"Sorry ATM"

Theo Lao động |

Một số hãng hàng không liên tục chậm chuyến, huỷ chuyến đã bị gọi bằng cái tên khá “quen thuộc”: Sorry Airlines. Đối với các cây rút tiền ATM, với “hoàn cảnh đáng thương” như hiện nay, có vẻ như sẽ có một cái tên nữa ra đời: Sorry ATM.

Dân bức xúc, doạ “quay lưng”

Như đã biết, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN quy định về phí thẻ ghi nợ nội địa (ATM) sẽ được áp dụng từ ngày 1/3/2013. Vậy mà qua ghi nhận của phóng viên trên địa bàn thủ đô, các cây ATM rõ ràng là không đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của người dân, tóm lại là không xứng đáng để... thu phí.

Số lượng cây ATM ở Hà Nội hiện quá ít, trong đó nhiều cây hư hỏng kéo dài hoặc thường rơi vào tình trạng hết tiền. Trước cổng Ngân hàng Agribank Cầu Giấy (99 Trần Đăng Ninh) có ba cây, nhưng hai trong số này luôn ở tình trạng “chân thành xin lỗi quý khách”.

Bạn Hoàng Văn Cường (sinh viên ĐH Quốc gia) chia sẻ: “Mỗi tháng bố mẹ gửi cho 2 triệu, nhưng em không rút cùng một lúc mà chia làm nhiều lần. Đầu tháng rút một nửa trả tiền nhà, góp tiền ăn, nửa tháng sau hoặc khi cần mới rút tiếp số còn lại. Nếu quy định được áp dụng chắc em sẽ rút một lần”.

Đây cũng là ý kiến của rất nhiều công nhân, cán bộ có thu nhập thấp khác. Một câu hỏi được đặt ra: Nếu khách hàng rút hết tiền một lần để khỏi tốn phí thì liệu ngân hàng có đủ tiền mặt để tiếp tiền kịp cho máy ATM hay không?

Một điểm bất cập, quy định của các ngân hàng chỉ rút tối đa 5 triệu đồng/lần, như thế nếu khách hàng muốn rút nhiều tiền hơn quy định sẽ mất nhiều lần tiền phí, cộng dồn số tiền chủ thẻ sử dụng ATM phải chịu lại sẽ là một con số “khủng”.

 

Ở góc độ khác, ông Kiều Oanh (Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) nêu ý kiến: “Thu phí là cần thiết, nhưng cần phải dùng tiền đó để tăng cường chất lượng phục vụ”. Theo bác Oanh : “Mỗi lần đi rút tiền rất vất vả, bác thường rút tiền khi đi làm về, nhưng đây cũng là giờ cao điểm của cây ATM, nếu không muốn chen chúc lại phải tranh thủ trốn làm đi rút cho đỡ “tắc”.

Ngao ngán vì chạy đến cây thứ 3 vẫn chưa thể thực hiện giao dịch được, anh Trần Văn Việt (công nhân Cty nội thất Gia Phát) bức xúc nói: “Có hôm cần dùng tiền gấp, đứng xếp hàng nửa tiếng đồng hồ mới đến lượt mình vào rút thì cây thông báo hết tiền”.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu cố thu phí trong khi chất lượng dịch vụ ATM như hiện nay thì chính ngân hàng sẽ chịu thiệt khi khách hàng quay lưng lại dịch vụ.

Ngân hàng “lãi khủng”

Một chuyên gia phân tích: Hiện hệ thống ATM trên toàn quốc có khoảng 13.920 cây. Số tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ khoảng 40 triệu. Số dư tiền để trong thẻ gần 70.000 tỉ đồng.

Giá máy ATM hiện nay từ 10.000 – 15.000USD một máy. Lấy giá bình quân mức cao 15.000USD (hơn 300 triệu đồng) thì với 13.920 cây ATM hiện có, ngân hàng phải bỏ ra 4.176 tỉ đồng.

Nếu thu phí rút tiền nội mạng 3.000 đồng/lần thì với 40 triệu tài khoản, nếu mỗi tài khoản rút 3 lần trong một tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là: 40 triệu x 9.000 đồng = 360 tỉ đồng. Một năm sẽ là 4.320 tỉ đồng.

Nếu tính cả chi phí lắp đặt, thuê mặt bằng, nhân công, bảo dưỡng... (cứ cho là bằng khoản tiền bỏ ra mua máy) thì cũng chỉ hai năm sau với khoản thu phí này ngân hàng đã hoàn vốn đầu tư ban đầu. Mà một máy ATM có tuổi thọ bao nhiêu? Chắc không dưới 10 năm!

Một khoản lãi khủng. Các ngân hàng còn thu phí quản lý thẻ 3.300 đồng mỗi tháng. Với 40 triệu thẻ thì số tiền này mỗi năm ngân hàng thu được là 40 triệu x 3.300 đồng x 12 tháng = 1.584 tỉ đồng.

Ấy là chưa kể lãi từ số dư tiền gửi qua thẻ; phí rút tiền 3.300 đồng/lượt, phí kiểm tra thông tin và in sao kê tài khoản 1.650 đồng/lượt, phí chuyển tiền 3.000 đồng/lượt... trung bình mỗi năm ngân hàng bỏ túi tổng giá trị giao dịch khoảng 200.000 tỉ đồng từ các chủ thẻ ATM. Lãi như thế mà các ngân hàng vẫn kêu lỗ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại