Từ 26-27/4, tại Vườn quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, Lâm Đồng , diễn ra tọa đàm về “Kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học VQG Bidoup-Núi Bà giai đoạn 2004-2024”.
Đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng một số VQG đã tham dự, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học tại cuộc tọa đàm.
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc VQG Bidoup-Núi Bà cho biết, 20 năm qua, VQG đã thực hiện 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có chương trình nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học về hệ sinh thái.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là nơi có khu rừng tự nhiên liên vùng rộng lớn nhất Việt Nam, một trong những khu vực đa dạng nhất về loài ở Đông Nam Á ; đồng thời có nhiều loài mới được phát hiện.
Vườn đã công bố và phối hợp công bố hơn 70 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành; đồng thời đã phối hợp công bố các phát hiện mới về khoa học cho hơn 120 loài động thực vật gồm nấm, sồi ba cạnh, lưỡng cư, động vật không xương sống…
Những kết quả nghiên cứu đã minh chứng VQG Bidoup-Núi Bà là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 2.089 loài thực vật có mạch, một phần đáng kể trong số 13.000 loài của Việt Nam; riêng về rêu đã có hơn 400 loài.
Trong đó có 74 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 35 loài có tên trong Danh lục đỏ của Liên Minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Đặc biệt, Bidoup-Núi Bà nổi tiếng là thiên đường hoa lan với 317 loài, trong số gần 1.300 loài lan ở Việt Nam.
Về cây lá kim, đây là khu vực quan trọng với 13 loài trong tổng số 33 loài cây lá kim của Việt Nam. Trong đó có những loài mang tính đặc hữu hẹp như thông hai lá dẹt, tuế lá xẻ…
Hệ động vật cũng rất đa dạng với trên 131 loài thú và 363 loài chim đã được ghi nhận. Được đánh giá là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới, thu hút các nhà nghiên cứu và những người đam mê chim trên toàn cầu.
Nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã hỗ trợ đào tạo tập huấn tăng cường năng lực cho các cán bộ của VQG, thiết lập và nâng cấp công cụ SMART, lắp đặt 112 bẫy ảnh hệ thống.
2 tổ tuần tra dựa vào cộng đồng đã được thành lập; đến nay, đã tiến hành khoảng 200 ngày tuần tra, dỡ bỏ nhiều bẫy thú trong khu vực rừng của VQG Bidoup - Núi Bà nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Mặt khác, Dự án đã thực hiện nhiều chiến dịch hoạt động nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã.
Dự án đang hỗ trợ VQG Bidoup - Núi Bà đăng ký Danh lục xanh của IUCN, một tiêu chuẩn toàn cầu về quản lý khu bảo tồn.