Thu phí ATM nội mạng có phải là bắt bí người tiêu dùng?

Kim Chi |

Có ý kiến cho rằng, thu phí ATM là không thuyết phục, nhất là áp dụng trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan quản lý cũng cân nhắc nhiều về thời điểm dự kiến áp dụng cũng như mức phí và lộ trình thu phí giao dịch ATM nội mạng. Về lâu dài, khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển kéo theo lượng rút tiền từ ATM giảm đi tương đối, các ngân hàng có thể cân đối lại doanh thu, chi phí để có mức thu phí rút tiền ATM phù hợp hoặc thậm chí là không thu.

Gần đây, NHNN có ban hành Dự thảo “Thông tư quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa" để lấy ý kiến . Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng tình với việc thu phí rút tiền ATM nội mạng.

Có ý kiến cho rằng, thu phí ATM là không thuyết phục, nhất là áp dụng trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Vậy nhưng, trên thực tế, việc thu phí ATM (nếu có) cũng nhằm dung hòa lợi ích các bên và cân đối phần nào chi phí đầu tư ATM của các ngân hàng

Ngân hàng cũng đã đồng hành với khó khăn của khách hàng

Thực tế, vấn đề về thu phí giao dịch ATM nội mạng không phải là vấn đề mới mà đã được đặt ra từ năm 2008 theo đề xuất của Hội thẻ Ngân hàng đại diện cho các ngân hàng hội viên. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố trong đó, có tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao, cần thêm thời gian nghiên cứu thấu đáo nên NHNN tạm thời chưa chấp nhận đề xuất trên của Hội thẻ.

 

Để đảm bảo việc thu phí giao dịch ATM của các ngân hàng theo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với các quy định pháp luật, ngay từ đầu năm 2012, NHNN đã triển khai xây dựng dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, với cơ chế và khung biểu phí cụ thể. Theo đó, mức thu phí sẽ theo lộ trình tránh “sốc”, miễn phí 1 năm đầu cho người sử dụng, năm thứ 2 áp dụng thu ở mức 1/3, năm thứ 3 là 2/3 và năm thứ 4 mới thu toàn bộ .

Như vậy, kể từ khi dịch vụ thẻ ATM bắt đầu giới thiệu vào Việt Nam từ đầu năm 2000, sau một thời gian dài hơn 10 năm thực hiện chính sách miễn, giảm phí trong đó có phí phát hành, thường niên, rút tiền nội mạng đến bây giờ vấn đề thu phí rút tiền ATM mới được chính thức đặt ra. Còn tính từ thời điểm kinh tế khó khăn là năm 2008, các ngân hàng cũng đã đồng hành với khó khăn của khách hàng được gần 5 năm.

Số dư “đọng” lại trong nhiều tài khoản thẻ là rất ít

Trước quan điểm khách hàng thiệt đơn, thiệt kép nghĩa là ngoài thiệt về lãi suất trên tài khoản nay còn mất phí rút tiền, Vụ Thanh toán - NHNN cũng lý giải, ngoài lý do là tài khoản thẻ có bản chất là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nên không thể so sánh với lãi suất tiền gửi tiết kiệm được.

Một điểm khác biệt nữa của thị trường thẻ Việt Nam là khách hàng thường có khuynh hướng rút tiền ATM ngay khi được trả lương, thu nhập bởi vậy số dư “đọng” lại trong nhiều tài khoản thẻ là rất ít, ngân hàng không thu được nhiều lợi ích từ dòng tiền, số dư ổn định hay từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản thẻ mà lại khá vất vả để quản lý sự biến động này.

Cân đối phần nào chi phí

 

Trong giai đoạn hiện nay, mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng (nếu có) không nhằm vào việc bù đắp, thu hồi toàn bộ chi phí giao dịch mà chỉ giúp các ngân hàng cân đối phần nào chi phí bỏ ra, có thêm động lực đầu tư, mở rộng mạng lưới ATM và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng thời, việc thu phí cũng gián tiếp giúp dịch chuyển, định hướng lại hành vi, thói quen sử dụng dịch vụ từ sử dụng tiền mặt quá mức, nhiều khi không cần thiết (ví dụ: rút tiền mặt ATM tại siêu thị để mua hàng, rút tiền mặt khối lượng lớn tại ATM để chi trả trực tiếp...) sang thanh toán thẻ, thanh toán điện tử phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Thu phí sẽ theo một lộ trình có kiểm soát

NHNN đã dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ thẻ nội địa với định hướng có sự điều tiết, giám sát của Nhà nước trong quá trình thu phí, tôn trọng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh và thỏa thuận trong việc cung ứng dịch vụ thẻ, phù hợp với các quy định pháp luật, bao gồm cả Luật Cạnh tranh.

Một điểm quan trọng là dự thảo Thông tư chỉ quy định mức trần về phí dịch vụ, giao dịch ATM được phép thu trong từng thời kỳ. Điều đó có nghĩa là trong môi trường hoạt động thẻ cạnh tranh như hiện nay với trên 50 tổ chức phát hành thẻ, các ngân hàng trong khả năng và phù hợp với chiến lược khách hàng trong từng giai đoạn có thể thu ở mức tối đa, thu một phần hoặc thậm chí là không thu phí. 

 

Bởi vậy, các khách hàng “nhạy cảm” với yếu tố phí vẫn có thể lựa chọn được những ngân hàng phục vụ phù hợp. NHNN có quan điểm rằng khung phí là để đảm bảo các ngân hàng nếu có thu phí thì thu trong “trật tự” và theo một lộ trình có kiểm soát.

Về lâu dài, khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển kéo theo lượng rút tiền từ ATM giảm đi tương đối, các ngân hàng có thể cân đối lại doanh thu, chi phí để có mức thu phí rút tiền ATM phù hợp hoặc thậm chí là không thu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại