92 trường THPT đỗ tốt nghiệp 100%: PGS.TS Văn Như Cương nghĩ gì?

Thiên Di |

(Soha.vn) - Khoảng 10 năm trước ở Hà Nội chỉ có duy nhất Trường DL Lương Thế Vinh có tỷ lệ 100% đỗ tốt nghiệp THPT và năm 2014 tỷ lệ này là 92 trường.

Ngày 16/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 98,54% trong đó có 92/230 trường ở Hà Nội đỗ tốt nghiệp 100% (chiếm tỷ lệ 40%). Và theo báo cáo của Bộ GD&ĐT thì cả nước có 99.01% đỗ tốt nghiệp THPT.

Bày tỏ quan điểm về con số này, PGS.TS Văn Như Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) lập tức có lời bình luận trên facebook cá nhân cho rằng: Khoảng 10 năm trước Trường THPT DL Lương Thế Vinh là trường duy nhất ở Hà Nội đỗ tốt nghiệp 100%. Năm sau thêm trường THPT Amsterdam, vài năm sau là tăng dần và năm ngoái là gần 30 trường. Năm 2014 con số là 92/230 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100%.

PGS.TS Văn Như Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh bày tỏ về con số đỗ tốt nghiệp THPT 2014.
PGS.TS Văn Như Cương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh bày tỏ về con số đỗ tốt nghiệp THPT 2014.

“Được cái năm sau cao hơn năm trước phù hợp với sự đi lên giáo dục trong nước. Tôi cho rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao không đánh giá chất chất lượng học sinh là tốt. Một vài năm trước, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố sẽ không đánh giá chất lượng giảng dạy của các trường bằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Tôi cho đó là đúng!

Bởi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT một phần dựa vào cách ra đề dễ hay khó. Hơn nữa, năm nay lại thêm quy định kết quả lớp 12 chiếm tỷ lệ 50% số điểm để công nhận xét tốt nghiệp thì việc tỷ lệ đỗ cao là điều không khó lý giải”, ông lập luận.

Ông cho rằng, rõ ràng với cách thức công nhận thi tốt nghiệp như vậy sẽ mở rộng cửa cho học sinh đỗ tốt nghiệp hơn.

“Kiếm nửa điểm cho bài thi tốt nghiệp là khó, nửa điểm tổng kết lớp 12 là không dễ. Tôi e rằng nếu tiếp tục hình thức thi này thì các em sẽ học lệch và xảy ra tiêu cực cơ chế xin cho, cứu học sinh xảy ra trong môi trường giáo dục. Điểm tổng kết đưa vào để đánh giá kết quả bằng công nhận tốt nghiệp THPT là tốt nếu chúng ta kiểm soát và thực hiện nghiêm túc đánh giá sự rèn luyện, khả năng học sinh trong lớp 12. Tuy nhiên…không dễ để thực hiện nghiêm chỉnh!”, PGS.TS Văn Như Cương bày tỏ sự e ngại.

Bên cạnh đó, ông lo ngại rằng việc tổ chức theo hình thức học sinh được chọn 2 môn thi ngoài Toán và Ngữ Văn sẽ có tác dụng ngược, sẽ khuyến khích học sinh học lệch. “Ví dụ con tôi vào lớp 10, cháu sẽ học môn Văn Toán là bắt buộc và xác định 2 môn chọn như Lý, Hóa để tập trung, còn các môn khác không học và chỉ cần qua điểm trung bình.

Nếu giữ cách thi cử năm nay thì tôi nghĩ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ cao hơn nữa, có thể là hơn 100 trường. Vì năm nay có tỉnh có 29/51 trường đỗ tốt nghiệp 100% mà”, PGS đặt giả thuyết.

Nhắc đến câu chuyện gian lận thi cử, vị nguyên hiệu trưởng này tâm sự rằng gian lận là tâm lý cố hữu dễ hiểu của học sinh. Chuyện chống gian lận phải từ hội đồng, từ chính những người giám thị trông thi các em, cũng giống như ý thức của người dân tham gia giao thông khi có hay không có cảnh sát giao thông.

Gian lận trong thi cử xảy ra trong nhiều năm nay.

Gian lận trong thi cử xảy ra trong nhiều năm nay và trở thành bài toán khó của các nhà làm giáo dục.

Nhân đây, ông kể lại câu chuyện thi cử khi ông đang theo học cấp 3 trường Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) năm 1954. Thời đó, cả tỉnh Nghệ An có một trường cấp 3, cả khối có 2 lớp, lớp của ông có 40 học sinh.

“Thỉnh thoảng thầy giáo bận đi họp, thầy giao cho lớp trưởng đề thi có dán phong bì. Anh lớp trưởng mở đề thi, chép lên bảng cho chúng tôi làm. Trong quá trình làm bài, chúng tôi không ai dám hí hoáy, không quay sang hỏi nhau mà làm bài rất nghiêm túc.

Cuối giờ thi, chúng tôi có 15 phút để kiểm tra xem có bạn nào vi phạm thi hay không. Lúc ấy, lòng tự trọng, tự giác của chúng tôi cao và sợ phê bình trước lớp còn hơn là bị điểm kém. Nếu gian dối chúng tôi sẽ không được xem xét kết nạp vào đoàn thanh niên và chúng tôi nghĩ rằng là đoàn viên phải gương mẫu nên không có chuyện mọi người chép bài hay mở tài liệu”, PGS.TS Văn Như Cương nhớ lại.

Và câu chuyện thi cử của PGS.TS Văn Như Cương trong thời kháng chiến cũng là điều khiến nhiều người phải nhìn lại về việc “dạy thực, học thực” và cách giáo dục của chúng ta hiện nay. Có lẽ rằng, đúng như dự đoán của vị PGS này thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT sẽ càng ngày càng cao!

PGS Văn Như Cương chia sẻ trên trang facebook cá nhân: "Chuyện về số trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.

Năm nay Hà nội có 92 trường đỗ 100% , năm ngoái đâu chỉ chưa đến 30 trường, những năm trước còn ít nữa. Được cái là NĂM SAU CAO HƠN NĂM TRƯỚC phù hợp với sự đi lên của Giáo dục trong cả nước !

Tôi nhớ lại khoảng 10 năm trước , Hà Nội có duy nhất một trường đỗ 100%, đó là trường dân lập Lương Thế Vinh. Báo chí không đưa tin này, trong báo cáo tổng kết năm học của Sở cũng bỏ qua, không nhắc đến.

Năm sau đó Hà nội có 2 truờng đỗ 100% : ngoài LTV còn có Amsterdam . Lần này báo chí có đưa tin và LTV cũng được thơm lây. Tôi không nhớ chính xác (vì có quan trọng gì đâu !), năm sau đó có muơi trường, tiếp theo là cứ tăng dần…cho đến nay là 92 trường. May là LTV năm nào cũng giữ mức cũ. Báo chí đăng hết tên các trường đó, Sở cũng nhắc đến trong tổng kết. 

Không biết sang năm Bộ có làm một cú như Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã làm là kéo tụt xuống chỉ còn 66% tốt nghiệp, có trường thậm chí 0%...Khó!"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại