Top 10 tỷ phú Việt: Người thăng hạng, kẻ bật bãi

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, những biến động của nền kinh tế, trên thị trường chứng khoán đã khiến vị trí của các tỷ phú trong tốp đầu trên TTCK xáo trộn liên tục.

Nhiều người kiếm đậm đã thăng hạng, trong khi không ít người vơi túi bị tụt hạng, rớt khỏi tốp dẫn đầu.

Top 10: Kẻ vào người ra

Trái ngược với sự ổn định của tốp 10 người giàu nhất trên TTCK các năm trước đây, trong những tháng đầu năm 2013 danh sách những người giàu nhất này bị đảo lộn liên tục.

Tính tới cuối phiên giao dịch ngày 1/8, ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lại rơi về vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK.

Với hơn 101 triệu cổ phiếu HPG giá 30.300 đồng/cp, tổng giá trị tài sản của đại gia gốc Hải Dương đã tụt xuống chỉ còn hơn 3.062 tỷ đồng, kém bà Phạm Thu Hương (vợ đại gia giàu nhất trên TTCK, ông Phạm Nhật Vượng) khoảng 50 tỷ đồng.

Top 10 tỷ phú Việt: Người thăng hạng, kẻ bật bãi
 

Trước đó chỉ khoảng một tuần, cổ phiếu HPG tăng mạnh, tổng tài sản tăng thêm trên 70 tỷ đồng chỉ sau một ngày, ông Trần Đình Long đã giành lại vị trí thứ 3 vốn đã bị tuột trong phút chót vào cuối quý II/2013.

Sự chênh lệch khá ít giữa vị trí thứ 3 và thứ 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK đã tạo ra những biến động liên tục trong danh sách này nhưng đó chưa phải là những biến động nổi bật nhất.

Trong nửa đầu năm 2013, TTCK đã chứng kiến hàng loạt sự thay đổi trong danh sách những tỷ phủ hàng đầu của Việt Nam. Ông chủ Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ và đại gia Thủy sản Hùng Vương Dương Ngọc Minh đã bất ngờ gia nhập tốp 10 người giàu nhất TTCK nhờ những biến đông mạnh trên thị trường này.

Xếp ở vị trí thứ 7 với khoảng 1.800 tỷ đồng, ông Lê Phước Vũ là người đánh bại tất cả các đối thủ khác về tốc độ gia tăng tài sản của mình (cả về mức tăng tuyệt đối lẫn tương đối). Trong 6 tháng đầu năm, tài sản của doanh nhân Lê Phước Vũ đã tăng 115% (tương đương +943 tỷ đồng) - một con số quá ấn tượng trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch Thủy sản Hùng Vương cũng nhanh chóng chiếm vị trí thứ 10 với tốc độ tăng tài sản gần 60%.

Ở chiều ngược lại, giới đầu tư chứng kiến đại gia BĐS Nguyễn Văn Đạt (chủ tịch Phát Đạt) và chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải rớt khỏi tốp này do giá trị tài sản giảm tương ứng 500 và 650 tỷ đồng.

Nhưng biến động đáng kể nhất có lẽ là trường hợp cha con ông Đặng Văn Thành . Với việc bị Sacombank bán cổ phiếu để cấn trừ nợ, ông Đặng Văn Thành đã ngay lập tức biến mất khỏi bảng xếp hạng, vốn ông đã ngự trị trong rất nhiều năm qua. Ông Đặng Hồng Anh (con trai ông Thành) vẫn còn một số cổ phiếu ở Sacombank và Sacomreal nhưng cũng nhanh chóng rớt khỏi danh sách 50 người giàu nhất.

Trường hợp ông Đặng Thành Tâm - người giàu nhất TTCK năm 2007 rớt xuống vị trí thứ 11 cũng là một biến động đáng kể gần đây. Dù sau đó có thời điểm ông Tâm đã trở lại top 10 nhưng vị trí đó không vững chắc.

Cạnh tranh vị trí số 3?

Nhìn vào tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng và sự gia tăng vị thế của cổ phiếu VIC có thể thấy, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đang giữ rất vững vị trí dẫn đầu của mình với gần 18.000 tỷ đồng giá trị tài sản quy theo cổ phiếu.

Tài sản của ông Vượng lớn hơn rất nhiều so với người đứng vị trí kế tiếp là ông Đoàn Nguyên Đức, bầu Đức - người hiện đang nắm giữ khối lượng cổ phiếu trị giá khoảng 6.400 tỷ đồng.

Ở các vị trí tiếp theo là ông Trần Đình Long và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) cùng nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo có tài sản trị giá 2.000 tỷ đồng đổ xuống

Có thể thấy, với tình trạng hiện tại, vị trí số 1 gần như không thể lay chuyển trong thời gian tới. Ông Vượng đã giữ ngôi vị này trong 2 năm trước (2010 và 2011). Vị trí số 2 vẫn là cơ hội cho 3 gương mặt: bầu Đức. Còn ông Long và bà Hương đang so kè cho vị trí số 3.

Top 10 tỷ phú Việt: Người thăng hạng, kẻ bật bãi
 

Trên thực tế, khả năng chuyển cổ phiếu từ ông Vượng sang bà Hương là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, ông chủ kín tiếng của Tập đoàn Hòa Phát lại đang sở hữu một khối tài sản rất lớn và có tỷ suất sinh lời cao. Đây là một trong các nhân vật dù khó có cơ hội bắt kịp được đại gia Đoàn Nguyên Đức nhưng việc chiếm một vị trí top 3 vũng vàng là hoàn toàn có thể.

Không những thế, hiện tại, so với bầu Đức, ông Trần Đình Long mới có tài sản quy từ cổ phiếu chỉ bằng khoảng 50% đại gia Gia Lai. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá cổ phiếu cũng như triển vọng phát triển của HPG đang mở ra một cơ hội để ông Long theo đuổi bầu Đức trên bảng xếp hạng những người giàu nhất Việt Nam.

Điều đáng nói là, cho dù bầu Đức có tầm nhìn dài hạn, có những bước đi mang tầm quốc tế nhưng lại đang khó khăn về dòng tiền cho các đại dự án quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng ở nhiều nước trong khu vực. Doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức gần đây rất thấp và nguồn thu lớn trong tương lai (từ cao su, BĐS Myanmar) cũng khá xa xôi. Trong khi đó, Hòa Phát của ông Long đang duy trì doanh thu năm sau cao hơn năm trước, và kế hoạch cho năm 2013 là 18.500 tỷ đồng.

Ngoài ông Long, TTCK còn biết đến một đại gia cũng khá kín tiếng khác là ông Nguyễn Đăng Quang (chồng bà Nguyễn Hoàng Yến - người giàu thứ 6 trên TTCK Việt Nam). Trên thực tế, nếu tính gián tiếp qua các công ty liên quan và tài sản chung của người thân, ông Quang có tổng tài sản rất lớn, xấp xỉ bằng con số gần tỷ USD của đại gia Vượng.

Bên cạnh những người có doanh nghiệp niêm yết trên sàn, còn khá nhiều doanh nhân có độ giàu có thuộc hàng tỷ phú hoặc ngấp nghé tỷ phú USD cũng có thể là những ứng cử viên nếu họ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại