Nhiều tướng lĩnh, chuyên gia nổi tiếng giao lưu trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

BBT |

(Soha.vn) - Đúng 9h00 ngày 23/8/2013, hai ngày trước ngày sinh lần thứ 103 của vị Đại tướng huyền thoại, Báo điện tử Trí thức trẻ sẽ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với nhiều vị tướng, tá nổi tiếng của quân đội nhân dân Việt Nam, các nhà sử học, các trợ lý và chuyên gia hàng đầu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Các vị khách mời trong buổi giao lưu gồm có: Trung tướng Lê Hữu Đức, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Trung tướng Phạm Xuân Xuân Thệ, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Thiếu tướng Mai Năng, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tá Trần Trọng Trung, Đại tá Trần Hồng.

Trung tướng Lê Hữu Đức (nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu) năm nay đã gần 90 tuổi. Những vết thương chiến tranh - 17 lần bị thương và gửi lại một cánh tay trên chiến trường - đã khiến sức khỏe của ông không còn được tốt từ nhiều năm nay. Nhưng khi nhận được lời mời tham gia giao lưu trực tuyến để chia sẻ về Đại tướng, ông lập tức nhận lời, dù phải nằm tại nhà trả lời câu hỏi của độc giả.

	Trung tướng Lê Hữu Đức

Trung tướng Lê Hữu Đức

Nói về vị Tổng tư lệnh của mình, người được mệnh danh là “Hổ cụt đường 9 nam Lào” và đã từng bị Mỹ Ngụy treo giải thưởng nhiều ngàn đô cho ai lấy được đầu, nói: “Cách làm việc dân chủ chính là điều mà tôi khâm phục nhất ở “anh Văn”.  Anh luôn tiếp thu, chắt lọc từ nhiều ý kiến trong các cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến để có được một lựa chọn tối ưu nhất cho từng trận đánh. Anh đề cao những người đi sau như chúng tôi và cho rằng những người trẻ hơn luôn có những tiếp cận mới mẻ và nhiều sáng kiến...”

Là một người làm việc dưới quyền Đại tướng lâu năm, chắc chắn Trung tướng Lê Hữu Đức sẽ có nhiều điều để chia sẻ cùng độc giả.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Trung tướng Lê Hữu Đức về Đại tướng tại đây)

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh quân khu 4, nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên) năm nay bước vào tuổi 88. Hơn 30 năm lăn lộn hết chiến trường này sang chiến trường khác, ông ít có điều kiện làm việc trực tiếp với Đại tướng. Nhưng là một người cầm quân, ông thấu hiểu quan điểm và tài nghệ dụng binh của Người Anh cả quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1975, để chuẩn bị “đòn phủ đầu chiến lược” đánh vào Buôn Mê Thuột – cú đột phá khẩu cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông đã được thay mặt Mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội báo cáo trực tiếp tình hình với Đại tướng và các vị lãnh đạo khác.

	Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Trên chiến trường, ông là một vị tướng quyết đoán, còn trên nghị trường, ông là một đại biểu Quốc hội (3 khóa) quyết liệt. Người đời đã ca ngợi sự dám nói dám làm và hiệu quả của ông trên diễn đàn QH bằng câu “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (các ĐBQH: Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc).

Tâm huyết với sự trăn trở của Đại tướng đối với vận mệnh nước nhà, tướng Thước đã từng phát biểu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi bọn tham nhũng là “nội xâm”, còn tôi gọi là “lũ giặc”.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại đây)

Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) là tác giả của cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”. Trong rất nhiều điều ấn tượng về người Tổng tư lệnh của mình, tướng Cư thấy một điều không bao giờ cũ, đó là quyết định của Đại tướng thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. 

Ông xúc động: "Đây là một quyết định dũng cảm và sáng suốt. Đại tướng gần như đã đi ngược lại quan điểm của cố vấn nước bạn và Đảng ủy lúc đó. Ông dám nghĩ, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm.

Tôi biết, hơn chục ngày đêm suy nghĩ để theo dõi tình hình trước quyết định, Đại tướng hầu như không ngủ được. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, làm cho đồng chí y sĩ buộc phải nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt…Và tôi biết, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của ông... Quyết định này là yếu tố mấu chốt làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”

	Trung tướng Phạm Hồng Cư

Trung tướng Phạm Hồng Cư

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Trung tướng Phạm Hồng Cư tại đây)

Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên tư lệnh Quân khu 1, anh hùng lực lượng vũ trang) chính là người bắt sống và áp giải tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập ra Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30.4.1975. 

Tướng Thệ cho rằng ông và đồng đội có được sứ mệnh vinh quang tiến vào Dinh Độc lập sớm nhất ngày 30.4.1975 là nhờ vào một bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh. Đó là bức điện truyền mệnh lệnh của Đại tướng tháng 4.1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến Đảng viên và chiến sĩ”.

Nhiều tướng lĩnh, chuyên gia nổi tiếng giao lưu trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trung tướng Phạm Xuân Thệ

Tướng Thệ kể: “Bức điện của Đại tướng như hồi trống giục, khiến tôi quên hết lửa đạn, xông thẳng vào “bộ não” của chính quyền Việt Nam cộng hòa, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn và bắt chúng đầu hàng vô điều kiện để nhanh chóng kết thúc chiến tranh”.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Tướng Thệ tại đây)

Thiếu tướng Lê Mã Lương (anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) là người có câu nói đã từng được bao thế hệ nằm lòng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.

Là người lính chiến trường, tướng Lương không có điều kiện làm việc trực tiếp với Đại tướng, nhưng tài quân sự, tấm gương của Đại tướng luôn góp phần động viên ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả trong thời chiến và thời bình.

	Thiếu tướng Lê Mã Lương

Thiếu tướng Lê Mã Lương và người bạn đời

Sau này, trên cương vị Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông đã có cơ hội để hiểu rõ về đường binh nghiệp của Đại tướng thông qua việc tìm hiểu, sưu tầm những hiện vật liên quan đến Đại tướng và các chiến dịch Đại tướng chỉ huy.

Tướng Lương sẽ chia sẻ với độc giả một khía cạnh khác thú vị về Đại tướng.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Thiếu tướng Lê Mã Lương tại đây)

Thiếu tướng Mai Năng (anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên tư lệnh binh chủng Đặc công) hiện sống tại Hải Phòng, nhưng nhận được lời mời giao lưu trực tuyến, vị tướng 86 tuổi đã vui vẻ lên Hà Nội tham gia.

Ký ức đáng nhớ nhất của vị tướng già chính là việc tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa theo chỉ thị kịp thời và thần tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

	Tướng Mai Năng

Tướng Mai Năng

Ông kể: Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, với những đòn tấn công của quân giải phóng, hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam dần bị phá vỡ. Đây cũng chính là thời khắc Quân chủng Hải quân nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhanh chóng tổ chức lực lượng, giải phóng các quần đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi bàn với nhau: Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đã đến là đánh và quyết thắng ngay từ trận đầu, hoàn thành nhiệm vụ Đại tướng Tổng Tư lệnh giao.

Từ những năm tháng ấy, Thiếu tướng Mai Năng đã hiểu được tầm nhìn chiến lược về biển đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sẵn sàng chia sẻ cảm nhận, đánh giá của ông về vị thống soái của quân đội nhân dân Việt Nam.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Tướng Mai Năng tại đây)

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam). Với tầm hiểu biết sâu rộng và bản lĩnh của một nhà nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc đã có những đóng góp to lớn trên diễn đàn Quốc hội cũng như góp phần tìm tòi, công bố nhiều tư liệu lịch sử quý giá, đặc biệt là về Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.

Ông có may mắn được Đại tướng cho phép tham dự nhiều sự kiện đặc biệt: Hai lần gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Nammara (1995, 1997), hay lần ông và gia đình tiếp con trai cố tổng thống Mỹ Kennedy năm 1998…

	Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc

Ông Quốc nhớ lại khi hỏi Đại tướng về việc nhiều người đề xuất tấn phong Đại tướng hàm Nguyên Soái, Đại tướng khoát tay cười lớn: “Thôi, thôi, đấy không phải là việc của tôi. Tôi sống và đã cống hiến một cách tự nguyện, tôi đã sống một cách thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu… Với tôi, chỉ làm theo lời dạy và chính tấm gương của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. Tôi nhận nhiệm vụ và tôi hoàn thành nhiệm vụ...".

Ông Quốc cũng cho rằng có một số điều cần phải làm rõ hơn nữa về tài năng kiệt xuất và sự nghiệp của Đại tướng. Vì vậy, những chia sẻ của ông Quốc sẽ mang lại nhiều thông tin quý cho độc giả.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc tại đây)

Đại tá Nguyễn Huyên (Trợ lý lâu năm của Đại tướng). Gần 40 năm phục vụ Đại tướng, đại tá Nguyễn Huyên vừa thấu hiểu thói quen, tính cách Đại tướng vừa biết rất nhiều câu chuyện đặc biệt của “anh Văn”.

Đại tá Huyên tâm sự: “Đại tướng luôn lắng nghe, quan tâm tới ý kiến của cấp dưới chứ không áp đặt. Có lần, tôi nói rằng tôi thấy sự việc đó Đại tướng xử lý chưa chuẩn lắm. Lúc đầu, ông không đồng tình với quan điểm của tôi nhưng hôm sau, ông vỗ vai tôi bảo: “Hôm qua cậu nói đúng đấy”.

	Đại tá Nguyễn Huyên

Đại tá Nguyễn Huyên

Ông Huyên khẳng định: “Một lần, người ta hỏi tôi có phải Đại tướng treo chữ “Nhẫn” trong nhà không. Tôi nói thẳng với họ rằng trong nhà Đại tướng không hề có chữ “Nhẫn” nào cả và tính cách của ông cũng không bao giờ chịu nhẫn nhục để yên thân hay được việc cho mình. Nếu có, trong nhà Đại tướng chỉ treo duy nhất chữ “Tâm”.

Chắc chắn còn nhiều câu chuyện về Đại tướng mà người trợ lý trọn đời này chưa bao giờ kể.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Đại tá Nguyễn Huyên tại đây)

Đại tá Trần Trọng Trung (nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả sách: Võ Nguyên Giáp – Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh). Trong các công trình nghiên cứu của mình, Đại tá Trần Trọng Trung đã có phát hiện thú vị: Trong đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại tới 10 danh tướng. Trong đó có 7 đại tướng của Pháp và 3 tướng của Mỹ.

	Đại tá Trần Trọng Trung

Đại tá Trần Trọng Trung

Đại tá Trần Trọng Trung nhớ lại một kỷ niệm không thể quên: “Một trong những sự kiện tôi không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời được làm việc với Đại tướng là năm 1948, biết tôi sắp lấy vợ, gia đình lại quá khó khăn, Đại tướng đã báo với đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh lúc bấy giờ chi cho tôi 200 đồng để sắm một bộ quần áo mới cho chú rể và mua sắm một số thứ cho lễ cưới. Đại tướng cũng tự mình sang Tuyên Quang có lời với tỉnh ủy để tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Điều đó đã nói lên tất cả tình cảm của Đại tướng dành cho chúng tôi.”

Những câu chuyện về "Anh Văn" còn rất nhiều trong ký ức của vị đại tá già.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Đại tá Trần Trọng Trung tại đây)

Đại tá Trần Hồng (Nguyên Phóng viên Báo Quân đội nhân dân) là được đánh giá là người có tài sản vô giá về ảnh chụp Đại tướng. Ông tâm sự: "Không hiểu sao, mỗi lần gần Đại tướng, ngắm ông qua ống kính máy ảnh, ông cứ liên tưởng tới Bác Hồ. Có lẽ vì Đại tướng luôn nghĩ về Bác, thường nói về Bác, và trong mỗi cử chỉ, phong cách ứng xử lẫn chiều sâu trí tuệ của ông có cái gì đó rất gần, rất giống với Bác".

	Đại tá Trần Hồng

Đại tá Trần Hồng với Đại tướng.

Gần 20 năm được tiếp cận với Đại tướng, Trần Hồng có may mắn và vinh dự được Đại tướng dành cho ưu ái đặc biệt là có thể chụp ảnh ông tại tư gia bất cứ lúc nào. Gần 2.000 bức ảnh màu và đen trắng được ông rút ra từ hàng ngàn cuốn phim đã khắc họa được nhiều sắc thái chân dung Đại tướng.

Đại tá nhà báo Trần Hồng chắc chắn sẽ có những câu chuyện rất thú vị về Đại tướng, nhất là những khoảnh khắc đặc biệt.

(Gửi câu hỏi giao lưu tới Đại tá Trần Hồng về Đại tướng tại đây)

Mọi câu hỏi tới các vị khách mời trong buổi giao lưu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như lời chúc mừng ngày sinh lần thứ 103 của Đại tướng, độc giả vui lòng gửi thư về địa chỉ email: tkts@soha.vn

Đặc biệt, chúng tôi sẽ gửi tặng 10 cuốn sách "Võ Nguyên Giáp chiến thắng bằng mọi giá" cho 10 độc giả có câu hỏi, lời chúc hay nhất.

Ngoài ra để có cơ hội đến gặp mặt, giao lưu trực tiếp, chụp ảnh lưu niệm cùng các vị tướng ngay tại tòa soạn, độc giả vui lòng gửi thư đăng ký vào địa chỉ email: tkts@soha.vn

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại