Kỳ lạ chuyện tình của vợ chồng đồng tính "khác dấu"

Theo Giadinh.net |

Trong thói quen suy nghĩ của nhiều người, những người đồng tính thường rơi vào những bi kịch và tình cảm. Đặc biệt là những cặp đôi khi đến với nhau mà lại giấu giới tính thật.

Nhưng chuyện tình của anh Nguyễn Văn Chầm (49 tuổi) và chị Phạm Thị Lâm (48 tuổi) ở Gia Lương, Gia Lộc (Hải Dương) đã vượt qua mọi ranh giới thông thường đó.

Mặc dù đều là người đồng tính "khác dấu" nhưng sau 25 năm kết hôn, có với nhau ba mặt con họ vẫn chung sống với nhau cực kỳ hạnh phúc dù đã công khai với giới tính thật của mình.

Anh Nguyễn Văn Chầm.

Bị cả làng đảo cách xưng hô

Những ngày cuối năm, Gia Lương rộn ràng với mùa thu hoạch rau quả, con đường nào dẫn vào làng cũng tấp nập xe cộ, đầy ắp tiếng nói cười. Chọn một người phụ nữ đứng tuổi để hỏi đường vào nhà anh Chầm ở thôn Thành Lập, tôi nhận được cái lắc đầu nguầy nguậy.

Rồi khi tôi nổ máy xe để chuẩn bị đi tiếp thì người phụ nữ này bất ngờ bất ngờ "á" lên một tiếng thật to rồi hỏi lại: "Nhà thím Chầm, chú Lâm đấy phỏng?".

Tôi nhanh nhảu đáp lại: "Nhà anh Chầm ở thôn Thành Lập chứ không phải thím". Người phụ nữ nghe tôi nói vậy liên cười phá lên, những người hóng chuyện bên cạnh cũng đồng thanh cười rất sảng khoái khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng.

Hóa ra, nguyên cả làng này, từ người lớn đến trẻ con, ai cũng gọi anh Nguyễn Văn Chầm là "thím" và vợ anh là "chú". Cách gọi ấy quen thuộc với người dân đến nỗi có ai gọi khác đi thì họ không hề nhận ra.

Căn nhà mái bằng của vợ chồng anh Chầm, chị Lâm nằm quay lưng ra trục đường chính dẫn vào thôn. Tuy nhiên, chỉ mới đầu giờ chiều mà nhà cửa vắng vẻ đến lạ lùng.

Phải mất nhiều lần gọi cửa mới thấy một người đàn ông có nước da hơi ngăm đen, giọng nói eo éo, nhẹ nhàng bước ra đón khách. Chỉ cần nhìn cái sự nữ tính toát ra ở dáng đi và giọng nói tôi đã nhận ra ngay đây chính là nhân vật mình đang tìm gặp.

Anh Chầm cho biết, vợ anh đi làm ở khu công nghiệp cách nhà 6 km nên tối mới có mặt ở nhà. Con gái lớn của anh làm việc ở TP. Hải Dương thi thoảng mới về. Con gái út đang học lớp 11, cả ngày ở trường, chỉ trưa mới tạt về nhà ăn cơm.

Ở nhà chủ yếu có anh và cô con gái thứ hai đang học Trường Cao đẳng Kinh tế Hải Dương nhưng hôm nay cô con gái có việc nên cũng đi từ sớm.

"Bình thường giờ này tôi cũng không mấy khi ở nhà vì hay đi chơi với đám bạn đồng tính ở các làng trong huyện hoặc trên TP. Hải Dương", anh Chầm nói thêm.

Không giống những người thuộc giới tính thứ ba mà tôi từng gặp, anh Chầm khá cởi mở và thẳng thắn. Mới bước vào câu chuyện, anh đã oang oang những điều về giới tính của mình cho tôi hay mà không hề ngần ngại.

Anh Chầm bảo: "Cả làng này ai chẳng biết gia đình tôi toàn người đồng tính. Thế nên có ai gọi tôi là anh hay chú hoặc ông bao giờ đâu. Người ta toàn gọi tôi là cô, thím, dì hoặc bà. Mà họ gọi một cách thân tình, vui vẻ chứ không có ý miệt thị, trêu chọc gì hết.

Nghe người ta gọi thế tôi càng thích vì mình giống đàn bà con gái thì người ta gọi thế đâu có gì sai. Tôi thà cho người ta biết tôi như thế để sống cho thoải mái còn hơn dấu dấu giếm giếm để rồi sống nơm nớp, lo sợ…".

Không những thế, anh Chầm còn khoe từng được rất nhiều người đồng tính tìm về tận nhà xin kết bạn. Thậm chí còn có nhiếp ảnh gia tìm về chụp ảnh anh để tổ chức triển lãm.

"Tôi thấy mọi thứ đối với mình đều bình thường, không có gì khác biệt cả, thành ra tôi cứ sống như vậy thôi. Thậm chí bạn bè của các con đến nhà tôi chơi bảo với con tôi là "bố mày như đàn bà ý nhỉ?" tôi cũng thấy bình thường.

Làng tôi cũng có một vài người giống tôi nhưng họ phần lớn chanh chua, đanh đá, ghê gớm nên người làng ai cũng ghét. Còn tôi không bao giờ gây gổ với ai, sống hòa đồng và thân thiện với mọi người nên ai cũng quý.

Người ta thường hay nói những người như chúng tôi hay đồng bóng và mê tín nhưng tôi thì có tín tâm chùa chiền nhưng không mê tín dị đoan, kiểu nói gì tin nấy. Tôi không thích mấy trò hầu đồng hầu bóng hay bói toán này nọ mặc dù bạn bè tôi trong giới hầu đồng hay bói toán lại rất nhiều", anh Chầm tự hào khẳng định.

Đám cưới bị ép và đêm tân hôn hiếm có

Anh Chầm cho biết, ngay từ khi còn nhỏ đã thích chơi với bạn gái và những trò của con gái. Tuy nhiên khi đó khái niệm đồng tính vẫn rất xa lạ nên không ai nhận ra. Lớn lên, anh cảm nhận được sự khác biệt của mình với những bạn trai cùng lứa nhưng không dám bày tỏ cùng ai.

Cũng như nhiều thanh niên khác, sau khi học xong anh đi bộ đội. Đây là quãng thời gian rất đặc biệt vì chính trong môi trường quân ngũ anh đã trải qua cuộc tình đồng tính thực sự đầu tiên.

Ngày ra quân, Chầm trở lại quê nhà với bao hoài bão và dự tính về một cuộc sống mới. Anh tính sẽ nhờ ông chú làm ở huyện kiếm cho một chân làm ở kho bạc để thoát li sẽ có cớ để thoái thác hoặc trì hoãn chuyện vợ con. Nhưng mới về nhà được khoảng 3 tháng thì mẹ anh đột ngột qua đời vì bạo bệnh.

Trong cơn đau đớn tột cùng của nỗi đau mất mẹ lại lo sợ phải đối diện với việc gia đình bắt lấy vợ, Chầm đã nói thật và cầu cứu ông chú họ lo cho một việc làm. Ông chú họ sau khi biết nỗi khổ của cháu cũng đã tìm mọi cách chạy vạy nhưng lần nào cũng bất thành. Mọi việc cứ diễn ra như một định mệnh đã được an bài.

Vợ chồng anh Chầm chị Lâm và ba cô con gái.

Sau nhiều ngày tháng chờ đợi công việc, một ngày bố gọi Chầm lên và quả quyết: "Mày phải lấy vợ trong tháng tới. Mày phải lấy để tao còn lo lắng cho mày xong tao còn lo việc của tao".

Thực tế, khi đó bố Chầm mới 55 tuổi và ông muốn lo chuyện vợ con cho cậu con trai út xong cũng sẽ tục huyền với người mới. Ông không muốn tuổi già sẽ sống cô đơn một mình mà cũng không muốn sống chung với các con vì không hợp tính.

"Trong khi tôi đang tìm mọi cách trì hoãn thì nghe bố nói thế mà lạnh sống lưng. Nghĩ đến chuyện lấy vợ là tôi lo mình sẽ không thể làm chồng được vì mình có thích đàn bà con gái đâu.

Nhưng bố đã nói vậy thì tôi không dám cãi lời và không có cách nào để trốn tránh được nữa. Dù vậy, nỗi lo sợ lúc nào cũng thường trực trong đầu khiến tôi mất ăn mất ngủ.

Thực sự lúc đó tôi vô cùng hoang mang và bế tắc. Tôi cầu cứu khắp thể mọi người như một bệnh nhân sắp đối mặt với án tử vậy", anh Chầm nhớ lại.

Thương Chầm, bạn bè trong xóm có dẫn anh đến nhà một số cô gái ở làng bên để tìm hiểu nhưng anh chẳng ưa ai. Có người rất thích anh thì anh lại toàn tìm cách tránh mặt. Trong khi đó, gia đình lại ra sức hối thúc chuyện lấy vợ.

"Lúc đó nhà tôi (tức chị Phạm Thị Lâm) đã 23 tuổi chưa có ai mà lại ở gần nhà. Tìm hiểu tôi thấy cô này cũng cao ráo xinh xắn lại hay lam hay làm nên đánh liều ra có nhời với chú thím tôi. Sở dĩ nói với chú thím tôi là vì thím chính là con bác ruột của Lâm.

Khi tôi mở lời, thím tôi bảo: "Đời nào nhà bên đó chịu gả con gái người ta cho mày". Tôi phải thuyết phục mãi thím mới chịu ra gặp bố mẹ của Lâm. Không ngờ ông bà khi nghe lời cũng gật đầu đồng ý.

Lúc đó, 23 tuổi mà chưa có chồng ở quê coi như bị "quá lứa lỡ thì" nên tôi cũng nghĩ chắc ông bà cũng muốn gả quách cho xong, đâu biết cô ấy cũng có nỗi khổ giống mình".

Chỉ 20 ngày quen biết, đám cưới của hai người diễn ra trong sự mừng vui của hai họ và xóm làng. Tất nhiên, cả anh Chầm và chị Lâm chưa ai hé răng một lời về giới tính thật của mình.

Anh Chầm kể, sau khi quan khách ra về, nhìn mặt trời lặn dần về phía Tây mà lòng anh như lửa đốt. Đáng lẽ chú rể nào cũng háo hức đợi đến đêm tân hôn, riêng anh thì cứ nghĩ đến thời khắc khi màn đêm xuống, còn lại một mình với vợ trong phòng riêng mà toát mồ hôi hột.

Sau khi đã thay quần áo, bước vào phòng tân hôn, anh lẩy bẩy như một người trúng gió. "Nói thật là tôi sợ đêm tân hôn không thể làm nổi chức năng đàn ông và như vậy thì sẽ bị vợ chê thì ê mặt lắm.

Đêm hôm ấy, phải cố gắng lắm tôi mới thực hiện xong nhiệm vụ của người chồng. Những đêm hôm sau, cứ mỗi lần màn đêm buông là tôi lại sợ vã mồ hôi".

Kỳ tới: Những quy tắc duy trì hạnh phúc gia đình có một không hai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại