Tiêm vắc-xin hết hạn khác gì tiêm thuốc độc vào cơ thể

Hà Thu |

(Soha.vn) - Vắc-xin cũng là thuốc. Thuốc chữa được bệnh thì thuốc cũng giết được người. Sử dụng vắc-xin hết hạn khác gì liều thuốc độc…

Trước một loạt các sai sót trong tiêm chủng được phát hiện trong thời gian vừa qua, từ việc tiêm thiếu liều vắc-xin tại Hà Nội, tiêm vắc-xin hết hạn sử dụng cho trẻ em tại Tuy Hòa (Phú Yên), dư luận đang vô cùng bất bình, hoang mang, nghi ngại, mất niềm tin với công tác tiêm chủng.

Điều đáng nói hơn là những sai sót này lại xảy ra trong hoạt động tiêm chủng dịch vụ. Nó làm ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng nói chung và tiêm chủng mở rộng nói riêng.

Chia sẻ quan điểm trước một loạt những sai sót này, GS. TS Nguyễn Thu Nhạn – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam tỏ ra vô cùng bất bình trước những sai phạm của các nhân viện tiêm chủng.

GS. Nhạn cho biết: “Vắc-xin cũng là một loại thuốc. Thuốc chữa được bệnh thì thuốc cũng giết được người. Sử dụng vắc-xin khác gì liều thuốc độc. Bởi lẽ, sau khi hết hạn sử dụng, tác dụng để bảo vệ và phòng ngừa bệnh của vắc-xin không còn đủ. Một số thành phần trong vắc-xin và thuốc có thể biến chất gây hại cho cơ thể.

Điều bất bình hơn là nhân viên tiêm chủng, những người hiểu hơn ai hết tác dụng, tác hại của vắc-xin, lại thản nhiên tiêm những liều "thuốc độc" ấy vào cơ thể của trẻ. Đó là một sai phạm vô cùng lớn và nghiêm trọng…”


	GS. TS Nguyễn Thu Nhạn – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam

GS. TS Nguyễn Thu Nhạn – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam

Cũng theo GS. Nguyễn Thu Nhạn, vắc-xin là chế phẩm có tính  kháng nguyên  dùng để tạo  miễn dịch đặc hiệu  chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Cơ chế hoạt động của vắc-xin khi vào cơ thể người tuân thủ nguyên tắc, hệ miễn dịch nhận diện vắc-xin là vật lạ nên hủy diệt chúng và "ghi nhớ" chúng. Về sau, khi tác nhân gây bệnh thực sự xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng hơn và hữu hiệu hơn.

Do đó, việc tiêm phòng vắc-xin có ý nghĩa phòng bệnh vô cùng quan trọng với sức khỏe của con người.

GS. Nhạn cũng nhấn mạnh, vắc xin an toàn là vắc-xin còn hạn sử dụng. Tiêm chủng an toàn là tiêm đúng cách, đủ liều lượng vắc-xin. Để làm được điều đó, nhân viên tiêm chủng phải là những người được tập huấn về công tác tiêm chủng, phải nắm chắc được về cơ chế hoạt động của các loại vắc-xin, tác dụng cũng như tác hại của từng loại vắc-xin.

“Việc ăn bớt vắc-xin, tiêm vắc-xin hết hạn cho trẻ là những sai phạm không thể tha thứ. Việc làm này không đơn thuần là sự trục lợi mà còn để lại những hậu quả, hệ lụy xã hội khó lường. Lỗi lầm của những nhân viên này vô cùng lớn, vi phạm nguyên tắc đạo đức của người thầy thuốc.

Thiết nghĩ, cần phải có hình thức kỷ luật nặng cho những nhân viên này. Buộc thôi việc thôi vẫn là chưa đủ và chưa xứng tội. Họ không còn xứng đáng được làm việc trong ngành y nữa…” GS. Nguyễn Thu Nhạn nêu quan điểm.

Trước hàng loạt những sai phạm về công tác tiêm chủng đã được phanh phui trong thời gian qua, ngày 22/5, Thứ trưởng – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản gửi, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh cần tiến hành ngay việc kiểm tra nhằm chấn chỉnh công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại