồi theo cách nói lái kiểu Bắc, chính nhà văn đã đổi tên ông từ Đặng Ha thành Hạ Đăng. Sau đó, khi in bài báo, anh em sắp chữ thấy ký tên Hạ Đăng, nghĩ họ "Hạ" chỉ có ở Trung Quốc, chắc có sự nhầm lẫn nào đây. Họ tự đổi họ của ông thành "Hà". Cái tên Hà Đăng ra đời từ đó, gắn với hàng trăm bài báo, bài chính luận nổi tiếng sau này được nhà báo Hà Đăng tập hợp trong ba tập sách "Thế ta thế thắng","Đi lên từ sản xuất nhỏ", "Cái mới trong đổi mới"...

(Theo CAND)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại