Chuyện SEA Games: Vàng để làm gì!?

Tôi còn nhớ SEA Games 1993 tại Singapore, cố nhà báo Tường Vy đã viết bài “Bóng mây u ám trên bầu trời SEA Games” dự báo về những tiêu cực làm vẩn đục sự trong sáng cần có của TT.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng những gì mà SEA Games đang bị ta thán chẳng phải là chuyện mới, chẳng qua nó đã vượt quá giới hạn chịu đựng của người hâm mộ.

SEA Games 27 tại Myanmar ít nhất có năm trường hợp VĐV VN khóc tức tưởi vì bị cho là trọng tài xử lý không công bằng, thiên vị chủ nhà. Thậm chí khá nhiều thông tin nói về sự tiến bộ bất thường của thể thao Myanmar khi tại SEA Games 26 họ chỉ đoạt 16 HCV, nhưng là nước đăng cai nên Myanmar đã có trên 70 HCV năm nay. Hai năm, quả là một cú “nhảy vọt” khủng khiếp.

Nhưng nói người phải nhìn lại mình. SEA Games 21 tại Malaysia, thể thao VN xếp hạng tư với 33 HCV thì tại SEA Games 22, thể thao VN nhảy lên dẫn đầu với 158 HCV. Khi đóng vai là nước chủ nhà, thành tích của thể thao Myanmar và VN tăng xấp xỉ 500%!

Không chỉ có Myanmar hay VN mà gần như tất cả các nước đăng cai SEA Games đều có thành tích tăng vọt như vậy (nhưng không khủng khiếp bằng). Nhảy vọt chỉ trong hai năm ngắn ngủi chắc chắn không thể do tài năng vượt trội. Và như vậy thì câu trả lời chắc không quá khó.

 	Ánh Viên trên đường đua xanh. Đây là một trong vài điểm sáng hiếm hoi của thể thao VN

Ánh Viên trên đường đua xanh. Đây là một trong vài điểm sáng hiếm hoi của thể thao VN

Ngay sau khi bóng đá nam bị loại từ vòng đấu bảng, không ít độc giả đã chia sẻ: với họ SEA Games 27 đã kết thúc. Có thể chưa sòng phẳng nhưng không thể phủ nhận một thực tế bóng đá là môn thể thao mà ai cũng có thể chơi, và chính vì tính đại trà này nó luôn là môn thể thao lôi cuốn và chi phối tình cảm của người hâm mộ. Nhưng không chỉ có bóng đá, hàng loạt môn bóng có sức thu hút cao như: bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ... luôn có hàng triệu tín đồ thì thể thao VN hoàn toàn trắng tay.

SEA Games - đại hội thể thao Đông Nam Á được ví như một Olympic thu nhỏ dành cho khu vực có thành tích thể thao thấp nhất thế giới. Nhưng ngay trong Olympic thu nhỏ này lại có quá nhiều môn chẳng giống ai được “phình” ra để giúp nước chủ nhà thâu tóm huy chương, nhất là những môn mang nặng tính biểu diễn (rất dễ có huy chương theo cảm tính của trọng tài).

Đã có một câu hỏi đặt ra là các nước Đông Nam Á cần nhiều vàng như vậy để làm gì? Điều đó không phải là thước đo năng lực của thể thao một quốc gia so với tương quan chung của thế giới. Ai cũng biết thể thao đỉnh cao là tinh hoa của thể thao phong trào và thành tích của các ngôi sao có tác động trực tiếp và chi phối đến người chơi, góp phần làm cho sức khỏe của đất nước được nâng cao. Nếu so sánh như vậy thì 158 HCV của VN tại SEA Games 22 hay hơn 70 HCV của Myanmar tại SEA Games 27 rõ ràng không hề có sức thuyết phục.

Không thể không nhìn nhận những cố gắng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” của các VĐV trong quá trình tập luyện và tinh thần quyết đấu vì màu cờ sắc áo của họ để đoạt được HCV. Phần thưởng 40 triệu đồng (HCV) dành cho họ cũng tương xứng với những gì họ đã bỏ ra. Nhưng đứng ở cấp độ quản lý thì những HCV đó có giá trị gì trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư? Nếu như 5-10 năm nữa, SEA Games được đưa về đúng với khuôn mẫu của thể thao thế giới thì một lớp VĐV, HLV đoạt HCV hôm nay sẽ đi về đâu?

Trong kinh doanh, định hướng sai sẽ giết chết một doanh nghiệp, còn trong thể thao, định hướng đầu tư không đúng sẽ làm lãng phí một thế hệ VĐV.

Cũng may là trong số HCV của chúng ta lần này có tới 10 HCV điền kinh và 5 HCV bơi lội. Đây mới thật sự là bước tiến, là thước đo về sức mạnh của thể thao một quốc gia theo khuôn mẫu chung của thể thao thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại