Tấm vé giả & bi kịch bóng đá Việt

Theo Khampha |

Khán giả đang kéo đến các sân cỏ ở V-League ngày một nhiều, nhưng các CLB có giữ được ngọn lửa ấy cháy đến hết mùa giải hay không lại là chuyện khác.

* Mơ được khán giả … chiếu cố

Ngồi trên khán đài sân Gò Đậu theo dõi trận đấu giữa B.BD và ĐT.LA, một lãnh đạo đội bóng đất Thủ Dầu Một đã buồn bã, thở dài nói: “Giá như Gò Đậu được khán giả “chiếu cố” đến cổ vũ như sân Vinh thì tốt biết mấy…”

Không buồn sao được, trận đấu từng được coi là derby bóng đá miền Nam giữa B.BD và ĐT.LA mà khán đài lại trống hoác như vậy. Không thở dài sao được, khi mà hai đội bóng là thế lực một thời ở V-League giờ lại đang vật vã trong cuộc chiến…trụ hạng.

Không chạnh lòng sao được, khi mà trận đấu diễn ra cùng giờ giữa SLNA và V.Ninh Bình, Ban tổ chức sân Vinh phải tìm đủ mọi cách để…hạn chế khán giả vào sân. Một nghịch lý, đáng buồn thay đang xuất hiện ở bóng đá Việt Nam. Đặc biệt hơn, một sự kiện chưa từng diễn ra trong lịch sử V-League khi đã có những tấm vé giả được bán cho người hâm mộ xứ Nghệ ở trận SLNA-V.Ninh Bình (28/4).

 - 1
Đã có những tấm vé giả được bán cho người hâm mộ xứ Nghệ ở trận SLNA-V.Ninh Bình (28/4)

Vé giả xuất hiện là thông tin đáng báo động với Ban tổ chức địa phương. Tuy nhiên đó lại là một tín hiệu…đáng mừng với V-League, bởi từ trước đến nay, chưa bao giờ người ta nghĩ đến chuyện có thể thu lợi từ những chiếc vé như vậy (dù là bất chính). Nhất là trong bối cảnh, bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng như thời gian qua.

Chẳng nói đâu xa, người ta thống kê đã có hơn 12.000 khán giả đến sân Chi Lăng theo dõi trận đấu giữa SHB.Đà Nẵng và CLB Maziya ở AFC Cup vừa qua. Con số ấy chẳng có gì đặc biệt nếu trận đấu trên diễn ra cùng thời điểm mà dường như mọi con mắt của người dân Đà Nẵng đều đang hướng về bờ sông Hàn theo dõi Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013.

Nhưng chuyện những tấm vé giả cũng chỉ ra một sự thật đáng buồn của bóng đá Việt Nam. Bao năm qua, bóng đá Việt Nam “mải mê” lên chuyên nghiệp quá mà dường như đã bỏ quên mất người hâm mộ. Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn (Thể Công) đã từng phát biểu rằng: “Cầu thủ thế hệ bây giờ tôi tin rất nhiều người chưa từng có cảm giác rạo rực khi thi đấu giữa biển người. Đấy là nỗi đau với đời cầu thủ chuyên nghiệp…”

Đúng vậy, V-League đã ra đời hơn chục năm nay, nhưng thử hỏi trong số các cầu thủ đã và đang thi đấu ở giải đấu cao nhất của Việt Nam, mấy ai vì người hâm mộ mà đá? Họ ra sân vì tiền lương, vì tiền thưởng là phần nhiều. Các ông bầu làm bóng đá vì những toan tính riêng của mình, hay nói thẳng ra thì vì thương hiệu của họ, chứ thử đếm có bao nhiêu ông bầu tâm huyết bỏ tiền làm bóng đá vì người hâm mộ?

* Cuộc vui được mấy hồi?

Cống hiến và phục vụ hết mình vì người hâm mộ dường như là những mục tiêu thứ yếu của các CLB Việt Nam thời gian qua khi yếu tố tài chính luôn là gánh nặng với phần lớn các CLB trong nước. Cũng có thể hiểu đó là lý do tại sao những đội bóng giàu truyền thống như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Nam Định…đã dần dần không còn chỗ đứng. Cũng đã từng có thời khán giả kéo đến đầy ắp những sân Gò Đậu, Thống Nhất, Hàng Đẫy…nhưng rồi chính cái cách làm bóng đá theo kiểu “chuyên nghiệp” của các ông bầu đã khiến những khán đài ấy ngày một thưa thớt.

Bán vé là nguồn thu không thể thiếu với các CLB chuyên nghiệp. Bán được nhiều vé đồng nghĩa với việc thương hiệu của CLB được nâng lên tầm cao mới. Từ đó, có thể dẫn đến hàng loạt những nguồn thu khác như bản quyền truyền hình, quảng cáo cũng như các dịch vụ ăn theo khác. Tất cả đều nhờ vào sự hiện diện của khán giả trên các khán đài.

Nhưng muốn khán giả trở lại sân cỏ, không chỉ đá hay, đá đẹp, mà các CLB cũng cần phải có truyền thống và sự phát triển lâu dài. SLNA có thể là một mô hình cần được nhân rộng ở V-League. Họ là đội bóng hiếm hoi ra sân vì màu cờ sắc áo địa phương, vì truyền thống của một lò đào tạo trẻ đã gây dựng được nền tảng vững chắc và vì người hâm mộ.

Hiệu ứng từ SLNA và những CĐV tuyệt vời của họ phần nào khiến những sân cỏ ở V-League bớt nguội lạnh hơn rất nhiều. Nhưng các CLB, cầu thủ và các ông bầu có giữ được ngọn lửa từ các khán đài ấy cháy đến hết mùa giải hay không lại là một chuyện chuyện hoàn toàn khác. V-League bao mùa giải qua dù được ca tụng hay đến mấy thì cũng chỉ sôi động đến hết lượt đi là cùng, bởi ở lượt về (nhất là những vòng đấu cuối), các CLB ra sân đá vì những mối quan hệ, những toan tính riêng chứ đâu còn cống hiến vì khán giả nữa…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại