Những kẻ chăn dắt người ăn xin ở Biên Hòa

vytran |

Dù giữa trưa nắng gắt hay đêm khuya mưa lạnh, nhiều người già, tàn tật vẫn phải dầu dãi trên đường phố...

VẮT KIỆT SỨC GIÀ

6 giờ sáng, một người đàn ông ngoài 40 tuổi tấp xe máy vào lề đường Hà Huy Giáp (Biên Hòa) thả một bà cụ và một bé gái xuống. Tại đây, nhìn cụ già lưng còng, da nhăn nheo, quần áo lôi thôi lếch thếch, đôi mắt mờ đục rơm rớm lệ, nhiều người động lòng trắc ẩn đã móc hầu bao giúp đỡ. Thỉnh thoảng cụ già mệt quá đứng nghỉ thì ngay lập tức nhận được cái nhéo đau điếng từ cô bé.

Chúng tôi được biết bà cụ tên Thơm, 84 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa. Bà Thơm nói, ngoài quê con cái đều đã có gia đình riêng nhưng ai cũng nghèo không nuôi được bố mẹ, nên bà vào Biên Hòa ở với một người cháu rồi đi ăn xin thuê cho người này. Còn bé gái là người được kẻ chăn dắt thuê đóng giả cháu ngoại đi theo giám sát và thúc giục bà cụ “làm việc”. Mỗi ngày, bà Thơm xin được từ 300.000 đến 400.000 đồng, có hôm được nhiều hơn nhưng tất cả phải đưa cho ông chủ cất giữ.

Tại cây xăng Tân Hiệp phường Tân Hiệp, ban ngày thường xuất hiện một bà cụ ăn xin tên Bá, 75 tuổi. Buổi tối, bà Bá cùng một cụ ông và bé trai khoảng 5 tuổi lại hành nghề tại công viên Long Bình (phường Long Bình). Bà Bá nói: “Nhà cửa bị bão lụt phá sập hết, đói quá. Con cháu bỏ đi làm thuê ở đâu không biết, còn bà vào Biên Hòa hành nghề bán vé số thuê cho một người cùng làng kiếm sống, nhưng già rồi sợ bị kẻ xấu giật mất không có tiền đền nên đi ăn xin. Tôi khổ lắm, suốt ngày đi vất vả ngoài đường, trưa ăn cơm bụi đến tối mịt mới về nhà trọ”.

Người già và tàn tật trở thành công cụ kiếm tiền của những kẻ bất lương ở Đồng Nai

8 giờ tối ngày cuối tuần, trời mưa như trút nước, chúng tôi bắt gặp một cụ ông ăn xin ngồi co ro dưới hiên quán tạp hóa tại chợ Hóa An, xã Hóa An trông rất thảm thương. Qua câu chuyện cụ cho biết tên là Thái, 72 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cụ Thái nói: “Hôm nay trời mưa xin được ít tiền, chưa đủ “chỉ tiêu” bà chủ giao nên không dám về. Tôi ngồi đây đợi tạnh mưa cố đi xin thêm cho đủ, kẻo về bị bà ấy đánh, không cho ăn cơm. Tôi muốn về quê nhưng bà chủ không cho”.

CHÂN DUNG NHỮNG KẺ SỐNG BÁM

Với số tiền kiếm được lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày, những kẻ chăn dắt bất lương thoải mái ăn chơi, phè phỡn dựa vào lòng thương hại của người đời đối với người già và tàn tật.

Tư vừa là chủ đường dây vừa giả dạng người tàn tật ăn xin

Người đàn ông đưa đón cụ Thơm và bé gái đi ăn xin tên Thanh, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Căn nhà này ông ta thuê giá 700.000 đồng/tháng. Hiện căn nhà này có sáu người gồm ông Thanh, cụ Thơm, một cụ ông bị mù và ba thiếu niên từ 8 đến 15 tuổi. 6 giờ sáng hàng ngày, ông Thanh chở năm người này đi ăn xin đến 11 giờ 30 thì đón về. Buổi chiều khoảng 3 giờ chở đi và đến 23 giờ đêm chở về. Địa điểm ăn xin của đường dây này là các cây xăng như cây xăng thuộc phường Tân Hiệp... Những người này xin được bao nhiêu tiền đều phải đưa cho Thanh hết và được ông này trả lương mỗi tháng 900 ngàn đồng.

Cụ Thái cho biết, bà chủ chăn dắt tên Hải, quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bà Hải giao chỉ tiêu cho từng người ăn xin. Nếu ai không xin đủ thì bị bà ta trừng phạt thích đáng: người già, tàn tật thì bị bỏ đói, bỏ rét, còn trẻ em thì bị đánh đập không thương tiếc.

Ông Thanh - chủ đường dây ăn xin ở phường Trảng Dài và căn nhà ông thuê để tổ chức chăn dắt người ăn xin

Theo ĐSCT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại