'Sống dở chết dở' vì trở thành con nợ của thẻ tín dụng

thanhthao |

Nếu không biết tính toán, cân nhắc trước khi mua bán, bạn sẽ trở thành con nợ "bất đắc dĩ" của các ngân hàng.

Một vài năm gần đây, việc sử dụng những chiếc thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến hơn với người dân Việt Nam. Nó thay thế cho phương thức thanh toán bằng tiền mặt mất nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro khi bạn mang một số tiền lớn bên mình. 

Hình thức thanh toán này được thực hiện dựa trên uy tín. Chủ thẻ không cần phải trả tiền mặt ngay sau khi mua hàng. Thay vào đó, Ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán để chi trả số tiền tương đương với giá trị của hàng hóa người mua đã lấy. Chủ thẻ có nghĩa vụ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Khi bạn thực hiện thanh toán bằng thẻ tín dụng điều đó có nghĩa là bạn đang vay tiền từ ngân hàng phát hành thẻ để chi tiêu.

Chủ thẻ cũng có thể rút tiền mặt từ tài khoản thẻ tín dụng (tiền mặt ứng trước) nếu muốn. Chủ thẻ được rút và dùng tiền mặt trước trong hạn mức tín dụng được quy định cho mỗi thẻ. Trung bình số tiền này lên đến cả chục triệu đồng. Việc sử dụng thẻ tín dụng cho phép khách hàng “trả dần” số tiền mình đã nợ trong các giao dịch họ đã tiến hành. Bất kể khi nào chủ thẻ có tiền chuyển về tài khoản thì lập tứ ngân hàng sẽ khấu trừ số nợ mà chủ thẻ đã tạm vay để chi tiêu. Với việc sử dụng này, chủ thẻ không phải thanh toán toàn bộ số dư trên bảng sao kê giao dịch hằng tháng. 

song-do-chet-do-vi-tro-thanh-con-no-cua-the-tin-dung

Để có trong tay một chiếc thẻ "chỉ cần quẹt một cái là ra hàng đống tiền" như vậy không phải là một chuyện khó khăn gì. Với chính sách kích cầu tiêu dùng, nhiều ngân hàng đã thỏa sức phát hành thẻ cho người dân nếu họ đáp ứng được một điều kiện duy nhất là khách hàng có thu nhập cao hoặc có thể chứng minh được điều kiện kinh tế tốt.

Như vậy, chỉ cần 1 chiếc thẻ nhỏ gọn trên tay, bạn có thể tiến hành hàng trăm, nghìn các giao dịch thương mại, mua rất nhiều thứ khác nhau mà không cần phải lo hết tiền. Và việc chi tiêu bằng những chiếc thẻ này là mốt thời thượng, là các thể hiện "đẳng cấp" của các cô, các cậu thanh niên.

Anh Hùng, nhân viên kinh doanh cho biết: "Chiếc thẻ này khá phù hợp với một người như tôi. Với công việc đòi hỏi phải đi lại nhiều, gặp gỡ khách hàng bên ngoài, tôi không bao giờ phải lo lắng chuyện không mang đủ tiền cho những giao dịch của mình".

song-do-chet-do-vi-tro-thanh-con-no-cua-the-tin-dung

Thế nhưng một nghịch lý của sự tiện dụng này là với số tiền "ảo" đó là bạn không thể kiểm soát được số tiền chi tiêu dễ gây tình trạng tiêu dùng quá đà. Nếu không biết tính toán, cân nhắc trước khi mua bán, rất có thể bạn sẽ trở thành con nợ "bất đắc dĩ" của các ngân hàng.

Chị Lan, một nhân viên văn phòng tỏ ra ngao ngán: "Lúc mới biết đến chiếc thẻ "đa tài" này, là một tín đồ mua sắm nên tôi đã rất thích thú. Do thủ tục đơn giản, lại không phải mất phí, tôi đã đăng ký làm mấy cái liền tại các ngân hàng khác nhau. Tôi phải công nhận rằng nó tốt thật. Tôi cứ quẹt một cái nó lại ra cả đống tiền. Thỏa sức mà mua sắm mà không thấy xót ruột. Cứ như mình nhặt được tiền đây. Thế nhưng do không kiểm soát được số tiền đã chi tiêu nên tôi đã làm "thâm hụt" trong tài khoản của mình cả chục triệu đồng". Mặt chị buồn rầu "mấy tháng nay tôi không dùng đến mấy cái thẻ đó nữa rồi. Còn khoản nợ, không biết bao giờ tôi mới trả hết".

Như vậy, cái gì cũng có hai mặt của nó. Việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng là một chủ trương tốt, tiến bộ, hạn chế sự lưu thông bằng tiền mặt trên thị trường. Thế nhưng, để đạt được hiệu quả thì đòi hỏi người dân có ý thức hơn nữa về quyền và nghĩa vụ của mình cũng như các ngân hàng cần thắt chặt hơn nữa công tác quản lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại