Động thái của Putin ở Crimea đập tan ảo tưởng suốt 3 đời TT Mỹ

Hùng Anh |

(Soha.vn) - "Putin thách thức mọi giả thuyết, khước từ mọi nỗ lực kết bạn của các tổng thống Mỹ. Ông tranh luận với họ, chỉ giáo họ, dắt mũi họ, bắt họ chờ đợi, bắt họ phỏng đoán."

Tờ New York Times (Mỹ) mới đây đã đăng tải bài phân tích về cách mà 3 đời Tổng thống Mỹ: Bill Clinton, George Bush và Barack Obama đối diện với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong thời gian họ đương chức.

Theo bài phân tích này, cả 3 tổng thống Mỹ dường như đều đã từng cố gắng coi Tổng thống Nga Putin ở đời thực giống với những gì mà họ tự suy luận để rồi sau đó, hết lần này tới lần khác, trở thành kẻ yếu thế trước những suy nghĩ và hành động mạnh mẽ của Putin.

Dưới đây là bài phân tích của New York Times:

Ảo tưởng kết bạn, hợp tác, điều khiển Putin

Đối với Bill Clinton, Putin là người lạnh lùng và nhiều toan tính, nhưng ông này cũng sớm đoán biết đây là một nhà lãnh đạo cứng rắn và giỏi giang. George W. Bush lại muốn làm bạn, kề vai sát cánh với Putin trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng rồi đã vỡ mộng sau đó.

Còn Barack Obama thì cố gắng lại gần con người này bằng cách xây dựng mối quan hệ với các nhân vật trong điện Kremlin. Cách tiếp cận này từng có ích trong một thời gian, song đã nhanh chóng xấu đi và khiến mối hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Suốt 15 năm qua, cái tên Vladimir Putin đã khiến cho nhiều đời Tổng thống Mỹ phải đau đầu khi cố gắng giải mã để rồi hết lần này đến lần khác đều có những nhận định sai lầm. Putin thách thức mọi giả thuyết, khước từ mọi nỗ lực kết bạn của các tổng thống Mỹ. Ông tranh luận với họ, chỉ giáo cho họ, dắt mũi họ, cáo buộc họ, bắt họ chờ đợi, bắt họ phỏng đoán, phản bội họ và bị họ phản bội.

Mỗi người trong số 3 vị Tổng thống Mỹ đều nỗ lực theo cách riêng của mình nhằm xây dựng mối quan hệ mang tính lịch sử nhưng rất khó nắm bắt với Nga, để rồi nhận ra rằng mọi cố gắng của mình đều tiêu tan bởi một bậc thầy võ thuật, một cựu đại tá KGB. Họ đã hình dung sai về Putin hoặc đã ảo tưởng rằng mình đủ sức điều khiển được người đàn ông vốn không bao giờ chấp nhận bị người khác điều khiển. Họ nhìn ông qua lăng kính chủ quan, tin tưởng ông sẽ sống giống như họ ngầm định. Và họ đã đánh giá quá thấp ý chí phản kháng quyết liệt của ông.

Khi mà Washington vẫn ôm những ảo tưởng, và thật khó có thể hình dung được rằng nó còn tồn tại cho tới thời điểm này, thì việc Putin kiểm soát Crimea rồi những đòn trừng phạt liên tiếp sau đó giữa 2 bên cuối cùng đã đập tan tất cả. Khi các lực lượng Nga đồn trú dọc biên giới Ukraine, đề tài tranh luận của người Mỹ đã phải chuyển từ việc làm thế nào để hợp tác sang làm thế nào để đối phó với Putin.

Tom Donilon, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đã nói rằng: "Ông ấy (Putin) đã tự công khai chính mình. Đó là người mà bạn phải đối mặt. Cứ vờ như không biết không phải là một cách".

Những trợ lý của cả 3 vị Tổng thống Mỹ đều có chung nhận định rằng nhà lãnh đạo của họ không hề xem nhẹ Putin, họ nhìn ra con người ông ấy, nhưng dường như họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc cố gắng xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn. Có thể một số chính sách của Mỹ đã gây bất lợi cho các cơ hội đó vì khiến Putin phật lòng. Và dù rằng đó là việc mở rộng khối NATO, cuộc chiến ở Iraq hay Libya, thì cuối cùng tất cả đều thừa nhận họ đang phải đối diện với một nhà lãnh đạo Nga về cơ bản là không ưa gì phương Tây.

"Tôi biết có một số lời chỉ trích kế hoạch tái khởi động (mối quan hệ của Mỹ - Nga) liệu có phải nước cờ sai lầm không", ông Donilon nói về chính sách của chính quyền Obama. "Câu trả lời là Không. Chính nó đã mang lại những kết quả trực diện, phù hợp với lợi ích của Mỹ."

Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Obama và hai người tiền nhiệm đã nhìn thấy những gì họ muốn thấy. "Phương Tây đã thống nhất quan điểm cho rằng Putin là một người theo chủ nghĩa thực dụng, người sẽ hợp tác với chúng ta bất cứ khi nào có đầy đủ lợi ích chung", ông James M. Goldgeier, Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học American University nhận định. "Chúng ta để cho niềm tin đó che mắt mình mà không nhận ra mục tiêu quá rõ ràng của Putin là muốn đảo ngược lại trật tự sau Chiến tranh Lạnh, trong đó Moscow đánh mất quyền kiểm soát phần lãnh thổ quan trọng và phải đứng nhìn phương Tây bành trướng".

Còn theo lời Dennis Blair, người đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia dưới thời Obama thì cho rằng các Tổng thống Mỹ có xu hướng nhìn nhận những người như ông Putin là bằng hữu. Theo ông này, các Tổng thống Mỹ nên nghĩ những nhà lãnh đạo như Putin "giống như các chính trị gia đối lập trong nước. Những đối thủ vui vẻ đạt được mục đích, hợp tác khi thấy có lợi, nhưng trong thâm tâm muốn làm suy yếu nước Mỹ, thì sớm hay muộn cũng sẽ chơi xấu Mỹ nếu có cơ hội và sẽ chỉ sát cánh với Mỹ chừng nào Mỹ còn mạnh hơn họ."

Eric S. Edelman, cựu Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Bush thì cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đã đánh giá quá cao khả năng của bản thân trong việc xoa dịu sự tức giận của Putin đối với phương Tây. "Nhiều đời Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây đều có xu hướng nhìn nhận rằng thái độ tức giận của Nga là một vấn đề không mấy quan trọng và có thể xoa dịu bằng cách cân nhắc lợi ích quốc gia Nga. Trên thực tế, những nỗ lực đó luôn bị coi là yếu kém".

Sau 15 năm, không một ai ở Washington còn coi Putin là đối tác nữa. Trên kênh truyền hình NBC ngày 23/3, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện Mỹ Mike Rogers cho rằng: "Ông ta nghĩ về Peter Đại đế lúc đi ngủ và nghĩ về Stalin khi thức dậy. Chúng ta cần hiểu ông ta là ai và ông ta muốn gì. Có thể nó không giống với những gì mà chúng ta tin rằng nên thuộc về thế kỷ 21".

Bill Clinton: Từ tin tưởng, hoài nghi tới bị phớt lờ

Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với Putin, mặc dù họ không phải va chạm với nhau trong một thời gian dài. Trong phần lớn nhiệm kỳ của mình, Clinton cố gắng xây đắp mối quan hệ khăng khít với Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin, người tiền nhiệm của Putin. Ông Clinton đã buộc phải đặt niềm tin vào người được ông Yeltsin đích thân lựa chọn làm Thủ tướng Nga năm 1999 và sau đó là nhậm chức Tổng thống vào đúng đêm Giao thừa.

Putin và Bill Clinton trong một cuộc gặp gỡ.

Putin và Bill Clinton trong một cuộc gặp gỡ.

Trong hồi ký của mình, Clinton viết: "Tôi rời cuộc họp với niềm tin rằng ông Yeltsin đã chọn lựa được người kế nhiệm có năng lực đảm đương những công việc khó khăn nhưng cần thiết, để điều hành một nước Nga hỗn loạn cả về đời sống chính trị lẫn kinh tế tốt hơn so với ông Yeltsin, khi đó đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe". Khi quyết định lựa chọn Putin được chính thức phê chuẩn trong cuộc bầu cử tháng 3/2000, ông Clinton đã gọi điện chúc mừng ông Putin và theo như những gì ông viết trong hồi ký thì "tôi gác máy mà lòng tự nhủ ông ta đủ cứng rắn để đoàn kết cả nước Nga.”

Mặc dù vậy, Clinton cũng có những lo lắng của riêng mình, đặc biệt là khi Putin tiến hành một cuộc chiến mạnh tay tại nước cộng hòa ly khai Chechnya và kiểm soát các phương tiện truyền thông độc lập. Clinton đã phải thúc giục ông Yeltsin để mắt hơn tới người kế nhiệm mình. Ông cũng cảm thấy bị Putin phớt lờ, bởi dường như khi nhà lãnh đạo Nga tỏ ra không hứng thú hợp tác với một vị tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Nhưng thời điểm đó, đa phần mọi người nhìn nhận Putin như một người theo đuổi việc hiện đại hóa, một người có khả năng củng cố giá trị nguyên mẫu của chế độ dân chủ và chủ nghĩa tư bản mà ông Yeltsin đã mang tới cho nước Nga. Rất nhanh chóng, Putin cải tổ hệ thống luật pháp về thuế, đất đai và tư pháp. Như những gì ông Strobe Talbott, cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton đã viết trong cuốn sách của mình về giai đoạn đó, thì George F. Kennan, một học giả có tiếng, chuyên nghiên cứu về chính sách của Liên Xô cũ, đã nhận định rằng Putin "đủ sức trẻ, đủ khéo léo và đủ thực tế để hiểu rằng thời kỳ quá độ ở Nga đòi hỏi ông không chỉ áp dụng cơ cấu quyền lực đó, mà còn phải biến đổi nó."

"Tôi gọi điện để chúc mừng ông ấy và khi gác máy, tôi đã tự nhủ rằng ông ấy đủ cứng rắn để đoàn kết Nga lại với nhau và rằng hi vọng ông ấy đủ thông minh để tìm được một lối thoát danh dự cho vấn đề Chechnya, cũng như đủ trung thành với nền dân chủ để bảo vệ nó" - Trích hồi kí "Cuộc đời tôi" của cựu Tổng thống Bill Clinton, đoạn viết về chiến thắng của Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000.

 

(Còn nữa...)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại