Hai sĩ quan Việt Nam xuất ngoại gìn giữ hòa bình

Ngày 27-5, tại Hà Nội sẽ diễn ra lễ xuất quân tiễn hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan.

  • Cả hai đều là cán bộ của Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ của họ là làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở quốc gia châu Phi này.

Người “đa phương”

Ra mắt Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Lễ ra mắt Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và lễ xuất quân tiễn hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ diễn ra sáng 27-5 tại Hà Nội. Theo kế hoạch, tại buổi lễ, bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ trao quân kỳ Quyết thắng cho Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đồng thời sẽ công bố quyết định của LHQ và quyết định của Chủ tịch nước cho hai sĩ quan làm nhiệm vụ. Tại lễ xuất quân này, bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ trao quyết định, mũ nồi xanh cho hai sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan (dự kiến đi vào tháng 6-2014).

Từng là lính trinh sát rồi chuyển qua làm lính thông tin, tốt nghiệp Học viện Khoa học quân sự (ngành khoa học quân sự), 12 năm công tác ở Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng (Bộ Quốc phòng) với nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực đối ngoại quốc phòng - an ninh đa phương, trung tá Mạc Đức Trọng (43 tuổi) - sĩ quan gốc Nghệ An sinh ra ở Hà Nội - là một trong hai gương mặt đầu tiên của Việt Nam được chọn đi làm nhiệm vụ quan trọng này.

Với vốn tiếng Anh tự học, Trọng là một trong năm sĩ quan được chọn đi học Trường Lục quân ở Ấn Độ. Trước chuyến đi, trong cuộc gặp với đại sứ Ấn Độ, ông đã tự tin giao tiếp bằng vốn tiếng Anh tự học của mình. Trải qua một số vị trí, năm 2002 trung úy Mạc Đức Trọng về Viện Quan hệ quốc tế công tác. Ở đây, ông là một trong những thành viên chủ chốt tham gia tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại của Bộ Quốc phòng, đặc biệt là những sự kiện quốc phòng đa phương.

Ông Trọng bảo điều mình tâm đắc nhất chính là lĩnh vực gìn giữ hòa bình của LHQ. Ngay từ năm 2005, đại úy Mạc Đức Trọng đã nghiên cứu về vấn đề gìn giữ hòa bình của LHQ. Đó là một cơ duyên khá thú vị khi đại úy Trọng được cử đi học khóa đào tạo quan sát viên quân sự LHQ hai tháng ở Úc. Ông là một trong hai người Việt Nam tham dự khóa học đặc biệt này. “Tôi nhận ra sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ có cơ chế an ninh tốt nhất để giải quyết xung đột, mang tính pháp lý cao nhất và uy tín lớn nhất. Cơ chế này mang tính tập thể chứ không mang tính lợi ích cục bộ hay tính can thiệp hơn như nhiều cơ chế khác” - trung tá Trọng kể.

Ông kể về khóa học quan sát viên quân sự của mình: “Khi một cuộc xung đột giữa hai quốc gia hoặc giữa các phe phái của một đất nước kéo dài nhiều năm và không thể giải quyết được, cần LHQ thì lúc đó LHQ sẽ vào. Quan sát viên quân sự phải thiết lập vùng đệm giữa hai phía và ở đó làm nhiệm vụ giám sát việc ngừng bắn, giải giáp vũ khí theo hiệp định giữa hai bên, chống việc tái vũ trang (không tăng quân, không triển khai lực lượng của hai bên), hỗ trợ cho bầu cử sau xung đột... Chúng tôi được huấn luyện về rất nhiều kỹ năng đàm phán (như kỹ năng đàm phán khi bị bắt cóc, kỹ năng đàm phán với hai bên đối đầu, làm cầu nối giữa hai bên...) và những kỹ năng sinh tồn (như kỹ năng chống bắt cóc, làm thế nào để sống sót khi bị bắt cóc, khi gặp cướp, kỹ năng tồn tại khi một mình trong rừng, đầm lầy, sa mạc, bị mất liên lạc...). Đào tạo về kỹ năng đàm phán là một trong những nội dung quan trọng của khóa tập huấn. Những kỹ năng khác tôi đã từng được học khi rèn quân. Tuy nhiên, hoạt động phối hợp trong môi trường đa quốc gia thì chưa trải qua”.

Không chỉ quan tâm nghiên cứu về gìn giữ hòa bình LHQ, trung tá Trọng còn được đào tạo nhiều về lĩnh vực này. Sau khóa học ở Úc, ông là người đầu tiên tham gia khóa hỗ trợ về gìn giữ hòa bình của Anh. Năm 2013, ông tiếp tục dự khóa đào tạo giảng viên gìn giữ hòa bình kéo dài một tháng ở Mông Cổ.

  • Trung tá Mạc Đức Trọng (phải) trong một chuyến công tác nước ngoài - Ảnh nhân vật cung cấp
  • 30 quốc gia và 5 châu lục

Nếu trung tá Mạc Đức Trọng là người có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại đa phương thì trung tá Trần Nam Ngạn (42 tuổi, Hà Nội), người thứ hai được chọn tham gia công tác này, lại có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại song phương. 17 năm làm việc tại Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), trung tá Ngạn đã kinh qua nhiều vị trí ở nhiều phòng khác nhau: phòng quốc tế, phòng châu Á, phòng kế hoạch tổng hợp, phòng Asean và đa phương, hiện nay là cán bộ của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Đến giờ, trung tá Ngạn đã 50 lần tháp tùng thủ trưởng cấp cao đi qua 30 nước ở năm châu lục. “Công việc đã cho tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người ở nhiều cương vị khác nhau trên thế giới, từ lãnh đạo cấp cao đến những người làm trong các tổ chức thế giới và kể cả dân thường” - trung tá Ngạn nói.

Công việc còn mang đến cho ông cơ hội đến đất nước rất đặc biệt ở châu Phi là Botswana - một quốc gia ít người biết, hai lần đến CHDCND Triều Tiên - một đất nước không phải ai cũng có cơ hội đặt chân đến. Trung tá Ngạn kể lại một câu chuyện khá thú vị trong 17 năm làm đối ngoại. Đó là năm 2005, ông là phiên dịch của phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam sang thăm Hàn Quốc. Thông lệ, phiên dịch luôn phải ngồi bên ngoài bàn tiệc, phía sau người lãnh đạo của mình. Trong chuyến đi này, ông gặp lại tư lệnh lục quân Hàn Quốc một năm trước từng qua thăm Việt Nam (khi ấy ông là người dịch cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp). Sau khi làm việc xong, người phiên dịch Hàn Quốc đến nói với ông Ngạn: “Tư lệnh lục quân Hàn Quốc đặc cách mời anh ngồi cùng bàn tiệc với lãnh đạo. Đây là trường hợp rất đặc biệt và đầu tiên tôi được thấy một trường hợp như thế. Bình thường ở Hàn Quốc, tất cả phiên dịch phải ngồi bên ngoài bàn tiệc”.

Để chuẩn bị cho chuyến đi Nam Sudan, trung tá Trần Nam Ngạn đã trải qua khóa tập huấn về gìn giữ hòa bình cho quân nhân Việt Nam chuẩn bị làm nhiệm vụ ở Nam Sudan (do chuyên gia của LHQ đứng lớp). Khóa học có rất nhiều người với nhiệm vụ khác nhau.

Ông Ngạn chia sẻ: “Nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan là làm cầu nối giữa sở chỉ huy phái bộ với các đơn vị của LHQ, với các tổ chức quốc tế, chính quyền nước sở tại và các phe phái chính trị, quân sự tại địa phương. Ngoài trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ của LHQ, chúng tôi luôn có ý thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như truyền thống của quân đội Việt Nam”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại