Biển Đông: Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc?

My Lan |

(Soha.vn) - Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Moeldoko thừa nhận rằng những thách thức chính của Indonesia trong tương lai gần là tranh chấp Biển Đông và an ninh biên giới.

Trong một bài viết mới đây trên blog chính thức của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), chuyên gia thỉnh giảng của tổ chức này, Jack Greig, đã cảnh báo Indonesia cần phải cảnh giác trước sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông, nhất là khi một phần vùng đặc quyền kinh tế của nước này bị cái gọi là đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bao lấy.

Dưới đây là tóm lược bài phân tích của học giả Jack Greig trên trang blog chính thức của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI). Bài viết được tờ National Interest (Mỹ) đăng tải lại. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Trong vòng 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã từ một nước xuất khẩu năng lượng ròng trở thành một nước nhập khẩu năng lượng ròng. Theo Dự báo trong báo cáo Triển vọng năng lượng Thế giới của Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) năm của 2013, nhu cầu của Trung Quốc sẽ chiếm tới 31% tổng tăng trưởng nhu cầu năng lượng ròng toàn cầu, trong khoảng từ 2011 - 2035. Nhu cầu năng lượng của nước này vào năm 2035 sẽ cao gấp đôi của Mỹ và cao gấp 3 lần Liên minh châu Âu EU.

Đòi hỏi ngày càng tăng của Trung Quốc về nguồn năng lượng sẽ ngày càng được sự hỗ trợ bởi sức mạnh hải quân đang gia tăng của mình - nghĩa là nước này sẽ có thể lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động chiến lược ở biển Đông nhằm tăng cường an ninh năng lượng của mình trong tương lai.

Đáy biển xung quanh quần đảo Natuna rất giàu khí đốt và một phần của nó rơi vào cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông. Nhưng nó cũng thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Indonesia đã nhiều lần khẳng định không có tranh chấp với Trung Quốc quanh Vùng đặc quyền kinh tế của mình bởi những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không hề phản ứng một cách thích đáng và rõ ràng đối với các yêu cầu làm rõ từ phía Jakarta.

Những nỗ lực của Jakarta nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề biển Đông chủ yếu dựa vào ngoại giao, nhằm tạo ra cấu trúc cân bằng động, có thể tiết chế sự mất cân bằng về quyền lực đang ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á. Về quan điểm của Indonesia đối với vai trò và lợi ích lâu dài của Trung Quốc trong khu vực, ông Rizal Sukma, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Jarkata, từng định nghĩa mối quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc là "sự mơ hồ chiến lược".

Sự mơ hồ bao trùm mối quan hệ giữa 2 nước một phần là do những lo ngại từ lịch sử. Bắc Kinh và Jakarta đã đình chỉ các mối quan hệ ngoại giao trong vòng 23 năm sau khi ông Suharto trở thành Tổng thống. Việc 2 bên nối lại quan hệ vào năm 1990 cũng không thể nào ngăn được một cuộc khủng hoảng khác năm 1994, có liên quan tới người Indonesia gốc Trung Quốc ở Bắc Sumatra. Năm 1998, trong thời điểm căng thẳng của Cuộc khủng hoảng Tài chính châu Á và các vụ bạo loạn ở Jakarta, người Indonesia gốc Trung Quốc một lần nữa lại trở thành mục tiêu, hàng nghìn người phải chạy ra nước ngoài.

Ngay cả khi 2 nước hiện đang thu được những lợi ích về kinh tế do duy trì mối quan hệ tốt, song Jakarta vẫn không thể nào không coi các hành động kiềm chế Trung Quốc tại đâu đó trong khu vực như một phần trong tư duy chiến lược của mình.

Điều đáng chú ý nhất là, gần đây, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), tướng Moeldoko đã thừa nhận rằng những thách thức chính của Indonesia trong tương lai gần là tranh chấp Biển Đông và an ninh biên giới. Hoàn toàn có lý do để tin rằng phát biểu này là tín hiệu về một sự thay đổi trong ưu tiên chiến lược của TNI, ít nhất là trong giới lãnh đạo quân đội.

Cả Bộ Ngoại giao Indonesia và TNI đều đồng quan điểm về mức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Hoa Đông hồi tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo rằng "Chúng tôi đã kiên quyết nói với Trung Quốc rằng chúng tôi không chấp nhận một khu vực như vậy tại biển Đông".

Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia đang khá yên ả, song những căng thẳng ở biển Đông vẫn tiếp tục âm ỉ. Vì thế, Jakarta nên tiếp tục thúc đẩy việc làm rõ vấn đề bằng một thoả thuận chính thức nhằm loại bỏ Vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo Natuna khỏi bản đồ đường lưỡi bò. Jakarta nên đặt các chính sách ngoại giao của mình vào một khuôn khổ chiến lược rộng lớn hơn - nhằm chủ động hơn trong việc quản lý môi trường hàng hải của mình. Trong những kịch bản trong tương lai có liên quan tới mình, Indonesia cần phải tính toán các bước đi nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia ở Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc.

Xem thêm Video:

Trung Quốc có thể đang dịch chuyển giàn khoan 981. Nguồn VTV

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại