Trung Quốc đuối lý như thế nào về chủ quyền Biển Đông?

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Từ địa lý, những chứng cứ lịch sử ghi ghép lại từ xưa cho đến đối thoại Shangri-La diễn ra mới đây, Trung Quốc đều lộ rõ sự đuối lý.

Giới chức Trung Quốc liên tục có những phát ngôn vu khống, bịa đặt trắng trợn Việt Nam, trong khi khi chính nước này đang hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Không chỉ ở lần này mà trong suốt nhiều năm, phía Trung Quốc liên tục đuối lý trong những lập luận về chủ quyền Biển Đông.

Đuối lý về địa lý

Năm 1947, Trung Quốc thời Quốc Dân Đảng công bố chủ quyền đối với Biển Đông chỉ là đường đứt đoạn, giới hạn trong khu vực bản thân Trung Quốc tiến hành đo đạc được mực nước, dòng nước chảy cũng như những đảo đã được thăm dò, chứ không có cái gọi là “cửu đoạn” như của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.

Hàng loạt tuyên bố của Trung Quốc, như “Tuyên bố về lãnh hải” năm 1958, “Luật ngư nghiệp” năm 1986 và “Vùng đặc quyền khai thác kinh tế” năm 1998 cũng không đề cập tới biển Đông. Nếu có đề cập cũng chỉ là “đường tưởng tượng” không có mốc giới hạn nên không có giá trị pháp lý. Theo thông tin trên báo điện tử Tầm Nhìn.

Đuối lý trong đối thoại Shangri-La

Tại Đối thoại Shangri-La 13, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa hẹn sẽ đưa Nhật Bản đóng vai trò tích cực và chủ động hơn đối với an ninh trong khu vực Châu Á. Ông cam kết ủng hộ hết mình cho các nước Đông Nam Á. Ông bày tỏ sự ủng hộ với Philippines và Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ cung cấp tàu tuần duyên cho hai nước.

Một ngày sau, Trung Quốc lại bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc thẳng thừng, Trung Quốc "gây mất ổn định, hành động đơn phương" ở Biển Đông và khẳng định Mỹ "sẽ không làm ngơ" nếu trật tự thế giới bị đe dọa.

Ngay sau đó, phần đối đáp của Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) bị dư luận đánh giá là đuối lý, “trẻ con” và thô thiển, không có chứng cứ hay lập luận. Cụ thể, ông Vương Quán Trung cho rằng, phát biểu của ông Abe và Hagel là "không thể tưởng tượng nổi”, đồng thời cáo buộc 2 vị trên đã “kết bè” để chống Trung Quốc.

Đuối lý về khái niệm “biển nội địa” và “biển ngỏ”

Cũng theo tờ Tầm Nhìn, Trung Quốc tự nhận có chủ quyền đối với “cửu đoạn”, nghĩa là vùng biển này là “biển nội địa” của Trung Quốc chứ không còn là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều nước đang khai thác, chiếm đóng nhiều đảo và kiểm soát các vùng biển này.

Trung Quốc từ chối yêu cầu cầu của Pháp ra tòa án quốc tế

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trên báo Quân đội nhân dân đã chỉ ra sự đuối lý của phía Trung Quốc khi nước này từ chối yêu cầu của Pháp ra toàn án quốc tế để phân định chủ quyền Hoàng Sa.

Cụ thể, ngày 4/1/1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế. Trung Quốc từ chối đề nghị này. Ngày 18/2/1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc lại khước từ.

Ngày 30/3/1938, vua Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây. Ngày 14/10/1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Đại.

Ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại biểu nào trong hội nghị này có bình luận gì về tuyên bố này.

Trung Quốc đuối lý hoàn toàn trong vụ giàn khoan

Mới đây, tờ Vietnam+ đã dẫn lại bài viết của Giáo sư Artha Nantachukra, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phupan (Thái Lan), đăng trên trang mạng Phupan với tựa đề: "Trung Quốc ngày càng đuối lý trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981)".

Trong đó có đoạn: “Trung Quốc đã điều số lượng lớn tàu bảo vệ, đồng thời chủ động đâm va, sử dụng vòi rồng công suất lớn tấn công, gây thiệt hại cho tàu của lực lượng chức năng Việt Nam thực thi pháp luật tại khu vực này, trước sự chứng kiến của các phóng viên báo chí trong và ngoài nước cũng như cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Trung Quốc còn cố tình bưng bít thông tin, xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận nhân dân trong nước. Nước này còn che giấu, không dám công khai số lượng tàu của họ ở khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng như những hình ảnh về các vụ va chạm tàu trên biển.

Tuy nhiên, sự ngang ngược đó của Trung Quốc không thể che mắt được toàn bộ nhân dân thế giới, đồng thời cũng vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân Trung Quốc, thông qua các trang mạng xã hội, những cái đầu có lý trí của người dân Trung Quốc đã nhìn nhận một cách khách quan, cho rằng Trung Quốc đang dựa vào vị thế nước lớn để bắt nạt nước nhỏ, và họ vô cùng xấu hổ trước những hành động "không có sĩ diện của một nước lớn" như Trung Quốc”.

>> Xem thêm clip: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc tại Shangri-La

(Nguồn VTV)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc tại Shangri-La (Nguồn VTV)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại