GS Đệ nói gì về câu chuyện bác sĩ nhét tiền vào túi thầy tạ tội?

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - "Bất kể ngành nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp nhưng trong toàn xã hội ngành nào cũng “ăn tiền”, đó là ý kiến của GS Đặng Hanh Đệ.

LTS: Trong những ngày gần đây, khi dịch sởi đang bùng phát gây hoang mang dư luận thì những bất cập của ngành y tế lại được hâm nóng. Câu chuyện của "GS Võ Như Lành" được chia sẻ trên facebook của tác giả Huy Cường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người. Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có cuộc phỏng vấn GS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam - về câu chuyện trên.

Trước khi đến với những chia sẻ của GS Đệ, chúng tôi xin phép được đăng lại câu chuyện của "GS Võ Như Lành" để độc giả tiện theo dõi (một số chi tiết nhạy cảm đã được tòa soạn lược bỏ). 

- Một lần tôi về phép đúng vào dịp người em tôi bị đau vùng bụng cấp, rất nguy kịch, phải đi bệnh viện ngay ban đêm.

Là nhà nghề tôi leo lên xe đi cùng. Vào khu vực phòng cấp cứu, tôi vui mừng nhận ra vị trưởng phòng cấp cứu là BS H., một học trò giỏi của tôi trong trường y.

Khi khiêng băng ca vào phòng, hai lần tôi giáp mặt với BS H. nhưng tôi chợt nhận thấy hình như anh ta không muốn chào tôi.

Anh đeo khẩu trang nhưng làm sao tôi quên được vầng trán, ánh mắt, dáng đi của một SV đặc biệt đã học tôi 6 năm trời.

Và đêm ấy, theo gợi ý của cô y tá và sự chỉ dẫn của một người lạ, người nhà tôi phải chi ra 2 triệu bôi trơn cho kíp mổ.

Một tuần sau em tôi ra viện.

Tôi cầm tiền lên thanh toán viện phí và chủ trương đối diện với tay sinh viên xưa, nay đã trở thành kẻ bất trị này.

Khi tôi vào phòng y vụ, vừa chìa giấy tờ ra thì cô nhân viên chừng 30 tuổi đứng bật dậy, giọng nói trầm ấm, thân tình:

- Mời thầy đi theo em.

Mặc dù tôi chưa dậy cô này ngày nào nhưng nghe giọng nói thân thiện, tác phong rất chân tình, tôi vô thức bước theo cô.

Cô đưa tôi lên thẳng phòng …cấp cứu. Đến cửa, cô nói:

- Mời thầy vào, sếp em đang chờ thầy!.

Cô mở cửa ấn tôi vào căn phòng mát rượi và đi ra.

Khi chỉ còn hai người, BS H. ôm chầm lấy tôi. Anh nói ngay:

- Thầy ngồi đi, em biết là thầy giận em lắm. Rồi em sẽ giải thích ngay để thầy hiểu.

Tôi lắng nghe.

Vẫn con người ấy, thông minh, lanh lợi, tin cậy và thân tình. Anh ta nói:

“Và nếu hôm đó, thầy trò mình nhận nhau, tay bắt mặt mừng thì có thể, người nhà thầy…chết!.

Nếu kíp mổ nhận thấy họ đang phải thức ba tiếng đồng hồ giữa đêm khuya để mổ một ca không – phong – bì thì chất lượng chuyên môn, các biện pháp hỗ trợ sẽ chạy theo kiểu không – phong – bì thầy ạ.

Bởi vậy, khi gặp thầy, em làm lơ, tính sau kíp mổ sẽ gặp lại thì thầy đã về rồi.

Hôm nay, em xin tạ tội cùng thầy và em phải nói rằng, em có được như ngày hôm nay là nhờ thầy, Xin thầy đừng từ chối món quà này của em, coi như vài thang thuốc bổ để chăm sóc thầy khi không được gần thầy” .

H. nói rồi lấy một gói giấy mỏng, gói ghém chu đáo sẵn nhanh tay nhét vào túi trong áo veston của tôi.

Tôi hoàn toàn mất tự chủ.

Sự thể diễn ra hoàn toàn ngoài suy đoán, dự cảm của tôi. H. vẫn như cậu sinh viên hiếu hạnh, chu đáo và giỏi giang nằm xưa.

Cuối cùng, tôi hỏi:

- Tôi có dạy các anh làm thế không?.

- Dạ, thưa thầy, cái lỗi chính nằm ở chỗ ấy ạ. Cái chính là vì các thầy đã không dạy những cái đó, những cái cần – phải – dạy.

Tôi ớ ra, hỏi cho rõ thì BS H. nhẹ nhàng:

- Ngày làm luận văn tốt nghiệp, các thầy cho một câu hỏi: Người BS chế độ XHCN khác với người BS tư bản ở chỗ nào?.

Nếu ai trả lời rằng, điểm khác biệt đó là người BS XHCN không cần tiền bạc vẫn làm tốt chức phận của mình thì được điểm cao.

Thực tế không phải thế.

Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề. Hình như toàn bộ bi kịch là ở đây. Hình như chúng tôi có lỗi. Không có BS nào là không cần tiền cả. Tôi ngậm ngùi thăm hỏi hoàn cảnh BS H. Anh nói:

“ Sau khi ra trường, con về phục vụ tại một bệnh viện chuyên ngành chăm sóc cán bộ tại Hà Nội.

Bệnh nhân của BV này tòan loại VIP.

Đến bữa trưa, con đem cặp lồng cơm đã nguội hắt có vài cọng rau muống đen xì và nửa quả trứng kho mặn vợ chuẩn bị ra ăn trong khi những bệnh nhân kia chơi gà luộc nửa con, giò chả ngập chân răng và họ luôn có quyền bắt ne bắt nét chúng con.

Đến một lúc, con nghĩ: tại sao cùng là người sao họ sướng thế. Sao mình ra sức phục vụ, ăn học từng ấy năm, tận tụy, hiểm nguy mà khổ thế.

Phải “chặt”!.

Lần đầu con chặt, cầm cái phong bì hơi cũng run tay nhưng về sau quen dần, càng chặt càng bén, chặt nhát nào ra nhát ấy.

Về sau con cũng đứng lớp, cũng dạy học trò nghề y cao quý này, ra trường chúng cũng biết chặt, chúng chặt giỏi hơn con, chặt nhát nào ra nhát ấy”.

Tôi không biết nói gì lúc này nữa.

Trong không gian này, tôi không biết ai là thầy, ai là trò nữa. Hình như BS H. đang dạy cho tôi bài học vỡ lòng về sự bất hợp lý trong những vận động xã hội đã xảy ra, đang xảy ra.

Trên đường về, tôi giở phong bì ra, đếm được mười triệu. Tôi lẩm cẩm nghĩ: Lãi 8 triệu và một bài học quý từ cuộc sống, thôi thì….

Những tiêu cực trong ngành y tế sẽ còn dài chứ không dừng lại ở đây kể cả khi thay 3 Bộ trưởng.

Sau khi đọc câu chuyện trên, GS Đặng Hanh Đệ đã rất xúc động. “Cậu học trò trong câu chuyện này rất tế nhị và biết cách xử sự”, GS Đệ nhận xét.

GS. BS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch & lồng ngực Việt Nam
GS. BS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch & lồng ngực Việt Nam

“Thực ra những gì được tác giả đưa ra trong bài viết đó cũng chỉ đúng một phần và đó không phải là hiện tượng phổ biến, không phải là điển hình của ngành y bây giờ. Và tôi cho rằng, dư luận xã hội là không công bằng với ngành y. Vì tại sao nhiều ngành khác cũng nhận phong bì lại không lên án mà chỉ chực vào “phong bì” của ngành y tế?”, GS Đặng Hanh Đệ bày tỏ quan điểm trước câu chuyện phong bì của người học trò đưa cho thầy giáo và cái được gọi là “bi kịch của ngành y tế”, mà trước đó người học trò đã có lúc làm ngơ thầy chỉ vì để kíp mổ được diễn ra suôn sẻ.

GS Đệ cũng chia sẻ, đã có lúc mình nhận phong bì nhưng cái chính là cách cho chứ không phải là cái mang cho. Còn cách mặc cả để ra giá số tiền cụ thể mới thực hiện tốt ca mổ thì đó là điều cấm tuyệt đối. Còn khi bệnh nhân ra viện, họ tới cám ơn thì mình đàng hoàng nhận chứ không giấu giếm. Vì đây là công mình bỏ ra và họ cảm ơn bằng tất cả tấm lòng của họ.

“Câu chuyện là như thế đấy. Chứ tôi nghĩ mình từ chối không được đâu, từ chối ngay lúc đó là không đúng tâm lý của họ. Tôi vẫn rất nhớ những ngày đi làm, nhớ lắm, nhớ những bộ mặt của người nhà bệnh nhân. Họ lo lắng lắm nhưng mình không thể làm khác được. Cho nên những chuyện này, nhiều khi mình đau lòng quá nhưng trong xã hội như thế phải chấp nhận chứ làm sao được”, GS Đặng Hanh Đệ chia sẻ thêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính vì vậy, khi làm việc, GS Đặng Hanh Đệ chỉ dặn nhân viên trong khoa là: “Hoàn cảnh người nhà bệnh nhân như thế đấy. Họ cho mình cốt để cho con cái họ, người nhà họ tốt. Nên mình cứ làm tốt đi. Bản thân tôi cũng từng mang “quà” đi biếu bác sĩ sau khi con tôi sinh. Tôi cho đó là phong tục của một xã hội văn minh chứ không phải là sự hối lộ”.

Xã hội ngày nay đã phân tầng người giàu, người nghèo, nảy sinh những người luôn luôn có suy nghĩ là, tại sao mình cũng làm “đầu tắt mặt tối” mà mình lại không có được nhiều tiền như những người khác. Và họ tự dặn mình cũng phải cố gắng có tiền. Suy nghĩ đó tự nhiên nảy sinh ra và họ tìm cách kiếm tiền.

“Chúng ta cũng không nên hi vọng người này lên chức hay người kia lên chức thì chuyện hối lộ sẽ chìm xuống. Chỉ là một phần thôi. Điều quan trọng là phải có sự chung tay của cả xã hội”, GS Đệ bộc bạch.

Nhắc thêm về chuyện “phong bì” được coi là “bi kịch của ngành y” như người thầy trong câu chuyện có nói, GS Đệ nhấn mạnh: “Thực ra đây là tất cả các ngành chứ đâu phải ngành y. Bất kể ngành nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp nhưng trong toàn xã hội ngành nào cũng “ăn tiền”. Xã hội mình hiện nay còn nhiều bất cập nên mới thế. Còn ngành y đụng chạm đến con người, ngành giáo dục đụng tới thế hệ “măng non” nên nhiều người tập trung vào phê bình. Tôi hiểu tâm trạng xã hội”.

Xem clip Bộ trưởng Tiến nói về y đức ngành y:

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại