Nhập viện vì quá chén mừng năm mới

Theo Vnexpress |

Chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 7 ca ngộ độc rượu, hầu hết là thanh niên, sinh viên.

Nhân dịp cuối năm, Quang, 22 tuổi, Long Biên, Hà Nội, cùng bạn bè làm bữa nhậu liên hoan. Về đến nhà, bệnh nhân không hôn mê nhưng nôn rất nhiều. Một ngày sau thì nhập viện cấp cứu vì nôn ra máu.

Theo các bác sĩ, vì nôn nhiều nên vùng niêm mạc giữa tâm vị và thực quản bị rách, khiến bệnh nhân nôn ra máu. Bệnh nhân uống rượu quá nhiều, bị ngộ độc biến chứng không phải ở thần kinh mà đường tiêu hóa. Chiều 1/1, bệnh nhân được xuất viện nhưng sẽ phải đi khám tiêu hóa.

Trường hợp khác cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai là nam bệnh nhân 22 tuổi ở Điện Biên. 3 tiếng sau khi uống rượu, bệnh nhân bị co giật. Rất may, chàng thanh niên bị ngộ độc vì rượu ethanol thông thường chứ không phải rượu pha cồn công nghiệp methanol. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh và được xuất viện ngày 1/1/2013.

11205904-ngodocruou1-jpg-1357093051_500x

Một trường hợp cấp cứu vì ngộ độc rượu. Ảnh minh họa: Hà An.

Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu không đơn giản như nhiều bệnh nhân nghĩ giải rượu rồi lại tỉnh, nó có thể để lại nhiều di chứng cho sức khỏe, thậm chí là nguy kịch đến tính mạng.

Bình thường, nếu say rượu do ethanol thông thường không gây co giật, trạng thái đầu tiên là kích thích, bệnh nhân nói nhiều, mất kiểm soát, rất dễ nổi khùng, đánh nhau. Mức cao hơn đi vào hôn mê, cao hơn nữa bị co giật.

Tuy nhiên, thực tế rất ít bệnh nhân đến mức co giật. Có thể họ uống số lượng rượu nhiều đến mức đạt ngưỡng này rồi nhưng vì uống thường xuyên nên nâng dần ngưỡng lên. Chính vì thế, người nghiện rượu uống rất nhiều nhưng không co giật, nhưng họ lại bị bệnh khác.

“Uống quá nhiều rượu đến mức ngộ độc rất nguy hiểm. Chưa nói đến tác hại của rượu với sức khỏe, thế nhưng chỉ việc bệnh nhân uống nhiều đến mức ngã ra đường đã là rất nguy hiểm...", bác sĩ Chính nói.

Ngoài ra, ngộ độc rượu nặng còn có thể dẫn đến tiêu cơ. Những mảnh vỡ từ cơ dập nát gây ra tắc thận, suy thận. Trường hợp nặng cũng gây ra hội chứng tiêu cơ vân, nếu không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, dù có giữ được tính mạng, người bệnh cũng sẽ mang di chứng suốt đời, bị suy thận, sống nhờ lọc máu chạy thận, bác sĩ Chính khuyến cáo.

Các bác sĩ khuyến cáo, các trường hợp ngộ độc rượu nặng phải nhập viện không hiếm, chủ yếu đều rơi vào tình trạng hôn mê, có các biến chứng như: khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, thậm chí hôn mê sâu, dẫn đến tử vong. Vì thế, uống rượu cần có chừng mực và nên ý thức để tự hạn chế. Uống nhiều rượu trong lúc đói, nhất là những loại rượu có chứa cồn công nghiệp là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc cấp tính. Trẻ em, người già yếu, người mắc bệnh gan hoặc đang dùng thuốc chống lao, chống co giật nếu uống một lượng rượu nhỏ cũng dễ bị ngộ độc.

Ngoài ra, cần tìm mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tránh những loại rượu giả, kém chất lượng, rượu pha cồn, methanol.

Ngay từ khi có biểu hiện say rượu, người nhà cần chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tìm cách để người bệnh nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Nên cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Sau vài giờ nên gọi bệnh nhân dậy cho ăn sữa hoặc cháo. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, loạn nhịp tim... phải đưa đi cấp cứu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại