Tử tù học chữ để viết thư căn dặn gia đình

Lá thư đầu tiên Phủ viết về cho gia đình chỉ vỏn vẹn có một câu nhưng hết cả trang giấy với đầy lỗi chính tả khiến “ông thầy” là tử tù Đinh Anh Sơn không khỏi bật cười.

Hai lần bị bác đơn xin tha tội chết, Phủ vẫn cười tươi vì “còn sống là còn hy vọng”. Trong mỗi lá thư viết về cho người thân, Phủ căn dặn đủ điều như thể đó cũng là cách gây dựng niềm tin cho bản thân mỗi ngày.

Sự lạc quan ấy có lẽ chỉ có ở tử tù Phàn Văn Phủ, sinh năm 1980, trú tại bản Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, Lào Cai. Phủ là người dân tộc Dao, bị bắt còn chưa biết chữ nhưng sau 3 năm sống trong trại giam, anh ta đã đọc thông, viết thạo.

Chưa được tiền công đã khoác án tử

Hiếm có tử tù nào lạc quan về cái chết như Phủ. Hơn nghìn đêm có lẻ sống trong phòng biệt giam, vậy mà nếu có ai hỏi có sợ chết không, Phủ bao giờ cũng cười cười bảo “cứ nghĩ như một lần đi săn, chẳng may chân bước hụt xuống vực”.

Phủ sinh ra trong một gia đình đông anh em, sống tít trên núi cao nên chuyện xuống núi đi chợ còn hiếm nói gì tới việc học hành. Ngoài những lần họa hoằn đi chợ đường biên, đổi những thứ săn bắn được lấy nhu yếu phẩm ra, họ chẳng đi đến đâu.

Thế nên vừa bước vào tuổi 34, Phủ ngỡ ngàng khi đứa con trai vào thăm, thông báo vừa kéo được vợ. Sang năm Phủ sẽ thành ông nội.

	Tử tù Phàn Văn Phủ.

Tử tù Phàn Văn Phủ.

Hay đi chợ đường biên nhưng vì mù chữ, không biết tính tiền nên lần nào đi Phủ cũng kéo Phàn Sen Ngáo, một thanh niên trong họ, kém Phủ 9 tuổi, đi cùng. Nhà Ngáo giàu vì có rừng thảo quả nên lần nào đi, Ngáo cũng mang xe máy chở Phủ.

Một ngày giáp tết năm 2009, Phủ theo Ngáo về chợ huyện chơi, được 2 người đàn ông ăn mặc như ở dưới xuôi lên, làm quen. Họ mời anh em Phủ ăn thắng cố, uống rượu ngô rồi lôi trong túi ra một chiếc lọ bé như ngón tay, hỏi có không để mua lại. Không biết là thứ gì, Phủ hỏi thì được giải thích là tân dược, bên Trung Quốc rất sẵn. Nếu anh em Phủ mua về, họ sẽ mua lại với giá 7.000 đồng một ống. Ngáo đồng ý và hẹn phiên chợ sau sẽ gặp lại.

Sáng hôm sau, Ngáo cùng Phủ đi chợ Mường Khương, đem theo ống thuốc nước làm mẫu để tìm hàng nhưng không có. Gặp 1 người đàn ông Trung Quốc, Ngáo giơ ống nước mẫu kia ra hỏi thì nhận được trả lời rằng muốn mua bao nhiêu cũng có, giá 500 đồng một ống. Thấy quá lời, Ngáo đặt mua 6.000 ống tân dược, hẹn giao hàng ở khu vực đường biên.

Vì không có tiền nên Phủ bán ổ chó được 200.000 đồng, còn Ngáo lấy thảo quả bán trộm được 3 triệu đồng. Cả hai phóng xe máy tới điểm hẹn là thôn Sản Hồ, một khu vực giáp biên của huyện Mường Khương để gặp người đàn ông Trung Quốc nọ.

Tại đây, sau một hồi tính toán, họ đổi số tiền đem theo lấy 6.000 ống tân dược rồi chằng vào sau xe máy, định đợi tới phiên chợ sẽ mang đi bán. Nhưng chưa kịp thực hiện thì cả 2 bị bắt giữ. Với tang vật là 5.998 ống thuốc tân dược gây nghiện (2 ống do quá trình vận chuyển, bị chằng chặt nên vỡ), Ngáo bị kết án chung thân, còn Phủ nhận bản án cao nhất.

Học chữ trong phòng biệt giam

“Ngày vào phòng biệt giam , thấy một chân bị cùm, em cứ nghĩ án dài mà các bạn tù bảo là thế này đây, không biết là bị bắt phải chết”, Phủ tâm sự. Rồi khi biết phải trả giá bằng mạng sống, anh ta lại toe toét rằng coi như đi rừng sẩy chân ngã xuống vực. Phủ bảo nghĩ thế cho nhẹ lòng, để đầu óc còn học cái chữ.

Hỏi Phủ sao lại thích học chữ , anh ta bảo vì thấy bạn tù viết thư về cho gia đình, bỗng dưng cũng muốn căn dặn con cái, người thân vài điều nên cố học.

	Đơn xin giảm án tử hình của Phủ.

Đơn xin giảm án tử hình của Phủ.

Được bạn tù cùng buồng chỉ bảo, mãi rồi Phủ cũng biết đọc, biết viết. Lá thư đầu tiên Phủ viết về cho gia đình chỉ vẹn vẹn có một câu nhưng hết cả trang giấy với đầy lỗi chính tả khiến “ông thầy” là tử tù Đinh Anh Sơn không khỏi bật cười. Phủ lại cố gắng viết nhỏ hơn để những thư sau được đôi ba dòng.

Không chỉ viết thư về cho gia đình, Phủ còn tự tay viết đơn gửi Chủ tịch nước xin được tha tội chết. Hai lần viết thư xin ân xá là chừng ấy lần bị khước từ nhưng Phủ vẫn không thôi hy vọng. Phủ bảo nghĩ đến bị bắt phải chết ai mà chẳng sợ, nhưng đã vào hoàn cảnh này rồi có khóc hay sợ thì vẫn thế thôi.

“Em chỉ tiếc là bị bắt chết còn trẻ quá, không được nhìn thấy con cháu”, Phủ nói, không cười.

Trong sâu thẳm, tử tù này vẫn tin rằng sẽ được tha tội chết nhưng thư nào về cho gia đình cũng căn dặn mọi người hãy đùm bọc lẫn nhau.

Phủ căn dặn vợ phải quan tâm nhiều hơn đến con, dặn bố mẹ, anh chị em hãy thương yêu vợ con mình… Những dòng chữ ấy xem ra anh ta đang tự động viên mình nhiều hơn thì phải.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại